(Bongda24h) - Cục diện cho ngôi vô địch Premiership đã xoay chuyển trong lượt đấu vừa qua. Khoảng cách giữa MU và Chelsea chỉ còn 3 điểm và The Blues càng thêm tự tin vào khả năng lật đổ MU trong những vòng đấu còn lại.
"Đôi bạn" MU và Chelsea đã không còn "cùng tiến" sau vòng đấu hôm qua. Khoảng cách 6 điểm được duy trì suốt từ cuối tháng 1 đã chấm dứt với thắng lợi của Chelsea và thất bại của MU. Cuộc đua tranh giành ngôi vị cao nhất nước Anh đang trở nên ngày càng hấp dẫn và khó lường hơn bao giờ hết. Chúng ta hãy cùng phân tích điều gì đã xảy ra ở vòng đấu 32 này.
Cái chết của MU: Điều đã được dự báo
Manchester United - Chelsea: Hai nửa trái ngược
Nhìn vào trận đấu hôm qua, nhiều CĐV MU có thể cho rằng đội bóng của họ đã thua vì kém may mắn. Thực ra đó chỉ là 1 phần nguyên nhân của thất bại chứ không phải tất cả. MU đã thua bởi sự thiếu vắng của một số cầu thủ quan trọng, bởi mối quan tâm quá lớn dành cho Champions League và bởi họ không thể vượt qua được áp lực đè nặng do Chelsea tạo ra ở chiến thắng trước Tottenham cách đó vài giờ.
Rõ ràng, Quỷ đỏ vào trận mà lòng thì hướng về đối thủ Roma tuy rằng Sir Alex không hề tỏ ra coi thường đối thủ khi tung ra đội hình gần như mạnh nhất ngoại trừ Ryan Giggs. Nhưng các cầu thủ MU chơi khá cầm chừng, không tấn công ào ạt và đẩy nhanh tốc độ như thường thấy. Thể lực bị hao tổn quá nhiều trong trận đấu trước đó với Roma cùng ý đồ dưỡng sức đã khiến MU lựa chọn cách chơi này.
Chắc hẳn chủ trương của Ferguson cho các học trò là chơi an toàn, chặt chẽ ở phần sân nhà để ít nhất không bị thủng lưới và chờ thời cơ để nổ phát súng quyết định. Chiến thuật này từng được áp dụng rất thành công trong thắng lợi 1-0 trên sân Anfield của Liverpool. Portmouth không mạnh bằng Liverpool nhưng đây là sự lựa chọn hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại.
Nhưng "người tính không bằng trời tính", mọi ý đồ của đội khách đã bị phá sản từ phút 30. Hai kẻ "đóng thế" Richardson và Brown đã cùng "làm nên" bàn thắng cho đội chủ nhà và cũng là thảm họa cho MU. Một pha xử lý bóng thiếu an toàn của Richardson trước vòng 16m50 trên phần sân nhà đã tạo điều kiện để
Bước ngoặt của trận đấu
Đây chính là bước ngoặt, làm thay đổi hoàn toàn cục diện của trận đấu. Lúc này, con đường duy nhất của MU phải dồn đội hình lên tấn công nhằm tìm kiếm bàn thắng. Nhưng Portsmouth của Harry Redknapp vốn nổi tiếng với lối đá phòng ngự chặt và luôn áp sát địch thủ. Họ thừa biết Ronaldo là ngòi nổ nguy hiểm nhất của MU nên đã "dành riêng" hậu vệ Lauren theo sát tiền vệ này như hình với bóng. Và Lauren đã hoàn thành rất tốt công việc của mình khi hạn chế khá nhiều khả năng của Cristiano Ronaldo. Và một khi cầu thủ này không thể hiện được khả năng, sức mạnh của MU giảm đi đáng kể. Thêm nữa, các cầu thủ Pompey cũng chơi bọc lót cực tốt và không cho Quỷ đỏ nhiều khoảng trống để phối hợp. Những cơ hội ăn bàn ít ỏi lại không thể vượt qua được thủ thành David James trong một buổi chiều xuất thần.
Thực ra, nếu không phải ở thời điểm hiện tại thì MU đủ khả năng tìm mành lưới của Portsmouth nhưng với đội hình đã "sức tàn lực kiệt" cùng sự thiếu may mắn và một chút nóng vội đã khiến công việc đó trở thành bất khả thi. Những bước chạy của Ronaldo không còn thanh thoát, Carrick và Scholes thì chuyền hỏng liên tục còn Rooney mất hút hoàn toàn trên hàng công. Bên cạnh đó, phần "hậu phương" luôn bị đặt trong tình trạng báo động trước các đợt phản công sắc sảo của đội chủ nhà. Đội hình dâng lên quá cao cùng hàng hậu vệ ốm yếu khiến khả năng chống đỡ phản công của MU là không cao. Nếu không có tài năng của Van der Sar thì số bàn thua của MU lẽ ra còn nhiều hơn nữa.
