Khởi đầu mùa giải với những tham vọng to tát, nhưng cho đến đầu năm mới, Chelsea, Arsenal và Liverpool sẽ phải hài lòng với việc điều chỉnh mục tiêu của họ xuống còn chỉ là một suất dự Champions League trong bối cảnh cả ba đang đánh mất đi những giá trị từng giúp họ thành công trước đây.
Những kết quả ở vòng đấu Boxing Day đã khiến ba CLB trong nhóm bộ tứ (đội còn lại là M.U) từng một thời không có kẻ thách thức ở Premier League ngày càng xa chức vô địch. Khoảng cách giữa Chelsea, đang xếp thứ tư, và hai đội đầu bảng của thành phố Manchester giờ đã là 11 điểm. Arsenal và Liverpool thậm chí còn tụt lại xa hơn. Cả hai HLV Andre Villas-Boas và Arsene Wenger đều đã lên tiếng thừa nhận chức vô địch không còn là mục tiêu khả thi nữa, còn ở Liverpool, Kenny Dalglish thậm chí không buồn nhắc đến khả năng này, vì ông hiểu rõ tình thế hiện tại hơn ai hết.
Chelsea đánh mất mình
Chelsea, trong những giai đoạn thành công của họ, với hai chức vô địch dưới thời Jose Mourinho và một lần nữa dưới thời Carlo Ancelotti, đã luôn là một đội bóng cực kỳ ổn định, không thật sự bùng nổ, nhưng lúc nào cũng làm tốt công việc và hoàn thành nhiệm vụ được đặt ra. Phẩm chất đó không còn cùng tân HLV Villas-Boas. Biểu đồ phong độ của đội bóng áo xanh trong 10 trận Premier League gần nhất là: thua - thua - thắng - thua - thắng - thắng - thắng - hòa - hòa - hòa. Họ giống như một đội nào đó đặt mục tiêu dự Europa League hơn là ứng cử viên vô địch.Chelsea tự đánh mất mình
Trận thắng 2-1 mang lại nhiều hy vọng trước Man City nhanh chóng tan biến vào không khí và trở nên vô nghĩa sau 3 trận hòa liên tiếp trước Wigan, Tottenham và Fulham. Sự mất ổn định của Chelsea còn là bởi những cuộc cách mạng nửa vời đã diễn ra liên tục suốt từ khi Mourinho ra đi gần 5 năm về trước. Những HLV đến rồi đi liên tục làm xói mòn nền tảng của đội bóng. Villas-Boas, do đó, thừa hưởng một tập hợp những cầu thủ già cỗi, không gắn bó, một lực lượng trẻ ủ dột, ít cơ hội ra sân với áp lực chiến thắng lúc nào cũng rất cao.
Sự đối lập về phong cách của chiến lược gia người BĐN, một người yêu thích lối chơi Latin điển hình, với đội ngũ mà ông có trong tay, những cầu thủ phong cách của Mourinho và Ancelotti, khiến tình hình thêm tồi tệ. Cuối cùng, hợp đồng lớn nhất lịch sử CLB, và có lẽ cũng là thất bại nhất, 50 triệu bảng cho Fernando Torres, một chân sút mới có 3 bàn trong 26 trận ở Premier League cả năm 2011, đã khiến Chelsea cạn kiệt nguồn lực cho một cuộc cách mạng nữa và Villas-Boas, chỉ sau 6 tháng nắm quyền, đang là một trong những HLV dẫn đầu danh sách bị sa thải của các nhà cái.
Arsenal tự suy yếu
Tương tự như thế, Arsenal cũng trải qua những cuối tuần đầy cực nhọc ở Premier League. Nếu như thất bại trước Manchester City hai tuần trước như một biểu tượng cho sự sa sút của một thế lực đã cũ trước sự vươn lên mạnh mẽ của những đồng bảng từ Trung Đông, thì việc bị Wolves cầm chân ngay trên sân nhà là lời cảnh báo về đẳng cấp đã bị đánh mất ở Emirates. Arsenal từng chiến thắng bằng lối chơi đẹp mắt, còn giờ đây, họ không chơi đẹp mắt, mà cũng chẳng chiến thắng.
Khi mọi khó khăn đang bủa vây, những chấn thương của các hậu vệ, sự phụ thuộc quá nhiều vào Robin van Persie và một hàng tiền vệ rõ ràng không còn các phẩm chất như của thời hoàng kim. Trước Wolves là Yossi Benayoun, một món hàng dạt, Alex Song, phiên bản thứ cấp của Patrick Vieira, Tomas Rosicky, đã sắp hết thời và Mikel Arteta, tài năng nhưng không đủ. Họ đương nhiên không thể sánh được với thời của Dennis Bergkamp, Freddie Ljungberg, Patrick Vieira, Robert Pires nhưng ngay cả đặt cánh Cesc Fabregas, Samir Nasri và Mathieu Flamini, đội ngũ hiện giờ cũng thua sút. Không chơi thứ bóng đá mà họ vẫn chơi, Arsenal cũng không thể có được những chiến thắng mà họ vẫn có.
Ở Emirates, giống như tại Stamford Bridge, cũng đang diễn ra một cuộc cách mạng dang dở, dù Arsenal có một HLV đã gắn bó với CLB được gần 16 năm. 4-5 năm trước, Wenger từng tự tin khẳng định thế hệ trẻ mà ông có lúc đó sẽ sẵn sàng vô địch Premier League sau 4-5 năm nữa. Nhưng rốt cuộc chiến lược gia người Pháp đã không đi đến cùng cuộc cách mạng đó. Ông lần lượt để những người dẫn dắt lớn tuổi, rồi sau đó là hai ngôi sao trẻ sáng giá nhất, ra đi. Giờ đây, Arsenal phải dựa vào những cầu thủ già chẳng kém ai, và những cựu binh như van Persie. Lòng tin vào lớp trẻ đã tan biến, cùng các danh hiệu.
Liverpool đi sai hướng
Căn bệnh nửa vời cũng đã lây lan ở Liverpool. Dalglish, với những trải nghiệm của ông tại Anfield, tiến hành Anh hóa mạnh mẽ đội bóng thành phố cảng sau khi ông đến. Tuy nhiên, có lẽ HLV người Scotland không nhận ra, hoặc không chịu chấp nhận, rằng Premier League bây giờ đã khác xa giải Ngoại hạng hồi những năm 1980 và đầu 1990. Những nhà vô địch Anh giờ đây phải là sự kết hợp đa dạng giữa các tài năng bản địa với các món hàng nhập khẩu đắt giá, chứ không thể là một đội bóng thuần Anh. Hệ quả là trong khi hầu hết các hợp đồng nội địa lớn vào mùa hè đều đang gây thất vọng ở Anfield (trừ Charlie Adam, chỉ có giá 7 triệu bảng), Liverpool phải phụ thuộc rất nhiều vào một ngoại binh, Luis Suarez, để tìm thấy cảm hứng và cả những chiến thắng.
Sự đối lập càng thêm sâu sắc khi ở White Hart Lane, Tottenham đang chơi đúng với bản sắc của họ, tốc độ, mạnh mẽ, tấn công không khoan nhượng, và đang rất thành công. Nói chung, bóng đá cũng như cuộc đời, và những ai đánh mất bản thân khó mà hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)