Trong cuộc trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình ở Italia cách đây một năm, khi ký giả đề nghị huấn luyện viên (HLV) Roberto Mancini tự mô tả bản thân bằng một từ duy nhất, có thể rất nhiều người sẽ không thể tin vào tai mình khi nghe câu trả lời: “Genius” (Thiên tài). Ông Mancini là một con người có ý thức về bản thân mạnh đến mức ngông cuồng, và đó chính là cá tính đã giúp HLV này chèo lái thành công một trong những đội bóng giàu áp lực nhất thế giới vào thời điểm này.
Người hùng bóng đá Mancini
Trang web chính thức của ông Mancini mô tả HLV người Italia bằng một “slogan”: “Đẳng cấp nhà vô địch”. Trước đây, khi còn là cầu thủ của Leicester, dù chỉ ra sân vỏn vẹn 4 trận ở Premier League, ông vẫn được các đồng đội ngưỡng mộ đặt cho biệt danh “Huyền thoại”. Giống như cái tên Roberto Mancini của mình, khi sắp xếp lại có thể tạo thành chữ “ambition corner” (tạm dịch: Tham vọng thống trị), ông có một sự tự tin lớn lao vào tầm vóc của bản thân, đến mức “kiêu ngạo và tham vọng đến tàn khốc”, như lời một bài bình luận trên tờ Guardian về ông.Sampdoria, đội bóng mà ông Mancini gắn bó lâu nhất từ trước đến giờ, cũng sở hữu áo đấu xanh da trời
Toàn bộ sự nghiệp của ông Mancini, từ khi còn là cầu thủ cho đến giai đoạn làm HLV, đều cho thấy sự khac biệt của một cá tính vĩ cuồng. “Tôi luôn thích làm việc để mang lại thành công cho một đội bóng đã không chiến thắng trong nhiều năm” - Ông nói trong một lần trả lời phỏng vấn không lâu sau khi quyết định trở thành HLV trưởng của Manchester City. Cũng chỉ sau đó 17 tháng, đội bóng áo xanh giành được danh hiệu đầu tiên sau hơn ba thập kỷ chờ đợi (FA Cup). Mancini, người thú nhận mình là một cổ động viên cuồng nhiệt của series phim điệp viên James Bond (đặc biệt là những phiên bản mà Sean Connery thủ vai), cũng luôn muốn trở thành một người hùng trong bóng đá. Trước Man City, cơn khát danh hiệu ở Sampdoria, Lazio, Fiorentina, và Inter Milan cũng đã chấm dứt khi ông đến.
Mancini dường như được sinh ra để thực hiện sứ mệnh ấy. Lớn lên trong môi trường công giáo La Mã, ấu thơ của HLV người Italia xoay quanh bóng đá và tôn giáo. Năm lên 8 tuổi, Roberto phải dự buổi rước lễ lần đầu tiên trong đời, nhưng hôm ấy, đội nhi đồng của cậu cũng phải chơi một “trận đấu lớn”. “Buổi lễ bắt đầu suôn sẻ, nhưng được nửa buổi, thì chúng tôi không thể tìm thấy Roberto đâu cả” - cha của Mancini, ông Aldo, nhớ lại. “Tôi đã rất tức giận khi biết nó lẻn đi đá bóng và phải đi xin lỗi vị linh mục vì chuyện này, nhưng ông ấy lại bảo tôi rằng đừng lo lắng, thậm chí còn bảo nên để nó đi vì đội bóng đang thua”. Sau đó, Mancini đã cứu đội bóng của cậu khỏi một thất bại.
Luôn sẵn sàng hành động ngay khi bóng đá cất tiếng gọi bất chấp mọi rào cản, Mancini đã xách ba lô gia nhập đội trẻ Bologna, cách quê nhà 200 cây số, khi mới 13 tuổi. “Tôi vẫn còn quá trẻ và mọi thứ diễn ra thật khó khăn trong năm đầu tiên” - Mancini nhớ lại. “Các con tôi bây giờ còn già dặn hơn, nhưng ngay cả tôi cũng không thể tưởng tượng ra việc chúng xa nhà từ thủa 13. Thế nhưng bóng đá là sự ưu tiên của cuộc đời tôi, và nó đã thay đổi tôi”.
Lần đầu tiên ra mắt ở đấu trường rất khốc liệt và không biết đến khái niệm tha thứ là Serie A, Mancini còn những hai tháng nữa mới tròn 17 tuổi. Đó là trận mở màn của mùa 1981-1982, và cũng là thời điểm mở màn cho một tài năng kiệt xuất không hề biết sợ hãi. Ở đội Bologna nghèo nàn sắp lần thứ hai liên tiếp... xuống hạng ấy, Mancini là điểm sáng duy nhất, người đã ghi 9/25 bàn thắng của đội tại Serie A mùa bóng ấy dù vẫn còn ở tuổi thiếu niên. Sau đó là 15 năm chung thủy và cũng ngập tràn thử thách với Sampdoria, mà chức vô địch mùa bóng 1990-1991, Scudetto duy nhất trong lịch sử đội bóng này, cho thấy sức tranh đấu kinh khủng của thủ lĩnh Mancini. Thời điểm ấy, AC Milan và Juventus vẫn là hai thế lực lớn với tiềm lực tài chính mạnh mẽ nhất, Napoli được Diego Maradona vĩ đại dẫn dắt, còn Inter sở hữu ba cầu thủ Tây Đức giỏi nhất khi ấy là Andreas Brehme, Lothar Matthaeus và Juergen Klinsmann.
