Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Premier League: Sự khởi đầu của cơn bão mới

Thứ Hai 08/09/2008 09:30(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vào cuối ngày thứ Hai, một thành viên ban lãnh đạo Real Madrid gọi điện cho ngôi sao người Brazil Robinho, khi đó vẫn còn thuộc sở hữu của đội bóng TBN, để khẳng định rằng anh đã bị bán đi. Nhưng khi cầu thủ 24 tuổi này tới sân bay để gặp những ông chủ mới của anh, người ta kể rằng Robinho rất bối rối khi đón tiếp anh là màu xanh của Manchester City chứ không phải là màu đỏ của M.U.

Tất nhiên, đó là một câu chuyện đáng ngờ, nhưng nó cũng phần nào nói lên thực tế rằng những gì diễn ra trong thế giới bóng đá ngày nay có thể kỳ lạ như một cuốn tiểu thuyết của Dan Brown vậy. Manchester City, một CLB làng nhàng ở Premier League nhiều thập kỷ nay cứ hết lên rồi xuống hạng, nép sau cái bóng khổng lồ của người hàng xóm quá hùng mạnh, giờ đã lột xác để trở thành một trong những CLB giàu nhất thế giới sau khi được chuyển vào tay tập đoàn A-rập Abu Dhabi United.

Giống như một chú nhóc được diện đôi giày mới trong ngày đầu tiên đến trường, Man Xanh nhanh chóng thể hiện sức mạnh của tiền bạc, với hợp đồng chuyển nhượng kỷ lục của nước Anh trị giá 32,5 triệu bảng kèm theo mức lương 160.000 bảng một tuần cho Robinho. Một hợp đồng gây chóng mặt, dù Premier League, giải đấu vốn đã được phát hình tới 660 triệu hộ gia đình ở hơn 200 quốc gia và lãnh thổ, nổi tiếng tiêu tiền vô tội vạ.

Bong bóng xà phòng?

Ngay cả với sự toàn cầu hóa của bóng đá hiện đại, nhanh hơn bất kỳ quá trình tương tự nào, các hợp đồng kiểu đó vẫn thật điên rồ. Robinho thậm chí còn không có thời gian kiểm tra y tế, và thực tế mới chỉ có 3 triệu bảng tiền mặt được trao tay giữa Man City và Real Madrid. Và trong khi những đội bóng ở hạng dưới, tại Anh, Italia hay TBN, đều nơm nớp nỗi lo phá sản thì trên đỉnh của kim tự tháp, mùa chuyển nhượng này đã lập một kỷ lục mới: 500 triệu bảng.

Man City giờ đã trở thành một trong những CLB giàu nhất thế giới

Những gì diễn ra ở Man. City rất có thể là bước ngoặc cho một thời kỳ mới ở Premier League khi giờ đây người Anh hầu như không còn kiểm soát được các đội bóng của họ nữa. Roman Abramovich, Malcolm Glazer, Tom Hicks và George Gillett đều giàu có và nhiều tham vọng, nhưng họ vẫn chỉ là những cá nhân có nhiều tiền, tức là hết sức bé nhỏ trước sức mạnh của cả một tập đoàn khổng lồ như ADU. Tờ Guardian đã viết rằng: "Lần đầu tiên, việc sở hữu một đội bóng Premier League không chỉ vì mục tiêu đánh bóng tên tuổi cá nhân hay tìm kiếm lợi nhuận. Đó đã thực sự là một vấn đề toàn cầu".

Theo hợp đồng hiện tại, Premier League nhận được tổng thu nhập 1,7 tỷ cho tiền bản quyền phát sóng ở nước Anh và 625 triệu bảng ở nước ngoài từ hai hai hãng truyền thông Sky và Sentanta. Với 90.000 giờ phát sóng xuyên suốt 380 trận đấu, không sự kiện thể thao nào có thể thâm nhập sâu rộng và lâu dài vào một thị trường khổng lồ như thế, trong suốt 10 tháng trời.

Một thập kỷ rưỡi về trước, những CLB Anh chỉ là chiếu dưới so với những gã khổng lồ ở Serie A và La Liga cả về tiền bạc lẫn trình độ trên sân bóng, nhưng việc Premier League ra đời năm 1992 đã làm thay đổi tất cả. Ngay cả nước Mỹ, nơi từ trước tới giờ bóng rổ, bóng bầu dục và bóng chày, đều đã được thương mại hóa tới mức tối đa, thống trị, Premier League vẫn len chân vào được. Gia đình Glazer ở Old Trafford, Hicks và Gillett ở Liverpool. Chính bản thân những người Mỹ nhạy cảm với chuyện kiếm tiền đang tìm tới bóng đá ở Anh và họ hẳn sẽ hết sức hài lòng nếu như xác lập được vị trí vững vàng hơn tại thị trường lớn nhất hành tinh.

Trước những lo lắng về triệu chứng bong bóng xà phòng, Richard Scudamore, Giám đốc điều hành Premier League, đáp trả: “Người ta nói rằng chúng tôi là những bong bóng xà phòng sẽ vỡ tung. Họ nói điều đó 8 năm trước, 6 năm trước, 4 năm trước, nhưng cho tới giờ, chúng tôi không nghĩ rằng mối quan tâm tới giải đấu bị giảm bớt”.

Vẫn còn những người đáng muốn bán. Ở Everton, Bill Kenwright, vị Chủ tịch người Anh đang cầm cự lâu nhất Premier League, nói với các CĐV áo xanh vào tuần trước rằng có lẽ đội bóng cần một nhà đầu tư nước ngoài hòng cạnh tranh được với những đối thủ khác và Kenwright thật sự đang tìm những nhà tỷ phú. Cái ngày cả 20 đội bóng thuộc Premier League bị thôn tính bởi những ông chủ ngoại có lẽ không còn xa nữa.

Sự kiện Man City chỉ là sự khởi đầu của cơn bão tiền bạc mới mà thôi.

8 đội bóng

8/20 đội bóng thuộc Premier League hiện tại đang rơi vào tay chủ ngoại, gồm Aston Villa, Chelsea, Fulham, Liverpool, Man City, M.U, Portsmouth, West Ham.

4 đội bóng

Theo dự đoán, trong vòng 3 năm tới, sẽ có thêm 3 đội bóng bị bán cho các tỷ phú nước ngoài, gồm Arsenal, Everton và Newcastle

21 tỷ bảng

Đó là tài sản của tỷ phú gốc Ấn Độ Anil Ambani (giàu thứ 6 thế giới), người đang ấp ủ ý định mua Newcastle từ tay Mike Ashley.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X