Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Premiership & mặt trái: Phía sau vẻ phồn hoa

Thứ Tư 31/12/2008 09:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Champions League 07/08 là của người Anh. Premiership giàu nhất thế giới. Thị trường chuyển nhượng (TTCN) bị người Anh thống trị. Còn những mỹ từ nào nữa để nói về sự áp đảo của bóng đá Anh? Nhiều, rất nhiều, nhưng phía sau tấm màn nhung là những mặt trái.

Sự phát triển bong bóng

Đã không còn chỉ là cảnh báo nữa, Premiership đang hiểu rõ thế nào là sự phát triển bong bóng. Sau những năm chi tiêu bạt mạng, dấu hiệu thắt lưng buộc bụng đã xuất hiện. Vấn đề chỉ là liệu Premiership có đi vào vết xe đổ như Serie A cách đây 1 thập kỷ?

Ngày ấy, hàng loạt CLB tại Italia lâm vào cảnh bần hàn sau một thập kỷ Serie A được gọi là thiên đường của đồng lire. Bây giờ, Premiership chưa khốn quẫn tới mức ấy nhưng người ta đã biết tiết kiệm. TTCN mùa Hè 2008 phải chờ tới phút chót mới vượt qua kỷ lục của năm 2007. Còn TTCN mùa Đông 2009 hứa hẹn sẽ ảm đạm.

Premiership liệu có còn những bản hợp đồng hao tốn tiền như của Robinho?

Dấu hiệu rõ nhất là hầu như không có những động thái sốt sắng tìm mua. Ngoài trừ Man City, các CLB còn lại tỏ ra rất dè dặt. Chelsea, M.U tuyên bố sẽ đứng ngoài. Arsenal chỉ bắt đầu tích cực từ sau chấn thương của Fabregas. Còn Liverpool, họ vẫn chưa có mục tiêu nào rõ ràng, ngoại trừ Emile Heskey.

“Tứ đại gia” đã vậy, phần còn lại cũng chẳng khá hơn. Tottenham hoạt động không ngừng nghỉ trên TTCN từ 2-3 năm nay nhưng lần này, chủ tịch Daniel Levy tuyên bố ngừng cấp tiền. Portsmouth, West Ham thậm chí còn phải lo bán bớt cầu thủ. Ở Newcastle, HLV Kinnear khản giọng đòi 6 triệu bảng cũng không được. Đó chỉ là một vài ví dụ điển hình, nhưng người ta hiểu khả năng TTCN mùa Đông 2009 đạt tới 175 triệu bảng như tháng 01/2008 là rất khó.

Các CLB Anh giảm chi là hệ quả tất yếu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng mặt khác, nó cũng thể hiện rõ sự lệ thuộc của Premiership vào túi tiền các ông chủ. Bóng đá có thể tự nuôi bóng đá, nhưng với điều kiện là thu phải đủ bù chi. Ngược lại, khi người ta chi mà chẳng cần tính toán (thậm chí có trường hợp còn chi lẹm vào doanh thu của năm sau), đó chính là dấu hiệu của sự suy thoái trong tương lai.

Hậu quả?

Tại Champions League, Top 4 vẫn thể hiện sức mạnh. Trên truyền hình, Premiership vẫn hấp dẫn nhất. Nhưng chắc chắn, tình trạng phát triển bong bóng sẽ để lại hậu quả.

Rõ nhất là nguy cơ các ông chủ tháo chạy bởi không còn khả năng “chơi” bóng đá. Dĩ nhiên lúc ấy, các CLB sẽ lâm nguy bởi mất đi “bầu sữa” nuôi sống họ. Hãy thử tưởng tượng nếu Abramovich (Chelsea), Hicks – Gillett (Liverpool), ADUG (Man City) … đồng loạt rút lui, Premiership còn lại gì?

Năm 2008 vì thế chỉ mới là điểm khởi đầu. Năm 2009, những mặt trái của Premiership sẽ hiện rõ hơn khi gánh nặng từ cuộc khủng hoảng kinh tế đổ ập xuống. Đến lúc ấy, chu kỳ thành công của Premiership sẽ chấm dứt?

CON SỐ

3: Tổng nợ của 20 CLB Premiership hiện vào khoảng 3 tỷ bảng. Trong đó, riêng Top 4 đã “ôm” gần 2 tỷ. Ngoài ra, quỹ lương ở Premiership cũng đã đạt tới 1 tỷ bảng.

175: Là tổng chi của Premiership trong mùa Đông 2007. Để so sánh, năm 2003, tổng chi chỉ ở mức 33 triệu bảng.

540: Đó là số tiền các CLB Premiership đã chi trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2008. Nó hơn 50 triệu bảng so với hè 2007.

(Theo Báo Bóng Đá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X