Nếu chất lượng một giải bóng đá được đánh giá thông qua số bàn thắng thì Premiership đã có một năm thành công ngoài mong đợi.
Người Anh có thể tự hào vì sự cuốn hút cũng như tính cống hiến của Premiership. Song bên cạnh đó, tình trạng bùng nổ bàn thắng cũng cho thấy khả năng phòng ngự của các CLB Anh đang có chiều hướng đi xuống.
Sau 380 trận đấu, đã có tổng cộng 1.053 bàn thắng được ghi. Đây là con số khiến không ít người bất ngờ bởi mùa trước giải Ngoại hạng kết thúc chỉ với 942 bàn thắng. Trong năm qua, cảm giác như những cơn mưa bàn thắng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Riêng Chelsea đã có 3 trận ghi được 7 bàn (trước Sunderland, Aston Villa và Stoke City). Đến vòng đấu cuối thầy trò Ancelotti còn làm được nhiều hơn thế khi nghiền nát Wigan 8-0. Tuy nhiên, The Blues không phải là CLB nổ súng nhiều nhất trong một trận đấu. Kỷ lục đó thuộc về Tottenham, đội bóng đã đánh bại Wigan 9-1 tại White Hart Lane vào ngày 22/11/2009.Mùa này, Wigan đã có 2 trận thua với cách biệt 8 bàn
Trong thời đại mà các hệ thống chiến thuật ngày càng đề cao tính chặt chẽ, sự kiện bùng nổ bàn thắng ở Premiership quả là một tín hiệu đáng ngạc nhiên. Đây là mùa giải có số bàn thắng cao thứ hai trong lịch sử Premiership, kể từ khi giải đấu này rút ngắn xuống còn 20 đội. Tính ra Premiership 2009/10 chỉ kém 7 bàn so với kỷ lục của mùa bóng 1999/2000.
Số bàn thắng của Premiership 2009/10 đã vượt xa La Liga, giải đấu vẫn được đánh giá cao về tính cởi mở. Tỷ lệ bàn thắng bình quân trên các sân cỏ nước Anh là 2,77 bàn/trận, còn tại Tây Ban Nha, chỉ ở mức 2,71 bàn/trận. Trong 5 giải lớn ở châu Âu, thành tích của Premiership chỉ kém Bundesliga (2,83 bàn/trận).
Sự gia tăng đột biến số bàn thắng ở Premiership mùa này phần nào xuất phát từ tư duy chơi bóng của các nhà cầm quân đã cởi mở hơn. Song nguyên nhân lớn nhất khiến những cơn mưa bàn thắng xuất hiện mọi lúc mọi nơi là do khả năng phòng ngự của các CLB Anh có chiều hướng đi xuống. Có thể thấy rõ điều này ở các đội bóng hàng đầu Premiership mà M.U là một ví dụ. Những năm trước hàng thủ là điểm tựa để Quỷ đỏ vươn tới thành công. Còn trong mùa giải 2009/10, đó lại là tuyến khiến HLV Alex Ferguson đau đầu nhất. Vidic và Rio Ferdinand sa sút là một trong những nguyên nhân chính khiến M.U thất bại ở cả Premiership lẫn Champions League. Tương tự là trường hợp của Liverpool và Arsenal, những đội bóng không tạo cho CĐV cảm giác an toàn. Hàng thủ Chelsea có khá hơn đôi chút song khả năng phòng ngự và bọc lót của The Blues hiện nay kém xa thời Jose Mourinho còn hiện diện tại Stamford Bridge.
Hôm qua hãng Oppta đưa ra một thống kê khá thú vị. Theo đó Wigan là CLB đầu tiên trụ hạng sau khi thủng lưới quá 70 bàn trong mùa giải. Đấy là dấu hiệu cho thấy kỹ năng phòng thủ của các CLB Anh đang đi xuống. Wigan để thua 79 bàn nhưng vẫn trụ hạng trước 1 vòng bởi tại Premiership còn có đội bóng khác phòng ngự dở hơn họ.
Thành tích chung cuộc
Vô địch: Chelsea
Tham dự Champions League: Chelsea, Man United, Arsenal, Tottenham
Tham dự Europa League: Man City, Aston Villa, Liverpool
Xuống hạng: Burnley, Hull City, Portsmouth
Chân sút hàng đầu
29 bàn: Drogba (Chelsea)
26 bàn: Rooney (Man United)
24 bàn: Darren Bent (Sunderland)
22 bàn: Tevez (Man City), Lampard (Chelsea)
18 bàn: Torres (Liverpool), Defoe (Tottenham)
(Theo báo Bóng Đá)