Chủ tịch LĐBĐ Anh FA Lord Triesman khẳng định rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện tại có thể “là một mối nguy hiểm khủng khiếp” với các CLB đang mắc nợ ngày càng nhiều ở Premier League.
Trong suốt một thập kỷ qua, Richard Scudamore, Giám đốc điều hành của Premier League, gần như tự tung tự tác tại giải đấu danh tiếng lắm tiền bạc này do LĐBĐ Anh FA hầu như không có sự can thiệp đúng nghĩa nào vào những hoạt động của giải đấu. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm Lord Triesman vào cương vị Chủ tịch mới của FA đã bắt đầu thay đổi điều đó.
Chủ tịch LĐBĐ Anh (FA) Lord Triesman |
Vào buổi chiều, Scudamore đã có đáp từ. Ông khẳng định rằng các CLB ý thức rằng họ không hề là một ngoại lệ trong cuộc khủng hoảng hiện giờ, nhưng các đội bóng đang quản lý những khoản nợ của mình một cách có trách nhiệm. “Tôi không muốn nghe theo quan điểm của Michel Platini (Chủ tịch UEFA) rằng các khoản nợ là điều gì xấu, các khoản nợ là không thể tránh khỏi”, Scudamore đáp trả, “Nợ nần trong làm ăn, đến một mức nào đó, vẫn cho thấy tình trạng tài chính lành mạnh. Điều quan trọng là các khoản nợ so với tổng thu nhập ở tỷ lệ bao nhiêu, và bao nhiêu là chấp nhận được”. Theo Scudamore, các khoản nợ của những đội bóng Premier League là vào khoảng gần 2,5 tỷ bảng, tương đương với thu nhập của họ. Ngoài ra, giám đốc điều hành của giải Ngoại hạng cũng không quên chỉ ra rằng chín FA, “một trong những tổ chức bóng đá ít nợ nần nhất, cũng đang nợ khoảng 350 triệu bảng, với doanh thu vào khoảng 300 triệu”.
Hôm thứ Tư, Andy Burnham, Bộ trưởng bộ văn hóa, truyền thông và thể thao Anh, cũng đã thể hiện sự ủng hộ với quan điểm của Blatter. Ông nói: “Việc các CĐV biết được ý định của người muốn mua lại đội bóng là rất quan trọng. Họ phải hiểu những truyền thống và những vấn đề khác xung quanh bóng đá. Đó là lý do tại sao phải có những cuộc kiểm tra tư cách cá nhân và sự đúng đắn trong mục đích mua lại đội bóng trước lúc một cuộc chuyển giao diễn ra. Lẽ đó, chúng ta cần một LĐBĐ mạnh chịu trách nhiệm từ cấp thấp nhất đến tầm mức ĐTQG để đảm bảo rằng bóng đá được vận hành vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Đây được coi là tín hiệu tốt cho Lord Triesman, đang có kế hoạch khôi phục lại quyền lực của FA sau khi gần như không hề can dự gì vào hoạt động của Premier League trong suốt 15 năm qua. Triesman còn đi xa tới mức nói rằng hệ thống hiện tại cho phép một nhà độc tài như Robert Mugabe mua lại các CLB Premier League, nhưng những người như Nelson Mandela không thể vì đã bị kết án.
Tuy nhiên, Scudamore phản bác rằng Mandela hoàn toàn có thể mua một CLB nếu ông muốn và cho biết chính do sức ép của Premier League mà cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, phải bán lại Manchester City. Scudamore còn nói rằng Premier League là “một ví dụ tốt” về cơ chế tự quản lý và việc chấp nhận những nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn phù hợp với luật pháp nước Anh, đó là chưa kể Triesman, từng là một bộ trưởng trong chính quyền của Công đảng, luôn khuyến khích thương mại hai chiều, kể cả trong các lĩnh vực như nước, năng lượng và giao thông vận tải, thì bóng đá không thể là một ngoại lệ.
AIG đã được cứu Nhà tài trợ của M.U, AIG, đã được chính quyền ở Mỹ hỗ trợ 11,2 tỷ bảng để vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại. Là công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà tài trợ chính của Premier League, cổ phiếu của AIG đã tụt giá 45% ở Wall Street trong những ngày gần đây. Hợp đồng tài trợ của AIG với M.U có thời hạn 4 năm trị giá 56,5 triệu bảng bắt đầu từ năm 2006, hiện đang giữ kỷ lục là hợp đồng tài trợ lớn nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Người đại diện của M.U cho hay họ “theo dõi sát sao” mọi diễn biến của AIG, nhưng từ chối bình luận thêm. Trong khi đó, AIG cho hay họ đang xem xét lại các hoạt động kinh doanh của mình. Hiện tập đoàn này có khoảng 3.000 nhân viên tại Anh và 116.000 nhân viên trên toàn thế giới. 11 văn phòng của AIG tại Anh đặt ở Croydon, Reading, Bristol, Glasgow và tất nhiên, Manchester. |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)