Premiership tưởng rằng đã cai được chứng nghiện mua sắm sau một mùa Hè “thắt lưng buộc bụng”. Nhưng bây giờ, họ giống hệt cô nàng Rebecca Bloomwood (trong tiểu thuyết “Lời tự thú của tín đồ shopping” của Sophie Kinsella) không thể cưỡng lại mong muốn mua sắm của chính mình.
1. Khi M.U hỏi mua Di Maria từ Benfica, người ta hiểu rằng sau tất cả những chống chế của Sir Alex về việc ông có thể bù đắp cho lỗ hổng mà Cristiano Ronaldo để lại, họ đã không còn là chính mình. Vẫn bám đuổi đội đầu bảng Chelsea với một khoảng cách khá sít sao, nhưng vấn đề của Quỷ Đỏ thậm chí bộc lộ ngay trong cách họ thắng cuộc. Bế tắc trong việc gây sức ép, đã không ít lần M.U “chết” vì đòn “hồi mã thương” của những kẻ lỳ lợm.
Di Maria chắc chắn không phải bổ sung duy nhất, M.U còn cần “vá” lại hàng phòng ngự vốn đã rách tơi tả vì những chấn thương. Tuy nhiên, Quỷ Đỏ không phải là “đại gia” duy nhất tìm kiếm sự cứu rỗi trong mùa Đông này. Liverpool cũng cần gấp những bổ sung để vượt qua cơn ác mộng tồi tệ nhất trong lịch sử. Chelsea cần lấp những khoảng trống mà giải vô địch các quốc gia châu Phi để lại. Arsenal phải tìm người thay thế một Robin van Persie sẽ nghỉ đến hết mùa, và có thể, gia cố hàng phòng ngự không ít tai tiếng của mình.Cả Chelsea và MU đều phải chạy đua trên thị trường chuyển nhượng trong tháng 1 này
Trong một mùa giải mà khái niệm Big Four đang bên bờ sụp đổ, nước Anh sẽ có một mùa Đông bận rộn. Một lễ hội mua sắm sắp bắt đầu.
2. Premiership đã duy trì sức mạnh bằng đồng tiền. Và sau khi đồng loạt chối từ phương pháp ấy trong mùa Hè qua, họ lập tức suy yếu. Sau 18 vòng đấu, mới chỉ có 1 vòng duy nhất cả Big Four cùng chiến thắng (vòng 6). Đã có quá nhiều cú sốc, quá nhiều cuộc lật đổ hao tốn giấy mực của báo chí. Sau nhiều năm, lần đầu tiên có nhiều ứng cử viên lọt vào Top 4 đến thế.
Bây giờ, như một sự sửa sai, sức mạnh của đồng tiền lại được nhắc đến như một giải pháp cứu rỗi. Không chỉ với Big Four, mà còn với cả Man City. Kẻ thách thức số Một của nước Anh cũng đang trượt dài.
The Telegraph dự đoán ngân sách chuyển nhượng của Chelsea sẽ là 55 triệu bảng trong mùa Đông này. Daily Mail thì thậm chí “bạo” hơn, đưa ra con số 80 triệu bảng. Đó là những dự đoán không hề vô căn cứ, cho dù GĐĐH Ron Gourlay có hô hào “cân bằng thu chi”, cho dù cả mùa Hè, Chelsea “chỉ” chi có 25 triệu bảng như để quyết tâm thực hiện mục tiêu ấy.
Premiership là như thế, nơi đồng tiền độc thoại. Nỗ lực “cai mua sắm” của họ chỉ kéo dài được có vài tháng.
3. Những tín đồ shopping sắp bước vào cuộc tự thú vĩ đại của mình. Nhưng tính chất cứu rỗi của nó, lại giống với một canh bạc.
Mùa cứu rỗi cũng là mùa gặt vội. Người ta sẽ không có thời gian để đàm phán dai dẳng và làm đủ thứ tiểu xảo để có cầu thủ mình mong muốn như trong mùa Hè. Kỳ chuyển nhượng mùa Đông rất ngắn. Các CLB khác cũng không muốn bán cầu thủ tốt để rồi thay đổi cả kế hoạch mùa giải của mình.
Đã từng có những bản hợp đồng của mùa Đông thành công: Vidic, Evra, Arshavin, Anelka, Palacios... Nhưng cũng có không ít lần, những vụ gặt vội vàng mang về thất bại. Khi Tottenham mua Alan Hutton về với cái giá 11 triệu bảng trong tháng Một năm 2007, họ không ngờ rằng chỉ hơn một năm sau, anh đã trở thành “hàng thải”. Liverpool cũng chẳng thu được gì từ Arbeloa và đang phải tìm cách bán tháo. 7,5 triệu bảng mà Man City trả để có Samaras mùa Đông 2006 cũng chỉ đổi về 8 bàn thắng trước khi bán rẻ cho Celtic....
Hi vọng rằng, màn tự thú tập thể của Premiership năm nay sẽ không quá bi đát.
Bạn có biết? Không dễ đánh giá các cầu thủ Nga
ĐT Nga chỉ là trường hợp tiêu biểu. Các nước thuộc bán đảo Scandinavia như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy cũng vậy. Mùa bóng ở những nơi ấy thường diễn ra từ tháng Ba đến tháng 11, để tránh mùa Đông khắc nghiệt. Để “giông giống” các nước Tây Âu, Ukraine kết thúc mùa bóng vào tháng Sáu, nhưng lại phải bắt đầu mùa bóng vào tháng Bẩy vì họ cũng không thoát được tình trạng cơ bản là phải nghỉ Đông suốt 3 tháng. Từ tháng 12 đến tháng Hai, sân cỏ ở những nước ấy coi như đóng băng.
Hệ quả là trên thị trường chuyển nhượng, không quá phức tạp khi người ta đàm phán để ký hợp đồng với cầu thủ ở những nước này trong “phiên chợ mùa Đông” (do mùa bóng đã chấm dứt). Nhưng muốn mua thì phải đánh giá phong độ. Phong độ của các cầu thủ Nga hoặc Scandinavia trong tháng 11-12 thường không cao, do thể lực đã bị vắt kiệt sau cả mùa bóng.
Đấy chính là chi tiết yêu cầu sự kiên quyết của giới cầm quân. HLV Arsene Wenger thành công khi vẫn chọn Andrei Arshavin trong mùa Đông năm ngoái, dù khi ấy anh này đã mờ nhạt hẳn so với lúc tỏa sáng tại VCK EURO 2008.
Đồng đội của Arshavin ở đội tuyển Nga là Yuri Zhirkov và Pavel Pogrebnyak gia nhập Chelsea và Stuttgart trong mùa Hè. Đấy là lúc phong độ của họ đạt đến đỉnh cao, do giải Vô địch Nga chỉ vừa khai diễn 3 tháng trước đó. Nhưng cả Zhirkov lẫn Pogrebnyak đều không thành công như mong đợi trong những tháng đầu khoác áo Chelsea và Stuttgart vì sự so le về mùa bóng. Đấy cũng là một kinh nghiệm?
(Theo báo Bóng Đá)