(Bongda24h) - Đó là lời nhận xét của chủ tịch FIFA, Sepp Blatter về việc giải ngoại hạng Anh quá phổ biến trên thế giới. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của một số quốc gia, ví dụ như ở Nam Phi chẳng hạn.
Chủ tịch Blatter trong một chuyến thăm các công trình World Cup của Nam Phi |
Chủ tịch Blatter cũng cảnh báo cả hai giải bóng đá Italia và Tây Ban Nha chứ không riêng gì giải ngoại hạng Anh. Mức độ cũng như thời điểm phủ sóng của hai giải đấu hàng đầu châu Âu này cũng là một vấn đề nhức nhối.
"Chúng tôi không thể can thiệp được vào những nguyên tắc kinh tế." Blatter phát biểu: "Những người có thể làm được điều đó thì chắc chắn là họ sẽ không làm. Nếu chúng ta phản ánh vấn đề này và đưa ra những phương án giải quyết, có lẽ họ sẽ cười vào mũi chúng ta mất."
"Chính vì thế, bây giờ chỉ có một cách duy nhất để giải quyết vấn đề này, đó là các quốc gia phải sở hữu những CLB hàng đầu và có chất lượng chuyên môn thật tốt. Và những trận đấu của họ phải được truyền hình trực tiếp trên truyền hình. Thay vì chiếu những trận đấu của những quốc gia khác."
Những trận cầu ở giải ngoại hạng luôn thu hút được rất nhiều khán giả trên khắp thế giới |
Bên cạnh đó, chủ tịch FIFA cũng nói thêm về vấn đề "chảy máu" cầu thủ ở Brazil. Đúng hơn là luật lệ về nhập quốc tịch nước khác của các cầu thủ gốc Brazil quá dễ dàng. Một số quốc gia chỉ cần các cầu thủ nước ngoài chơi bóng ở đất nước họ trong vòng 2 năm là có thể có trong tay tấm hộ chiếu ở đây. Trong khi đó, các cầu thủ Brazil luôn là những "món hời" đối với các quốc gia khác, nếu có được sự phục vụ của họ.
Có thể đơn cử một số trường hợp cụ thể như Eduardo da Silva, tiền đạo đang khoác áo Arsenal là người Brazil nhưng lại đang đá cho ĐTQG Croatia, hay Deco của Barcelona cũng là người gốc Brazil nhưng lại là cầu thủ của Bồ Đào Nha.
Phát biểu về vấn đề này, Blatter nói: "Nếu như chúng ta không chấm dứt tình trạng nhập cư quá nhiều của các cầu thủ Brazil đến châu Âu, châu Á và châu Phi, rất có thể ở World Cup 2014 hoặc 2018, trong số 32 đội bóng tham dự, chúng ta sẽ có 16 ĐT quốc gia gồm toàn các cầu thủ gốc Brazil thi đấu. Nếu vậy thì quả là một điều vô cùng nguy hiểm."
Ngẫm một chút về những gì vị chủ tịch đáng kính người Thụy Sỹ phát biểu, chúng ta cũng thấy vấn đề này cũng khá phức tạp. Về chuyện lịch phát sóng của các giải bóng đá hàng đầu Châu Âu như Anh, Ý, Tây Ban Nha, rõ ràng là những người làm truyền hình sẽ không dại gì mà bỏ qua một món lợi nhuận khổng lồ như vậy. Vì thế, chỉ có chính phủ hay LĐBĐ của các quốc gia này phải có trách nhiệm đưa ra biện pháp giải quyết, để phát triển nền bóng đá nước nhà.
Quá nhiều cầu thủ như Deco thì đúng là không tốt cho sự phát triển chung của bóng đá |
Còn tình trạng nhập quốc tịch của các cầu thủ Brazil, có lẽ là phải cần một thời gian cống hiến dài hơn cho những tài năng đến từ xứ sở Samba thì mới đồng ý cấp hộ chiếu cho họ. Nếu chỉ có 2 năm thì đó quả là một quãng thời gian quá ít. Với dân số khoảng 180 triệu người, Brazil đang sở hữu 60 triệu cầu thủ. Như vậy, cứ 3 người Brazil thì có một người chơi bóng. Chính vì thế, việc họ muốn được thi đấu đỉnh cao ở một ĐTQG nào đó là hoàn toàn xác đáng, nhưng điều đó lại làm cho bóng đá mất đi cái riêng của từng nước. Nếu cứ như vậy, sẽ có một lúc nào đó, FIFA phải thay World Cup bằng "cúp bóng đá của những người Brazil" mất thôi.
- Sơn Lâm