Ranieri: King Claudio - Một vị vua tầm thường
Thứ Năm 05/05/2016 19:40(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên (Bongda24h) - Mùa hè 2015, người ta vẫn còn cười khi Leicester bổ nhiệm Ranieri. Báo chí Italia còn gọi ông là "người tầm thường". Thế mà chỉ gần 300 ngày sau, người ta đã gọi ông với cái tên thật oách "King Claudio".
Khi
Leicester chính thức lên ngôi vô địch Premier League, giới truyền thông Italia đã gọi Ranieri là "King Claudio" (Đức vua Claudio). Trang nhất của tờ Gazzetta dello Sport đã đặt dòng tít đó với hình ảnh Ranieri giống với hoàng đế La Mã Claudius. Một loạt trang báo truyền thông quốc tế cũng đặt chiến tích của Ranieri giành được cho Leicester lên trang nhất. Nhưng họ đã quên chưa đầy một năm trước đó, họ gọi con trai người bán thịt là "kẻ tầm thường".
Trước khi đến với Leicester, Ranieri từng đảm nhiệm vai trò HLV trưởng đội tuyển Hy Lạp. Ký hợp đồng hai năm sau kỳ World Cup 2014 nhưng chỉ sau bốn tháng, Ranieri nhận trát sa thải với trận thua lịch sử ngay trên sân nhà khi chạm trán "siêu nhược tiểu" Quần đảo Faroe. Tưởng như cột mốc đáng xấu hổ đó sẽ khiến sự nghiệp cầm quân của Ranieri kết thúc khi ông trải qua hơn nửa năm trời không tìm được việc, thế nhưng Leicester đã tìm đến ông như một định mệnh.
|
HLV Ranieri được báo giới Italia ví như hoàng đế La Mã Claudius. |
Mùa hè 2015, HLV Nigel Pearson bị sa thải khi mà mùa giải mới đang đến rất gần. Trong sự gấp gáp đó, chủ tịch Vichai quyết định liên hệ với
HLV Ranieri. Ngay đến tận bây giờ, cả ngài Vichai lẫn "King Claudio" đều thừa nhận không hề đặt mục tiêu nào cho Leicester mùa giải 2015-16 ngoài việc trụ hạng. Thực ra, Vichai ban đầu cũng không muốn chọn Ranieri nhưng việc bổ nhiệm chiến lược gia một cách vội vàng không phải là một giải pháp hay. Nhất là khi Leicester chẳng phải một đội bóng có tiềm lực mạnh. Thế nên cái "gã thợ hàn" được mang đến sân King Power với mong muốn giúp "bầy cáo" giữ được sự ổn định như cuối mùa giải năm ngoái là đủ.
Nhìn vào bản CV của Ranieri, người ta cũng hiểu vì sao ngài Vichai dự tính việc bổ nhiệm Ranieri chỉ là giải pháp tạm thời. Khởi nghiệp huấn luyện từ năm 1986 nhưng Ranieri chưa bao giờ ở quá lâu tại một câu lạc bộ, ông cũng chẳng giành được danh hiệu nào đáng kể. Có lẽ cái tài duy nhất của chiến lược gia 64 tuổi là giúp một đội bóng giữ được sự ổn định, đạt thành tích tốt nhất có thể dựa trên nền tảng là những cầu thủ sẵn có. Tất nhiên, Ranieri đã làm quá tốt tại Leicester, thậm chí là đặc biệt, đặc biệt tốt.
Leicester vô địch Premier League: Chuyện con cáo và chùm nho chínLeicester City đã vô địch Premier League một cách thuyết phục, một câu chuyện dường như chỉ xảy ra khi người ta chơi Football Manager. Nhưng nếu như những game... "Đây là thành tựu lớn nhất trong
bóng đá Anh, và câu chuyện đặc biệt đó được viết nên bởi một người Italia" - Matteo Renzi, cây viết của trang Italian Premier đã chia sẻ dòng tweet trên mạng xã hội cùng biểu cảm trạng thái "điên" bằng tiếng Ý.
Bí quyết thành công của Ranieri ư? Đó là trái tim, tâm hồn và quan trọng nhất là đức tin."Tôi nghĩ rằng sớm hay muộn sẽ giành được một chức vô địch quốc gia. Tôi vẫn là Ranieri từng bị sa thải tại Hy Lạp chỉ sau bốn tháng làm việc. Điều duy nhất tôi muốn nhắn nhủ với mọi người là họ hãy giữ đức tin của mình và cố gắng thử mọi điều có thể. Không chỉ trong bóng đá đâu, hãy giữ tinh thần đó trong mọi việc của cuộc sống".
Ranieri chia sẻ đầy phấn khích như thế khi được kênh truyền thanh RAI của Italia phỏng vấn sau khi Leicester chính thức vô địch Premier League. Tại sao không phải kênh truyền hình nào đó của Anh mà lại là Italia? Đơn giản bởi khi đó, ông đang ở quê nhà. Trước khi trận cầu quyết định ngôi vương giữa
Chelsea vs Tottenham diễn ra, Ranieri đã lên máy bay để trở về nhà ăn trưa cùng người mẹ 96 tuổi của ông. Và điều gì đáng quý hơn thế, khi Ranieri luôn dành trọn những thứ tốt đẹp nhất, những khoảnh khắc tốt đẹp nhất bên gia đình?
|
Ranieri đã tạo nên huyền thoại cùng Leicester City |
Wes Morgan, thủ quân của CLB Leicester City mùa này thừa nhận các cầu thủ Leicester mùa này coi nhau như anh em, còn họ coi Ranieri như một người cha. Phải, một người cha chứ chẳng phải một vị vua đầy quyền năng. Ranieri từng hứa sẽ mua bánh pizza cho các học trò như cách người ta dỗ những đứa con của mình. Ông nói "dilly-ding, dilly-dong" khi đám học trò làm không tốt như cách một người cha động viên con mình chứ chẳng phải những lời quát mắng của người nắm quyền.
Trên tất cả, người ta thấy được đằng sau sự thành công của Leicester là tinh thần đoàn kết, làm việc tập thể. Ở Italia, người ta gọi ông là vị vua, phải, "King Claudio" cơ đấy. Nhưng ở sân King Power, Ranieri chỉ là một "người bình thường" như những gì người ta vẫn gọi ông gần một năm về trước.
King Claudio - vị vua tầm thường đã viết nên trang sử của một đế chế!
Như Đạt