Tham vọng = 50 triệu bảng?
Người ta tính được rằng một đội bóng cỡ Sunderland muốn tranh vé UEFA Cup sẽ phải đầu tư khoảng 50 triệu bảng. Còn một “tiểu gia” cỡ Tottenham muốn thách thức Top 4, thiệt hại ước tính cũng không dưới con số 50.
Đó là lý do hai mùa hè liên tiếp Tottenham đều chi ngót nghét 50 triệu bảng. Năm ngoái, họ tiêu 44 triệu. Năm nay là 52,5 triệu. Nhưng nó sẽ còn tăng thêm nếu Arshavin và Pavlyuchenko cập bến White Hart Lane. Tính ra chỉ trong 1 năm trở lại đây, túi tiền của chủ tịch Daniel Levy đã bay hơi hơn 100 triệu.
Nhưng kế hoạch vào Top 4 vẫn chỉ dừng ở mức tham vọng. Triển vọng cạnh tranh của đội bóng thành London vẫn rất mờ mịt. Bởi để có tiền mua những Bentley, Modric hay Giovani, HLV Juande Ramos đã phải hy sinh Robbie Keane, Robinson, Malbranque hay Kaboul. Đó là cảm giác mà Top 4 không phải trải nghiệm.
Dường như, phần còn lại của Premiership đang ngày càng nản. Năm ngoái, ngoài Tottenham còn có Everton, Aston Villa, Newcastle đặt mục tiêu thách thức Top 4. Hè này, Everton vẫn chưa chịu chi dù chỉ một xu lẻ. Newcastle (13,3), Aston Villa (11,1) thậm chí đầu tư còn kém cả tân binh West Brom (14). Vì sao?
Câu trả lời không quá khó. Để trụ hạng, Everton, Aston Villa chẳng phải nhọc công chi tiêu. Còn để tranh vé Champions League, dù chịu chơi cỡ Tottenham cũng chẳng có gì đảm bảo. Đó là lý do họ chỉ đầu tư cầm chừng?
Nhưng sự rụt rè ấy cũng không thể ngăn Premiership bước vào cơn lốc mua sắm. Họ nhẹ tay hơn chính mình hồi mùa hè 2007 nhưng vẫn đủ khiến cả châu Âu “lác mắt”. Nên nhớ 292 triệu bảng đã được giải ngân và thị trường chuyển nhượng (TTCN) vẫn chưa bước vào giai đoạn tăng tốc. Dự kiến nửa tháng còn lại, khi ngày đóng cửa đã cận kề và những lỗ hổng đầu tiên ở các đội bóng hiện ra, cú nước rút mới thật sự ngoạn mục. Đó là lý do người ta vẫn tin phiên chợ chiều đủ giúp Premiership cán mốc 500 triệu bảng.
Ít nhưng chất
Tottenham, Liverpool đang là những CLB chịu chi nhất. Nhưng để mua được các món hàng mới, họ cũng phải mất đi không ít tên tuổi. Ngược lại, Chelsea, M.U vẫn bảo toàn lực lượng. Mua ít nhưng chất, tất cả khiến bộ đôi thống trị Premiership suốt 4 năm qua nổi lên như hai ƯCV hàng đầu.
Tính ra, Chelsea mới chi 24,1 triệu bảng để sở hữu chữ ký của Deco, Bosingwa. Nhưng họ đã có những “chữ ký” ấn tượng hơn thế, như Ballack, Lampard chẳng hạn. Nếu sắp tới Chelsea mua được Robinho, dĩ nhiên chi tiêu của Chelsea sẽ tăng vọt (cỡ 50 triệu bảng) nhưng quan trọng hơn cả, chỉ 3 tân binh của họ đủ che khuất những vụ đầu tư dàn trải của Tottenham, Portsmouth hay Man City.
M.U cũng thế. Nhà vô địch châu Âu và Premiership có sự “bổ sung” quan trọng nhất là Cristiano Ronaldo, bởi đã có lúc, người ta tưởng M.U sẽ mất “Chiếc giày vàng châu Âu 2007/08”. Ronaldo vẫn ở lại, Tevez ký hợp đồng chính thức, thế là quá đủ để M.U tự tin. Chỉ thêm 1 chữ ký của Berbatov, M.U sẽ tiến gần tới giới hạn hoàn hảo dù hè 2008, họ chi tiêu tiết kiệm hơn nhiều so với 12 tháng trước đó.
Nói vậy để thấy rằng, nhìn từ TTCN, Chelsea – M.U vẫn là những tay chơi sành điệu nhất. Bởi họ biết chọn hàng hiệu để bổ sung vào chính những điểm còn thiếu trong một đội hình vốn đã rất mạnh. Phẩm chất này những kẻ cạnh tranh như Liverpool, Arsenal, Tottenham đều thiếu. Đó là lý do Premiership 08/09 vẫn sẽ chỉ là cuộc chơi của riêng Chelsea – M.U.
CON SỐ
0: Bất ngờ lớn nhất ở mùa chuyển nhượng này là Everton. Hiện họ vẫn chưa chi một xu để tăng cường lực lượng.
52,5: Với 52,5 triệu bảng, Tottenham đang là nhà đầu tư số một. Họ bỏ xa CLB chịu chi thứ nhì là Liverpool (32,4) tới 20 triệu bảng.
74,5: So với cách đây một năm, Top 4 chi tiêu khá hạn chế. Tổng cộng M.U, Chelsea, Arsenal và Liverpool mới chi 74,5 triệu bảng.
292: Chỉ sau 1 tháng rưỡi, 20 CLB dự Premiership 08/09 đã đầu tư 292 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng.
(Theo Báo Bóng Đá)