Mùa trước, ở thời điểm Manchester City đang phải vật lộn trong cuộc đua vô địch ở Premier League, Roberto Mancini lại thương thảo một hợp đồng bí mật béo bở ở Monaco. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên khi gần như mọi mối quan hệ ở Etihad cho tới giờ chỉ bị ràng buộc bởi một yếu tố duy nhất: túi tiền của các ông chủ Abu Dhabi.
Theo báo chí Anh, hợp đồng mà tỉ phú người Nga Dmitry Rybolovlev, ông chủ AS Monaco đang thi đấu ở hạng 2 Pháp, đề nghị với Mancini có thời hạn tới 5 năm và mức lương sau thuế lên đến 8 triệu euro. Ngoài mặt, có quá nhiều lý do để một người ở vị trí của Mancini cân nhắc một đề nghị như thế, phong cảnh tuyệt đẹp của vòng Côte d'Azur, khí hậu Địa Trung Hải rất tốt cho sức khỏe, những cảng du thuyền lộng lẫy và cả mức thuế thu nhập rất thấp ở Monaco.
Như nhiều mối quan hệ khác ở Man City, Mancini (trái) và Tevez chỉ ràng buộc bởi tiền lương.
Ngoài ra, nhờ vào tiền bạc của Rybolovlev và sự yếu ớt của giải hạng Hai Pháp, thành công trong bóng đá gần như là chắc chắn với Mancini. Sự giàu có của Rybolovlev là điều nhiều người biết tới, với căn biệt điện trị giá 78 triệu euro Maison de L'Amitié mà ông mới tậu. Tuy nhiên, ông chủ có cái tên Sheikh Mansour bin Zayed bin Sultan al-Nahyan và những doanh nhân khác của tập đoàn Abu Dhabi United Group cũng không phải là những người "nghèo khó" lắm. Có lẽ, Mancini không thực sự nghiêm túc về việc sẽ bỏ Man City mà đi, mà trong bối cảnh sức ép về tiền bạc quá lớn tại Etihad, ông chỉ muốn chuẩn bị cho mình một bến đỗ an toàn.
Những gì diễn ra bộc lộ rất nhiều về các mối quan hệ ở Etihad lúc này. Ở Old Trafford, Alex Ferguson là một tượng đài. Tại Arsenal, Arsene Wenger đã thất bại 7 năm qua mà vẫn yên tâm tại vị vì các cầu thủ yêu mến ông và nhiều CĐV vẫn coi ông là chiến lược gia vĩ đại nhất. Ở Everton, David Moyes cũng có được tầm ảnh hưởng tương tự. Còn Man City, do đòi hỏi gấp gáp về thành công, tất cả đã được quy ra tiền.
Từ trên xuống, sự tin tưởng và ủng hộ mà các ông chủ dành cho Mancini phải dựa trước hết trên thành tích. HLV người Italia đứng trên bờ vực bị sa thải bất cứ khi nào, có khi chỉ sau một vài trận thua do phong độ không như ý, hoặc đơn giản là do vận may. Mancini chẳng ưa gì cựu GĐTT Brian Marwood và không ai đảm bảo ông sẽ cộng tác tốt với Txiki Begiristain, nhân vật mới đảm nhận cương vị phụ trách chiêu mộ cầu thủ.
Giống như trên sân, ban lãnh đạo và huấn luyện của Man City cũng chỉ là sự lắp ghép tạm bợ giữa những cá nhân chia ra thì nổi tiếng và xuất sắc, nhưng ghép lại thì là một tập thể luôn nghi kỵ lẫn nhau, mỗi người mỗi ý và điểm chung duy nhất giữa họ là được hưởng lương cao. Còn tệ hơn nữa, nếu như các cầu thủ có những buổi tập, những trận đấu để làm quen và gắn kết với nhau dần dần, thì những cái tôi quá lớn trong phòng điều hành chỉ đưa tới đổ vỡ mà thôi.
Từ dưới lên, các cầu thủ cũng nhìn chính Mancini bằng ánh mắt nghi ngờ và thiếu tôn trọng như thế, mà Carlos Tevez là ví dụ điển hình nhất. Tại Etihad, HLV người Italia đã không ít lần lên tiếng đòi hỏi được trao thêm quyền hạn. Ông muốn được kiểm soát đội bóng ở mức độ như Ferguson tại M.U, nhưng với nền tảng như hiện giờ ở Man City, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)