(Bongda24h) - "No country for old men" là tên một bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Mỹ từng giành giải Oscar danh giá và trong bóng đá, cụm từ này có hàm ý dùng để chỉ trào lưu trẻ hoá của các đội bóng, yếu tố tiên quyết nếu muốn duy trì thành công trong một giai đoạn dài. Thế nhưng ở nước Anh, có lẽ cần phải đổi cụm từ này thành "Many countries for old men".
Theo khảo sát mới nhất của tờ Telegraph, số lượng các "ông già" (chỉ những cầu thủ trên 30 tuổi) đang ngày một nhiều lên ở Premier League, cho thấy xu hướng các đội bóng (kể cả những đại gia) ưu tiên kinh nghiệm hơn sức trẻ. Những vụ chuyển nhượng mới đây như Sol Campbell trở lại Arsenal hay Man City chiêu mộ Viera từ Inter Milan càng chứng tỏ những "lão tướng" vẫn còn khối đất diễn ở Ngoại hạng Anh, giải đấu luôn đề cao tốc độ, mà dĩ nhiên đặc điểm này không thể tồn tại ở các cầu thủ đã quá băm.
So với 5 năm trước, có 11 CLB tăng số lượng cầu thủ trên 30 tuổi, 1 CLB giữ nguyên và 8 CLB còn lại giảm được số lượng. Dẫn chứng minh hoạ sống động nhất cho tình trạng "yêu già, ghét trẻ" ở Premier League là CLB Chelsea. Trong vài năm qua, độ tuổi trung bình của "gã nhà giàu" thành London đã tăng từ 25 lên 28. Có tới 9 cầu thủ hiện tại của The Blues trên 30 tuổi trong khi năm 2005, dưới thời Mourinho, chỉ có duy nhất một cầu thủ (Makelele). Rõ ràng, nếu không tiến hành những giải pháp "trẻ hoá" lực lượng trong tương lai gần, chắc chắn Chelsea sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái trầm trọng.
Chelsea là đội bóng già cỗi nhất trong nhóm "tứ đại gia"
Hai đại gia khác, Liverpool và MU cũng tăng gấp đôi số lượng những lão tướng. Hiện tại, Liverpool có 4 cầu thủ trên 30 tuổi (so với 2 vào năm 2005, trong đó có Kyrgiakos là cái tên mới chiêu mộ trong năm nay) con con số này của MU là 6 (3 vào năm 2005, trong đó Michael Owen mới gia nhập danh sách). Chỉ có Arsenal là đội luôn giữ được sự cân bằng hợp lý trong đội hình nhưng chủ đạo vẫn là trẻ hoá, ưu tiên cho những cầu thủ trẻ, một chiến lược mà Wenger kiên trì theo đuổi trong nhiều năm qua.
Ba "mảnh đất vàng" cho những "lão tướng" bay nhảy ở Premier League là Blackburn, Portsmouth và Stoke với số lượng cầu thủ trên 30 tuổi ở mỗi đội không thấp hơn 10 người. Ngay cả những đội bóng thuộc vào diện "trẻ trung" nhất nước Anh như Tottenham (duy nhất thủ thành Cudicini trên 30 tuổi) cũng thừa nhận xu hướng "già hoá" không phải là không tốt. HLV Spurs, Harry Redknapp cho biết: "Tôi nghĩ vẫn có chỗ cho những cầu thủ nhiều tuổi. Khi tôi đưa Sol Campbell về Portsmouth (khi ông còn làm HLV đội bóng này), đã không ít người dè bỉu vì cho rằng trung vệ này đã hết thời và bị Arsenal đẩy ra đường. Nhưng kết quả là Campbell đã lấy lại được phong độ và vẫn thi đấu rất tốt. Nay cậu ấy đã trở lại Arsenal và rõ ràng, nếu Wenger không cảm thấy hài lòng vì những gì Campbell thể hiện, thì làm gì có chuyện như vậy xảy ra. Campbell có cách tập luyện thông minh. Cậu ấy không tập luyện nhiều nhưng luôn nhận thức được mình có thể làm gì và cần phải làm gì để được ra sân vào ngày thứ 7".
Trong các tuyến thì thủ môn là vị trí có lắm "ông già" nhất. 8/15 cầu thủ trên 35 tuổi đang còn thi đấu ở giải Ngoại hạng là những người gác đền và cầu thủ giữ kỷ lục già nhất là David James, thủ môn không chỉ của CLB Portsmouth mà cả ĐT Anh, với độ tuổi đã ngoài ... 4 chục. Đây cũng là điều dễ hiểu vì với vị trí đứng trong khung thành, càng nhiều tuổi, kinh nghiệm và bản lĩnh mới nhiều để có thể đảm đương tốt trọng trách. Những thủ môn trẻ không thể tránh khỏi tình trạng bất ổn về mặt tâm lý, nhất là khi sự căng thẳng của trận đấu lên cao dù tài năng có thừa. Còn những trường hợp nổi lên từ rất sớm và duy trì phong độ ổn đinh trong suốt một thời gian dài như Iker Casillas của Real Madrid là cực kỳ hiếm gặp trong làng bóng đá.
Bảo Anh