Sau những hợp đồng bom tấn trong kỳ chuyển nhượng mùa đông năm trước, mùa mua sắm năm nay ở Premier League diễn ra lặng lẽ một cách đáng ngạc nhiên, vì luật công bằng tài chính sắp có hiệu lực của UEFA, vì khủng hoảng kinh tế đang lan tràn khắp châu Âu và quan trọng nhất, vì hầu hết các đội bóng đều hài lòng, hoặc buộc phải hài lòng với những gì mình đang có.
Con số lớn nhất lại thuộc về Chelsea, lại diễn ra vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng tháng 1, nhưng không thể nào sánh với những gì diễn ra cách đây đúng 12 tháng. Khi đó, Stamford Bridge tuyên bố hai hợp đồng mới với trị giá lên đến tổng cộng 73 triệu bảng, 50 triệu cho tiền đạo người TBN từ Liverpool, Fernando Torres và 23 triệu cho hậu vệ người Brazil, David Luiz. Tổng cộng, các CLB Premier League đã chi ra 215 triệu bảng trong mùa đông 2011 và 3 hợp đồng lớn (35 triệu bảng của Liverpool cho Andy Carroll) đã chiếm 50% số đó.Papiss Demba Cisse - Gương mặt đắt giá nhất trong kỳ CN mùa Đông năm nay
Năm nay, tình hình đã thay đổi hoàn toàn, các HLV đều im hơi lặng tiếng, bất chấp kết quả trên sân thế nào, và thị trường trầm lắng đến mức trong hai tiếng cuối cùng của mùa chuyển nhượng, những tin tức nóng sốt nhất chủ yếu xuất phát từ Championship, chứ không phải Premier League. Ngày 31/1, cả Manchester City, Chelsea và Liverpool đều chỉ lặng lẽ ngồi nhìn Brighton vung tiền mua cầu thủ. Nếu như Michel Platini, Chủ tịch UEFA, ban hành luật Công bằng tài chính là để nhắm vào các CLB Anh đang vung tiền vô tội vạ làm giá cầu thủ tăng chóng mặt trên thị trường, thì trong mùa đông này, ông đã thành công.
Con số lớn nhất lần này mà cả Premier League được chứng kiến chỉ là 10 triệu bảng, bằng một phần năm số tiền Chelsea bỏ ra cho Torres một năm trước. Hơn thế nữa, đúng như mong muốn của UEFA về sự công bằng, đội bóng chi ra số tiền đó là một bất ngờ thú vị ở mùa giải này đang muốn củng cố thêm giấc mộng không tưởng dự Champions League mùa sau của họ, Newcastle. Trong cơn hưng phấn của giai đoạn khởi đầu đầy ấn tượng, ban lãnh đạo ở St James Park đã chấp nhận chi thêm gần 10 triệu bảng cho duy nhất một cầu thủ, tiền đạo người Senegal, Papiss Cisse, từ CLB Đức Freiburg.
Thời của mượn và miễn phí
Chelsea cũng chỉ tiến gần đến con số đó, với 9 triệu bảng cho tài năng trẻ người Bỉ Kevin de Bruyne, một cầu thủ chạy cánh 21 tuổi từ Racing Genk, nhưng lại cho mượn ngay lập tức trở lại chính Genk. Everton, sau khi bán đi Mikel Arteta vào mùa hè, cũng đã có những quyết định mạnh tay dựa trên tình hình tài chính èo uột của họ, với 5 triệu bảng cho Glasgow Rangers để có Nikica Jelavic, tiền đạo 26 tuổi người Croatia đã ghi 30 bàn trong 45 trận chơi ở Scotland. QPR, với ông chủ mới chịu chơi đến từ Malaysia, cũng rất sốt sắng trên thị trường với khoảng 4 triệu bảng cho Djibril Cisse và 6 triệu nữa cho Bobby Zamora.
Những hợp đồng đó, nếu diễn ra trong năm vừa rồi, nhiều khả năng sẽ chẳng được báo chí buồn nhắc đến, nhưng trong tình cảnh khốn khó hiện giờ, những vụ mua sắm từ mức 2 triệu bảng trở lên đã được coi là lớn và không ai ngạc nhiên khi hầu hết các hợp đồng được hoàn tất đến thời điểm này là chuyển nhượng tự do hoặc cho mượn.
Một ví dụ điển hình của mùa mua sắm này có lẽ là cuộc mặc cả sát ván giữa Newcastle và Watford cho hậu vệ Adrian Mariappa. Không có những tin đồn thổi, một đội bóng hạng dưới không muốn bán đi cầu thủ mà họ đã nuôi dưỡng và đào tạo thành tài, một đội bóng hạng trên muốn có một cầu thủ chất lượng với giá phải chăng. Rốt cuộc, cái giá được thống nhất là 1 triệu bảng, bằng 4 tuần lương của Yaya Toure, một cuộc kỳ kèo điển hình của thời khủng hoảng.
QPR đưa về 6 tân binh: Sẵn sàng để trụ hạng Trong ngày cuối cùng của tháng Giêng, Mark Hughes đã kịp đưa về 2 tên tuổi ở hàng công, Bobby Zamora từ Fulham với tổng giá trị 6 triệu bảng và Djibril Cisse từ Lazio với giá 4 triệu bảng. Như vậy, QPR đã có tổng cộng 6 chữ kí mới chỉ trong ít ngày qua. Bốn cái tên còn lại là Nedum Onuoha (Man City), Taye Taiwo (Milan), Samba Diakite (Nancy) và Federico Macheda (M.U). Hợp đồng của Bobby Zamora với QPR trị giá 6 triệu bảng trả ngay kèm thêm các điều khoản gia tăng dựa vào số lần ra sân, bàn thắng và vị trí của QPR trên BXH cuối mùa giải. Tiền đạo 31 tuổi sẽ tái ngộ với ông thầy cũ, Mark Hughes, người đã từng dẫn dắt Fulham mùa trước. Tại đội bóng mới, Zamora sẽ đeo áo số 52. Bản thân Djibril Cisse cũng là một chân sút cự phách. 161 bàn thắng trên 282 lần ra sân tại các giải VĐQG cùng những trải nghiệm trong thời gian ở Liverpool sẽ là sự bổ sung vô giá cho một đội bóng mới thăng hạng như QPR. Một thuyền trưởng mới, những tân binh chất lượng, tất cả hứa hẹn sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của câu lạc bộ. Sẽ không ai ngạc nhiên nếu trong thời gian tới những cầu thủ trên lần lượt chiếm các vị trí chính thức. Cùng với những cái tên sẵn có như Barton, Wright-Phillips, Ferdinand, Mark Hughes đã có trong tay một đội hình đủ mạnh cho chiến dịch trụ hạng và những kế hoạch xa hơn. Tham vọng của ông chủ Tony Fernandez là rất lớn. Vị trí thứ 16 trên BXH với chỉ 2 điểm nhiều hơn nhóm xuống hạng là không hề tương xứng với những khoản đầu tư mà ông đã bỏ ra. Nhưng hãy tin rằng điều đó sẽ không kéo dài lâu, Mark Hughes phải đưa QPR tiến lên ngay lập tức để khẳng định niềm tin mà giới chủ dành cho ông là đúng đắn. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)