Trật tự cũ
Có một chi tiết không mấy người quan tâm, nhưng thực ra lại là một cột mốc rất đáng nhớ ở vòng 11. Đó là lần đầu tiên tại Premiership 08/09, Top 4 đúng nghĩa đã thuộc về Top 4. Nghĩa là cả 4 vị trí hàng đầu đã được trả lại cho những chủ nhân của nó - Chelsea (1), Liverpool (2), M.U (3), Arsenal (4).
Hàng chục năm nay, Premiership vẫn vậy. Top 4 thống trị, áp đảo tuyệt đối. Những “hiện tượng” có thể nổi lên chừng vài vòng rồi sau đó bị vùi dập trong tàn nhẫn. Bốn tấm vé dự Champions League trước sau vẫn phải rơi vào túi 4 “đại gia”.
Chelsea chiếm lấy ngôi đầu bảng nhưng khoảng cách với “tam đại gia“ còn lại là không lớn
Vòng 11 đưa Premiership trở lại quỹ đạo ấy. Điều đáng nói là dù Liverpool, M.U, Arsenal đều chơi rất chật vật, họ vẫn đủ sức giật lại chỗ đứng của mình. Cũng phải lưu ý thêm là ngay trong chính Top 4 cũng có sự phân định. Thất bại đầu tiên trong mùa giải của Liverpool nhiều khả năng báo hiệu một bước thoái trào của quyền lực Đỏ này. Khi Lady Luck đã xa rời, Liverpool trở về với đúng bản chất của họ. Người ta có thể đổ lỗi cho sự đen đủi khiến Liverpool trắng tay ở White Hart Lane nhưng hãy lật lại vấn đề, nếu không có may mắn, liệu Liverpool có đứng được ở ngôi đầu bảng sau vòng 10. Chắc chắn là không. Nhìn nhận một cách công bằng, giữa Liverpool với Chelsea, M.U, đặt lòng tin vào hai kẻ bại trận dưới tay họ hơn vẫn an toàn hơn. Bởi đẳng cấp là mãi mãi.
Hiển nhiên, khi nói đến Top 4, người ta đã mặc nhiên không quan tâm tới Arsenal nữa rồi. Với The Gunners, giữ chân ở Top 4 đã là tốt. Còn cạnh tranh vô địch là chuyện không thể, giống hệt như 4 mùa giải bất lực và trắng tay vừa qua. Trận thua Stoke thêm một lần khẳng định đối với Arsenal, ngày trở lại ngôi đầu vẫn còn xa lắm.
Hết thời “hiện tượng”?
Sau 9 vòng, vị trí của Hull là hạng 3, ngang điểm Chelsea. Nó khác hẳn với dự đoán của nhiều người, rằng Hull sớm muộn cũng quay lại Championship. Đã có lúc, người ta nói Hull là hiện tượng kỳ bí nhất của Premiership 08/09.
Nhưng bây giờ, “hiện tượng” ấy đã trở về bản chất. Chelsea, M.U đã tái lập trật tự cũ của Premiership chính bằng cách giải mã Hull. Trước Chelsea, Hull bị vùi dập thẳng tay bằng thất bại 0-3. Còn trước M.U, họ lẽ ra phải thua cỡ 6-7 bàn nếu các chân sút M.U dứt điểm tốt hơn và cũng không sớm thỏa mãn.
Sau 2 trận thua liên tiếp trước Chelsea và MU, Hull City đã hiện nguyên hình
Nhưng dù thua 0-3 hay 3-4, mọi chuyện vẫn chẳng thay đổi. Hai thất bại liên tiếp đã đưa Hull trở lại mặt đất. Họ có lẽ đã nhận ra chỗ đứng thực sự của mình là nơi nào. Phía trước sẽ đầy khó khăn thử thách đối với Hull khi các đội bóng khác ở Premiership đã biết cách chế ngự tân binh này.
Dù sao, cũng vẫn mong cho Hull tiếp tục đứng vững, tạo nên vài bất ngờ. Chỉ như thế, Premiership mới bớt nhàm chán. Bởi chẳng nhẽ bóng chưa lăn, người ta đã biết Top 4 sẽ thắng, phần còn lại sẽ thua…
CON SỐ
Đó là tổng số bàn thắng tại Premiership mà Frank Lampard (Chelsea) và Emile Heskey (Wigan) ghi được. Tiền vệ Chelsea đạt cột mốc này sau pha dứt điểm làm tung lưới Sunderland nâng tỷ số lên 4-0. Pha lập công thứ 100 của Emile Heskey còn ý nghĩa hơn bởi nó đến ở phút 90 và mang lại chiến thắng sát nút 2-1 cho Wigan ngay tại sân Fratton Park của Portsmouth, chấm dứt mạch 4 trận thua liên tiếp.
Điều đáng nói là tuy cùng sở hữu 100 bàn nhưng Lampard lại có hiệu suất cao hơn. Dù chơi ở hàng tiền vệ song Lampard chỉ mất 406 trận để có 100 bàn còn Heskey phải chơi tới trận thứ 414.
(Theo Báo Bóng Đá)