Thành công của HLV Juande Ramos qua thành tích đoạt cúp Liên đoàn hôm Chủ Nhật rồi, đã được mổ xẻ nhiều. Câu hỏi được đặt ra từ thắng lợi này là tại sao Ramos chỉ cần 4 tháng để đem lại cho Tottenham danh hiệu mà đội bóng thành London đã mỏi cổ chờ đợi trong suốt 9 năm.
Ramos đăng quang ngay tại đấu trường đầu tiên mà ông có thể tìm kiếm danh hiệu. Và thậm chí, danh hiệu ấy đến từ một Tottenham đang nằm trong nhóm rớt hạng (khi ông bắt đầu cầm quân), chứ chẳng phải một Tottenham hùng mạnh, đang gặp thời hoặc có phong độ tốt.
Thêm một HLV nước ngoài thành công ở Anh
Các HLV nước ngoài chỉ việc nhảy vào Premier League là sẽ thành công dễ dàng như Ramos? Một câu hỏi quá xúc phạm đối với quê hương bóng đá. Nhưng người Anh cũng khó mà phủ nhận thực tế phũ phàng. Nhân chuyện Ramos thành công ở Tottenham, người ta đành phải nhìn vào Kevin Keegan – HLV cũng vừa nhậm chức với ý đồ vực dậy và tạo ra lối chơi hấp dẫn cho Newcastle. Nhìn và so sánh. Sự khác biệt như ngày và đêm giữa Ramos với Keegan không chỉ nằm ở thành tích. Khác biệt còn nằm ở niềm tin, niềm kiêu hãnh mỗi khi ra sân của Tottenham và sự bạc nhược, chỉ mong trận đấu nhanh chóng kết thúc, của Newcastle.
Và cũng nhân chuyện Ramos thành công, người ta đành phải nhìn lại Premier League một cách tổng quát, xem các HLV người Anh hiện đang đứng ở đâu. Cả 3 ứng cử viên rớt hạng “sáng giá” nhất – Derby, Fulham, Reading – đều do HLV người Anh dẫn dắt (Paul Jewell, Roy Hodgson, Steve Coppell). Bốn đội khác, cũng do HLV người Anh dẫn dắt, đều xếp ngay trên 3 đội chót bảng. Đó là Bolton (của Gary Megson), Wigan (Steve Bruce), Newcastle (Keegan), Middlesbrough (Gareth Southgate). Trên nguyên tắc, các đội thuộc nhóm này đều chưa thoát khỏi nguy cơ rớt hạng. Ngoài ra, Premier League chỉ còn 2 HLV khác người Anh. Đó là Harry Redknapp (đang dẫn dắt Portsmouth, tạm xếp thứ 7) và Alan Curbishley (West Ham, thứ 10). Vỏn vẹn 2 đại diện trong nửa trên của bảng xếp hạng! Và cả hai đều chỉ chiếm được vị trí tầm thường, chẳng có hy vọng gì về một kết cục hào nhoáng!
Đừng nói đến vai trò đầu tàu, ngay cả chiếc ghế HLV phó ở các đội bóng thành công tại Premier League, đa số cũng đã thuộc về người nước ngoài. Điều đáng lưu ý: đấy không nhất thiết là trường hợp HLV trưởng tự chọn bộ sậu cho mình. Ramos không hề đem theo phụ tá khi chuyển đến từ Sevilla. Ông chỉ dùng trợ lý sẵn có ở Tottenham: Gustavo Poyet, cựu cầu thủ người Uruguay. Arsene Wenger (người Pháp) dùng cựu hậu vệ Ireland Pat Rice làm cánh tay mặt. Carlos Queiroz (BĐN) là trợ lý của Alex Ferguson (Scotland) trong khi Steve Clarke (Scotland) là trợ lý của Avram Grant (Israel)…
Đảo quốc sương mù chỉ sản sinh được những HLV tầm tầm như kiểu Kevin Keegan
Vì sao cả 9 HLV người Anh đang cầm quân ở Premier League đều chưa bao giờ có một danh hiệu quan trọng, ở Anh cũng như trên đấu trường châu Âu? Đây có thể là vấn đề khiến FA phải suy nghĩ. Nhưng Premier League không do FA cai quản. Ngược lại là đằng khác: FA phản đối kế hoạch “vòng thứ 39” của Premier League. Phải chăng vì FA và Premier League là hai thực thể gần như không liên quan với nhau, nên lực lượng HLV “nội” mới thua bét nhè ở Premier League, dù FA vẫn luôn tự hào là có hệ thống đào tạo HLV cực tốt, từ gốc rễ đến đỉnh cao?
Phải chăng vì HLV nước ngoài khi muốn sang Anh cầm quân đều phải cố gắng học hỏi mọi thứ, kể cả học tiếng Anh, còn HLV người Anh thì ít khi cầm quân ở nước ngoài và cũng không chịu áp lực phải học hỏi mọi thứ từ các nền bóng đá khác? Người Anh chê bai chiến lược “xoay tua” của HLV Rafael Benitez, chẳng qua vì cách ấy quá lạ, không có trong suy nghĩ của giới bóng đá Anh. Nhưng người Anh quên rằng Benitez đã có cả cúp UEFA lẫn danh hiệu Champions League. Ông có thuộc mẫu HLV điên rồ như dân Anh tưởng? Ramos cũng vậy. Giới bóng đá Anh cười khẩy khi biết Ramos áp dụng chế độ ăn kiêng để các cầu thủ Tottenham giảm tổng cộng 50kg chỉ trong vài tháng. Người Anh có thể không biết, hoặc không cần biết cách huấn luyện này. Và chính vì vậy, họ chẳng có danh hiệu nào.
Xin nhắc lại: toàn bộ 9 HLV người Anh đang cầm quân ở Premier League đều chưa bao giờ kiếm được danh hiệu đáng kể nào (danh hiệu vô địch giải hạng Nhì thì chẳng đáng nói làm gì).
(Theo Thể Thao và Cuộc Sống)