Nhưng người chiến thắng cuối cùng là Sampdoria của Mancini, cầu thủ đã tạo ra được ảnh hưởng lớn lao lên đội bóng, không chỉ ở những bàn thắng và vai trò đối tác ăn ý với đồng đội Gianluca Vialli trên hàng công. Khi HLV Sven-Goran Eriksson bay tới Monte Carlo để dự buổi phỏng vấn ra mắt cương vị HLV trưởng ở Sampdoria vào năm 1992, người ngồi bên ông trong phòng họp báo chính là đội trưởng Mancini. Roberto là người tổ chức các cuộc trao đổi giữa các cầu thủ, và thậm chí là người thay mặt HLV để úy lạo các đồng đội trong khoảng thời gian nghỉ giữa hai hiệp.
Cái tôi lớn & cái tôi điên rồ
Ý thức cái tôi cực mạnh của Mancini đôi khi biến ông thành một con người hoàn toàn khác. Eriksson rùng mình nhớ lại cảm giác nhìn thấy Mancini tranh cãi với các trọng tài rằng “trông anh ta thật khủng khiếp”. Đó là trận đấu với Inter Milan vào năm 1995. Bị từ chối một quả penalty, Mancini gần như phát điên với trọng tài, cầm băng đội trưởng ném toẹt xuống đất và hầm hầm rời sân, không quên quay sang bảo với HLV Eriksson rằng anh sẽ không bao giờ ra sân nữa. HLV người Thụy Điển ra sức thuyết phục Mancini trở lại sân, nhưng đó là một quyết định miễn cưỡng, vì sau đó, anh dường như đã cố tình để bị đuổi khỏi sân sau một pha va chạm ghê rợn với Paul Ince. Roberto Mancini và chiếc khăn trùng màu áo với Manchester City, một hình ảnh tạo được thiện cảm với các CĐV của đội bóng áo xanh
Không ngần ngại trấn áp những cầu thủ thích nổi loạn (Balotelli, Tevez...) khi trở thành HLV, nhưng ít ai biết rằng Mancini cũng từng là một cầu thủ cứng đầu hạng nhất. Năm 1990, ông là một trong sáu tiền đạo được HLV của đội tuyển Italia thời điểm ấy là Azgelio Vicini chọn đi World Cup, nhưng không được ra sân. Sau đó, Mancini rên rỉ trên báo: “Tôi đã lãng phí 70 ngày trong đời giữa những đợt tập trung và World Cup, để rồi không được ra sân lấy một phút. 70 ngày cơ đấy! 70 ngày mà tôi sẽ chẳng bao giờ lấy lại được”. Vì sao ông lại bị bỏ rơi? Vẫn lời Mancini: “Đó là lỗi của tôi, vì tôi đá cho Samp. Tôi không đến từ một đội bóng lớn”. 4 năm sau, sự nghiệp quốc tế của ông chấm dứt sau những phản ứng dữ dội khi bị thay ra giữa hiệp trong trận giao hữu giữa Italia và Đức trước thềm World Cup năm 1994. HLV Arrigo Sacchi đã từ chối trao thêm cơ hội cho Mancini, và số lần khoác áo đội tuyển của ông mãi mãi dừng lại ở con số 34.
Giống như một vị vua thích chinh phục và luôn tự tin ở sức hấp dẫn của bản thân, Mancini không ngần ngại cười ngạo lên tất cả nếu cái tôi của ông đã đến lúc phải bùng nổ, ngay cả trong những câu chuyện tế nhị, và khiến tất cả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì cá tính góc cạnh của mình. Ông đã từng chia sẻ một góc nhìn khác về tình trạng rượu chè be bét của cầu thủ Anh: “Tôi không hiểu sao các cầu thủ lại say xỉn ngay trong quãng thời gian thi đấu. Chúng tôi không có cái thứ văn hóa ấy ở Italia. Chúng tôi thích cặp với các cô gái sau khi trận đấu kết thúc hơn, và tôi vẫn thường bảo các cầu thủ của mình rằng đi với gái còn tốt hơn là rượu chè”.
Tưởng thưởng & trả giá
Trong một lần cùng xuất hiện trong chương trình truyền hình Italia La lene vào năm 2003 cùng với người đồng nghiệp Carlo Ancelotti, những câu trả lời của Mancini cho thấy sự thẳng thắn, nhưng khá ngạo mạn. Trong buổi phỏng vấn, cả hai đều thừa nhận rằng Mancini làm phụ nữ xao xuyến nhiều hơn Ancelotti khi cả hai cùng là cầu thủ, và khi được hỏi rằng hai ông đã nói câu “anh yêu em” với mấy người, nếu Carlo dành ra mấy phút để nói về “tình yêu duy nhất” với vợ ông, thì Mancini chỉ nhát gừng “một vài người”. Ông thậm chí đã thừa nhận rằng mình từng hút cần sa khi còn là cầu thủ, và điều hối tiếc nhất trong đời cầu thủ là “chưa từng được chơi cho Real Madrid”.
Con người vĩ cuồng ấy đã từng được tưởng thưởng rất nhiều nhờ cá tính của ông, và cũng không ít lần phải trả giá, như khi cuộc hôn nhân với cô vợ Federica bị đe dọa bởi lời “cáo buộc” của diễn viên Lory Del Santo rằng Mancini thậm chí đã từng định bỏ vợ vì quan hệ với cô ta, như khi ông bị Inter ruồng bỏ vì một cá tính tương tự, nhưng thậm chí còn kinh khủng hơn là Jose Mourinho. Nhưng dù thế nào, Mancini luôn muốn (và có thể) tạo ra sự khác biệt, và những gì ông đang làm ở Man City có lẽ đang hướng mọi chuyện đến một sự tưởng thưởng, dù trên con đường chông gai ấy, không ít sự trả giá đã xuất hiện.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)