Thứ Sáu, 27/12/2024Mới nhất
Zalo

Premier League 2016/17: Thời của bão kỷ lục chuyển nhượng

Thứ Ba 30/08/2016 14:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Premier League đang xuôi trong vòng xoáy của đồng tiền. Không phải ngẫu nhiên người Anh luôn bị hét giá trên thị trường chuyển nhượng nhưng vẫn phải cay đắng chấp nhận.


Thời của bão kỷ lục
 
Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2016-17 đang chứng kiến cơn bão kỷ lục do các câu lạc bộ tạo nên. Một loạt kỷ lục chuyển nhượng được thiết lập nên không chỉ một, hai lần mà rất nhiều lần, ở cả những đội bóng mà chẳng mấy ai ngờ đến.
 
Premier League Thoi cua bao ky luc chuyen nhuong hinh anh
Pogba trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử.

Đình đám nhất mùa hè phải kể đến bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử mang tên Paul Pogba của Manchester United. Để sở hữu tiền vệ người Pháp, "Quỷ đỏ" phải chi ra đến 89 triệu bảng, phá kỷ lục cũ tồn tại từ năm 2013 khi Real Madrid chiêu mộ Gareth Bale từ Tottenham với con số 81,6 triệu bảng.
 
"Hàng xóm" Man City tất nhiên cũng không chịu im ắng khi lập một kỷ lục khác bằng việc bỏ ra 42 triệu bảng để chiêu mộ John Stones, trở thành hậu vệ người Anh đắt giá nhất lịch sử. Leicester, nhà đương kim vô địch Premier League cũng lập kỷ lục chuyển nhượng của câu lạc bộ khi chiêu mộ thành công Ahmed Musa với giá 16 triệu bảng.
 
Nhưng không chỉ những đội bóng có "tiềm lực" mới chịu chi trên thị trường chuyển nhượng. Ngay cả những đội bóng hạng trung tại Premier League cũng sẵn sàng "bạo chi" để lập kỷ lục chuyển nhượng. Crystal Palace lập kỷ lục chuyển nhượng của CLB khi bỏ ra 27 triệu bảng để mua Christian Benteke của Liverpool, một cầu thủ thuộc hàng "thải loại".
 
West Ham cũng lập kỷ lục cấp CLB khi chi 20 triệu bảng cho Andre Ayew nhưng vừa đóng góp được chút ít cho đội bóng mới thì tân binh đắt giá này đã phải nghỉ thi đấu ít nhất 4 tháng. Nhìn chung, Premier League đang trong cơn bão tiêu tiền khi những thương vụ đình đám có thể còn ở đằng sau khi Chelsea, Man City hay thậm chí cả Arsenal đều chưa thực sự hài lòng với đội hình hiện tại.
 
Theo thống kê của Transfermarkt UK, Premier League là giải đấu chi nhiều tiền chuyển nhượng bậc nhất châu Âu trong mùa hè 2016 với tổng cộng 903 triệu bảng, hơn cả hai giải đấu đứng sau là Serie A và Bundesliga cộng lại (lần lượt là 495 và 406 triệu bảng).  Đến cuối kỳ chuyển nhượng hè 2016, Premier League hoàn toàn có thể đạt mốc 1 tỷ bảng, viết nên một kỷ lục chuyển nhượng mới.
 
Buộc phải tiêu tiền
 
Theo tiết lộ của BBC, tổng số tiền bản quyền truyền hình của Premier League thu về trong năm 2014-15 đạt 5,14 tỉ bảng, tăng đến 71% so với mùa trước. Để so sánh sự khác biệt, La Liga là giải đấu có tổng giá trị bản quyền hình ảnh cao thứ hai thế giới cũng "chỉ" đạt tổng thu 1,5 tỉ bảng trong cùng mùa.
 
Điều đó thể hiện nền tảng tài chính vững mạnh của các đội bóng tại Premier League so với phần còn lại của châu Âu. Nhưng không phải cứ nhiều tiền mà các câu lạc bộ tại Anh sẵn sàng bị các đội bóng tại châu Âu "hét giá", đó cũng là một cách để Premier League duy trì thương hiệu.
 
Premier League Thoi cua bao ky luc chuyen nhuong hinh anh 2
Wenger bị người hâm mộ quay lưng bởi Arsenal có giá vé cao bậc nhất châu Âu nhưng lại keo kiệt trên thị trường chuyển nhượng.

Champions League đang đứng trước khả năng đổi luật để đảm bảo suất tham dự cho những đội bóng "nhiều fan". Nguyên nhân là bởi nguồn thu từ bản quyền truyền hình các trận đấu tại giải đang bị ảnh hưởng lớn khi người hâm mộ không quá mặn mà với những trận đấu của những đội bóng mà "chẳng ai biết đến" như Legia Warszawa, Ludogorets Razgrad, FC Rostov, FC Copenhagen,...
 
Tại Premier League, các đội bóng sớm hiểu điều ấy nên buộc phải duy trì sự chú ý của người hâm mộ bằng việc tạo "điểm nhấn". Khi mùa giải mới bắt đầu, người ta tranh cãi về giá trị của Pogba, về John Stone hay thậm chí là việc Crystal Palace "chơi ngông" rước Benteke từ Liverpool về với giá 30 triệu bảng. Qua đó, giới truyền thông có đề tài để khai thác hàng ngày, còn Premier League tạo được sự chú ý lớn.
 
Sự chú ý của người hâm mộ tỉ lệ thuận với việc theo dõi các trận đấu qua truyền hình hay đến sân vận động, nguồn thu trực tiếp của các câu lạc bộ. Sự xuất hiện của những cầu thủ ngôi sao cũng thúc đẩy giá trị về mặt thương hiệu, đồng nghĩa với việc các CLB tại Anh có cơ hội nhận được nhiều hợp đồng tài trợ, quảng cáo béo bở hơn.
 
Không phải ngẫu nhiên các câu lạc bộ tại Anh chấp nhận chi đậm để mang về Premier League những "ngôi sao" xét trên mặt giá trị chuyển nhượng.

Khi người hâm mộ chấp nhận bỏ tiền để thưởng thức các trận cầu tại Premier League, các đội bóng tại xứ sở sương mù cũng có nghĩa vụ để người hâm mộ thấy số tiền họ bỏ ra không phải là vô nghĩa. Ít nhất thì các CLB cũng tỏ ra như vậy bằng những bản hợp đồng bom tấn.
 
Nguyên nhân Arsenal đang bị người hâm mộ quay lưng bởi họ không thỏa mãn được điều này. Theo Deloitte, Arsenal là câu lạc bộ có tổng doanh thu từ bán vé cao nhất tại châu Âu mùa 2014-15 với 101,84 triệu bảng. Nhưng HLV Wenger không chấp nhận sự khát khao của người hâm mộ về việc mang về những bản hợp đồng lớn. 
 
Wenger chỉ trích các đội bóng chi tiêu vô tội vạ. Nhưng trên thực tế, các CLB tại Premier League buộc phải chi tiền để duy trì sự hấp dẫn, ít nhất là về mặt truyền thông bằng việc tạo hiệu ứng dẫn tới sự chú ý của người hâm mộ.
 
Như Đạt
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X