Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Premiership & xu hướng trở lại châu Á: Về miền đất hứa

Thứ Tư 27/07/2011 08:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khi Chelsea, Arsenal, Liverpool… đồng loạt chọn châu Á làm bến đỗ trong chiến dịch tập huấn và du đấu Hè, người ta bảo Premiership đã trở lại châu Á.

Phải thừa nhận, các đội bóng Anh đến châu Á du đấu không coi kết quả và chuyên môn là tiêu chí hàng đầu. Đây cũng là lý do mà phần lớn các CLB Premiership chọn châu Á là điểm dừng chân sớm nhất. Thời điểm tới châu Á, hầu hết các đội bóng vẫn chưa hội đủ quân, phần vì nhiều đội tuyển quốc gia còn đang tập trung, phần vì TTCN mùa Hè 2011 vẫn còn mở cửa. Chỉ sau chuyến tập huấn châu Á, các trận giao hữu tiếp theo của các đại diện Premiership mới được chú trọng về chuyên môn, trước các đối thủ xứng tầm.

Liverpool trong chuyến du đấu châu Á mới đây

Nếu không vì chuyên môn, những ông lớn của bóng đá Anh như Chelsea, Arsenal, Liverpool hay những đội bóng tầm trung như Aston Villa, Blackburn… đến châu Á làm gì? Thực tế, có rất nhiều lý do thúc đẩy các CLB Ngoại hạng triển khai chính sách trở lại châu Á. Với BHL và các cầu thủ, đây là dịp họ có thêm một giai đoạn nghỉ hè, thư giãn, tập nhẹ nhằm lấy lại năng lượng và tinh thần trước khi bước vào chuỗi ngày tập nặng chuẩn bị cho mùa bóng mới. Còn với BLĐ đội bóng, đây lại là dịp để họ làm ăn, với kế hoạch khuếch trương hình ảnh, ký kết các hợp đồng tài trợ, quảng cáo và điều ai cũng có thể nghĩ ra đó là kiếm ngay tiền từ các trận đấu giao hữu.

Kỷ nguyên Premiership, châu Á được xác định là trọng điểm chiến lược cần hướng tới của bóng đá Anh. Thế mới có chuyện, các trận Ngoại hạng diễn ra thường vào khung giờ rất phù hợp với truyền hình ở các nước châu Á. Với dân số đông nhất hành tinh, tốc độ phát triển cao nhất thế giới và theo khảo sát có lượng CĐV yêu thích bóng đá Anh không đâu có thể sánh bằng, châu Á chính là mảnh đất màu mỡ xét trên yếu tố kinh tế của Premiership.

Mỗi đội bóng Anh đến du đấu châu Á, ngoài hàng triệu bảng tiền chi phí thi đấu, họ còn nhận được nhiều nguồn lợi khác. Dễ hiểu vì sao Arsenal lại chọn Malaysia – một đất nước có nền bóng đá kém phát triển trong khu vực. Cũng dễ hiểu vì sao, Premiership lại tổ chức tour du đấu với sự góp mặt của Chelsea, Aston Villa và Blackburn ở Hongkong – nơi bóng đá phát triển hay không chẳng quan trọng. Và cũng dễ hiểu vì sao, Liverpool thích bến đỗ Trung Quốc mặc dù suốt gần một thập kỷ qua, bóng đá Trung Quốc sa sút.

Nói cho cùng, bóng đá là một ngành công nghiệp hướng tới số đông công chúng. Sự ủng hộ của người dân là yếu tố đặc biệt quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của môn thể thao vua. Kỷ nguyên Premiership, những người làm bóng đá Anh đã rất khôn ngoan khi họ luôn có những cam kết và chính sách hướng tới châu Á kịp thời để làm hài lòng người dân của châu lục này – những người vốn coi việc xem Premiership là món ăn tinh thần bổ ích.

(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X