Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Premier League nhìn từ băng ghế huấn luyện: Quyền đi đôi với lực

Thứ Tư 24/11/2010 08:15(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không giống như những nền bóng đá phát triển khác ở châu Âu, cách tổ chức và quản lý của các CLB Anh có rất nhiều nét đặc thù. Khác biệt lớn nhất nằm ở trong cách tổ chức huấn luyện.

Ở nhiều quốc gia khác, HLV chủ yếu hướng dẫn cầu thủ tập luyện cũng như lên các phương án chiến thuật cho trận đấu. Trong khi tại Anh, ngoài việc đảm nhiệm công việc huấn luyện, các HLV còn kèm thêm vai trò quản lý. Vì thế xứ sương mù gọi các HLV theo mô hình cổ điển là manager (nhà quản lý), còn các quốc gia khác chỉ đơn thuần là trainer (người huấn luyện).

Ferguson và Wenger là hai managers cuối cùng của bóng đá Anh

Tuy nhiên, số lượng CLB Anh áp dụng mô hình manager cứ giảm dần sau khi Premiership ra đời. Hiện tại, cả nước Anh chỉ còn lại 2 CLB áp dụng mô hình manager truyền thống là M.U và Arsenal. Ở Old Trafford, Alex Ferguson toàn quyền quyết định về nhân sự. Ông được tự do lựa chọn các thành viên ban huấn luyện cũng như chính sách chuyển nhượng của đội bóng. Tiếng nói của Fergie rất có trọng lượng với BLĐ, dù rằng ông chỉ là người làm thuê. Nhà cầm quân người Scotland ít khi hướng dẫn cầu thủ tập luyện. Phần việc đó thuộc về trợ lý Mike Phelan, còn Ferguson chỉ đứng ngoài quan sát và đánh giá.

Công việc của Wenger ở Arsenal cũng diễn ra tương tự. Ông được phép có mặt trong những buổi họp về định hướng phát triển của đội bóng. Tại Emirates, Giáo sư không chỉ toàn quyền quyết định về vấn đề chuyển nhượng, ông còn chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành hệ thống săn tìm cầu thủ trải dài toàn thế giới.

Ngoài Wenger và Ferguson, các HLV còn lại ở Premiership đều chủ yếu đảm nhiệm công việc huấn luyện đơn thuần. Tại Chelsea, tiếng nói của Ancelotti gần như không có trọng lượng với BLĐ. Ông không được phép chọn trợ lý cũng như quyết định CLB sẽ ký hợp đồng với cầu thủ nào. Roberto Mancini cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. HLV của Man City ít khi tiếp xúc với chủ tịch mà chủ yếu làm việc với 2 thành viên ban giám đốc là Brian Marwood và Garry Cook. Tại City of Manchester, phần việc của Mancini là hướng dẫn cầu thủ tập luyện và lên phương án chiến thuật mỗi khi CLB thi đấu. Cựu HLV Inter không đứng ngoài lĩnh vực chuyển nhượng, nhưng ý kiến của ông phải thông qua một hội đồng gồm 5 người. Những HLV người Anh như Harry Redknapp, Roy Hodgson có môi trường làm việc ít gò bó hơn. Họ ít nhiều có tiếng nói về vấn đề nhân sự đội bóng nhưng quyền quyết định thuộc về GĐTT. Riêng HLV David Moyes ở Everton được toàn quyền trên khá nhiều lĩnh vực nhưng ông vẫn chỉ thuộc diện “bán” manager.

Lý do số manager ngày một giảm là bởi ít người có thể làm tốt khi ôm đồm quá nhiều việc. Vì thế các CLB Anh bắt đầu chuyên môn hóa từng lĩnh vực riêng biệt để bộ máy vận hành hiệu quả hơn. Nói cách khác quyền lực mà HLV được giao phải đi đôi với năng lực huấn luyện và quản lý cũng như đặc thù của mỗi CLB.
 
(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X