Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Premier League: Trung tâm mua sắm số 1 châu Âu

Thứ Sáu 31/08/2012 14:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không nằm ngoài phán đoán, tính đến ngày 29/8/2012, tức là trước khi phiên chuyển nhượng mùa Hè 2012 chấm dứt giao dịch 48 tiếng, giải đấu Premier League vẫn giữ chắc danh hiệu "Trung tâm mua sắm cầu thủ ở châu Âu".

Tính đến thời điểm này, các CLB Premier League đã chi xấp xỉ 442 triệu euro (không tính khoản thu) vào thị trường chuyển nhượng để mua 213 cầu thủ. Giải Ngoại hạng Anh thật là "ngoại hạng" khi bỏ xa La Liga (125 triệu euro), Bundesliga (223 triệu euro) hay Ligue 1 (209 triệu euro)...

MỞ RỘNG HẦU BAO NHƯNG KHÔNG HỀ CHƠI NGÔNG

Con số không biết nói dối và nó chỉ ra rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, Premier League vẫn giữ vững lá cờ đầu trong bảng xếp hạng những giải đấu bạo chi nhất thế giới. Ở phiên chuyển nhượng mùa Hè 2012, "giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh" vẫn tung tiền chiêu mộ, bất chấp những đối thủ khác "thắt lưng buộc bụng".

Sau khi trừ đi khoản thu về từ việc bán cầu thủ (215 triệu euro), tính tổng cộng, Premier League đã chi 227 triệu euro để tậu tân binh (trung bình mỗi CLB chi khoảng 11 triệu euro). Việc Manchester City của Sheikh Mansour gần như không cần tăng cường lực lượng (thật ra, họ vẫn mua thêm Jack Rodwell) không làm cho thị trường chuyển nhượng tại Anh giảm bớt sôi động trong mùa Hè này.

 

Chỉ riêng những hợp đồng mới của Arsenal, Chelsea, Liverpool, M.U cộng lại đã có giá mua lên đến 200 triệu euro, và đấy là con số chưa đầy đủ. Tottenham, Everton, hoặc thậm chí các đội bóng nhỏ như Sunderland, West Ham cũng đều mạnh tay mua sắm.

Có thể nói, sự nhộn nhịp của thị trường chuyển nhượng ở Premier League là một bất ngờ lớn trong mùa Hè này, làm cho bóng đá châu Âu không đến nỗi hiu quạnh trong thời buổi khủng hoảng. Hay ở chỗ, đa số những bản hợp đồng lớn đều có ý nghĩa quan trọng, nếu không thành công về mặt chuyên môn thì cũng có giá trị kinh doanh đặc biệt, nghĩa là bây giờ người ta mua sắm ngôi sao vì nhu cầu đúng thực tế, chứ chẳng ai rải tiền "chơi ngông" làm gì.

Shinji Kagawa và Robin van Persie đều đã ghi bàn cho M.U trong khi Eden Hazard rực sáng ở Chelsea, như một trong những cầu thủ xuất sắc nhất ở chặng khởi động của mùa bóng mới. Ít danh tiếng hơn một chút, nhưng đóng góp của Michu ở đội bóng nhỏ Swansea thật đáng khâm phục. Ở Liverpool, Joe Allen được đánh giá là cầu thủ hay nhất trong trận gặp nhà vô địch Manchester City. Còn ở Tottenham, HLV Andre Villas-Boas khẳng định Jan Vertonghen là "ông vua mới".

ĐẶC TÍNH CHẠY ĐUA CỦA NGƯỜI ANH

Một mặt, thị trường chuyển nhượng ở Premier League nhộn nhịp vì nó... luôn là như thế. Đích đến của Kagawa, Hazard, Vertonghen vẫn phải là Premier League với mức lương "khủng" mà các giải Bundesliga, Ligue 1, Eredivisie không thể đáp ứng. Vì sao chỉ có Premier League mới giải quyết được những mức lương cao ngất như thế thì đấy lại là khía cạnh kinh doanh mà bóng đá Anh khi nào cũng đi đầu trong thiên hạ.

Mặt khác, một vụ chuyển nhượng quan trọng thường kích hoạt vụ khác, khi các đội mạnh ở Premier League không thể chấp nhận tụt hậu so với đối phương. Đấy là chưa kể, các đội ở Premier League luôn có những thế mạnh riêng trong lĩnh vực chiêu mộ nhân tài.

Santi Cazorla vươn lên trong làng bóng TBN, nhưng không phải thành viên của Barcelona hoặc Real Madrid thì làm gì có hy vọng tranh chấp ngôi cao? Anh đành sang Premier League. Lukas Podolski cũng không có hy vọng gì ở Bundesliga nếu anh không phải là thành viên Bayern Munich hoặc Borussia Dortmund. Podolski sang Anh cũng vì lẽ ấy.

Các đội mạnh tay tăng cường lực lượng ở Premier League không nhất thiết cứ phải nhắm đến ngôi vô địch. Tottenham hoặc Liverpool đều không có mục tiêu như thế. Kể cả Arsenal cũng không cần nhắm đến ngôi vô địch. Nhưng đã vào guồng thì phải như vậy. Và Premier League vẫn cứ là giải VĐQG đáng xem nhất thế giới!

(Theo Bongdaplus)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X