Portsmouth Số liệu thống kê Manchester United 44 % Tỷ lệ kiểm soát bóng 56 % 15 Tổng số cú sút 19 8 Sút trúng cầu môn 8 311 Tổng số đường chuyền 454 68 % Tỷ lệ thành công 73 % 69 Đánh đầu 60 34 Tắc bóng thành công 32 7 Cứu bóng 7 1 Việt vị 3 8 Phạt góc 6 3 Thẻ vàng 1
Sự bế tắc và bất lực hiện rõ trên khuôn mặt của Rooney và các đồng đội. Cái áp lực do Chelsea tạo ra càng làm cho đôi chân của Quỷ đỏ như đeo thêm chì. Mọi nỗ lực của MU đều rơi vào tình trạng vô vọng. Đỉnh điểm của sự bất lực chính là bàn đá phản lưới nhà của Rio Ferdinand ở phút 89. Không hiểu Ferdinand bực tức cái gì ngay sau bàn thua. Với đồng đội, với chính bản thân hay với địch thủ Portmouth. Có lẽ chỉ mình Rio mới hiểu? Còn các cầu thủ còn lại thì lộ hẳn sự chán nản đến cùng cực. Bàn rút ngắn tỷ số vào phút 90 của OShea cũng như cú sút vào những giây cuối cùng của Alan Smith bị David James cản phá chỉ như "xát muối" thêm vào nỗi đau của MU.
Trận đấu này liệu có mở ra thời kỳ đi xuống của Quỷ đỏ trong giai đoạn quyết định này của mùa giải. Công sức của cả đội từ đầu mùa có nguy cơ "đổ xuống sông xuống biển". MU sẽ lại phải đau đớn chịu đựng thêm một mùa giải trắng tay dù niềm tin và sự hy vọng đã từng lên rất cao. Bây giờ nó có đi xuống hay không còn tùy thuộc nhiều vào những tính toán của BHL. Có nên tham vọng quá việc tái lập 1 cú ăn 3 lịch sử như năm 1999 hay chỉ tập trung vào một giải đấu. Bởi ở năm 1999, mọi thứ đều đang nằm trong tay MU còn giờ đây, dường như số phận dường như đang ngoảnh mặt lại với Quỷ đỏ.
Kịch bản nào cho giai đoạn còn lại?
Tình cảnh của MU và Chelsea đang có xu hướng "đảo chiều" nhau trong giai đoạn quyết định này. Chelsea từng phàn nàn rất nhiều về nạn chấn thương và sự thiếu may mắn đã ảnh hưởng đến thành tích của đội bóng thì bây giờ nó đã chuyển sang MU. Nhiều vị trí chính thức của MU gần hết cả mùa giải không sao thì lại đột nhiên cùng "rủ nhau" dính chấn thương trong thời điểm đầy nhạy cảm (Vidic, G.Neville, Evra, Park Ji Sung) còn đối thủ đã có đầy đủ anh tài kể cả một người đã nghỉ từ đầu giải là Joe Cole. Thần may mắn cũng không còn ủng hộ họ mà quay sang "hộ mệnh" cho Chelsea. Kalou có thể ghi bàn vào những phút cuối cùng còn Smith lại không.
Đừng làm nỗi đau thêm dài
Với tình thế như vậy, vấn đề ở đây sẽ là Ferguson có chấp nhận giải pháp "buông" Champions League để tập trung toàn lực vào mục tiêu còn lại, Premiership. Đây có vẻ là sự lựa chọn sáng suốt nhất khi mà MU vẫn còn lợi thế 3 điểm trên bảng xếp hạng Premier League. Đã qua 3 năm, Quỷ đỏ không giành được chức VĐQG nào, trái ngược hoàn toàn với thời kỳ đỉnh cao khi giành tới 8 chiếc cúp vô địch Premiership chỉ trong 11 năm (từ 1992 đến 2003).
Theo đuổi chiếc cúp vô địch Champions League là điều quá xa vời và không thực tế lắm. Mùa giải 1999, phải rất may mắn, MU mới giật được khỏi tay Bayern Munich chiếc cúp vô địch. Cứ cho MU sẽ vượt qua Roma ở trận tứ kết lượt về thì họ sẽ lại phải căng sức cho 2 trận bán kết và chắc hẳn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đấu trường trong nước. Mà đối thủ họ sẽ gặp: AC Milan hoặc Bayern Munich đều thuộc loại "rắn mặt" nhất châu Âu và khó khăn gấp bội so với các đối thủ ở Premiership.
Thêm vào đó, Chelsea luôn chơi với phong độ cực kỳ ổn định một khi họ đã vào "phom". Và một danh hiệu ở đấu trường châu Âu là điều mà đội bóng này đang thiếu dưới triều đại Abramovich. The Blues vẫn vui mừng như thường nếu thay danh hiệu vô địch Premiership mà họ đã giành được 2 năm gần đây bằng chiếc cúp vô địch Champions League danh giá. Với tham vọng của ông chủ người Nga, Chelsea muốn ghi tên mình lên cuốn biên niên sử bóng đá châu Âu để không còn bị coi là "gã nhà giàu" mới nổi. Những sơ sẩy ở giải quốc nội là điều có thể xảy ra khi đội bóng này chú tâm vào Champions League. Manchester United biết thừa điều đó.
Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời cho vấn đề này vào ngày thứ 4 tuần tới sau trận tứ kết lượt về Champions League. Sẽ còn rất nhiều những thú vị, bất ngờ và hấp dẫn đang chờ đón người hâm mộ ở cuộc đua giữa 2 ông lớn này.
Thúy Nga