Kể từ khi cầu cứu những ông chủ ngoại, Pompey đã phải thay tới 3 vị Chủ tịch, và bị bán 2 lần chỉ sau 6 tuần. Kết quả: Nợ, nợ, và nợ. Tương lai của đội bóng miền Nam nước Anh đang bị đe dọa, bất chấp những lời hứa đầy màu hồng của tân Chủ tịch Ali Al Faraj. Thay vì những chiến tích trên sân cỏ, các CĐV ở Fratton Park nay đã quá quen với những trận chiến của các vị luật sư về chuyện mua, bán CLB. Và không ai chắc Pompey có một lần nữa phải đối mặt với cảnh "đứng đường" chờ Chủ tịch hay không.
Hai đồng sở hữu Liverpool: Tom Hicks (trái) và George Gillett (phải) |
Nếu như các ông chủ từ phương Đông đang biến tương lai của Portsmouth thành trò đùa, thì ở Merseyside, những tác động từ các ông chủ Mỹ lại hứa hẹn một viễn cảnh đầy sóng gió cho Liverpool. Ai cũng hiểu, trận thua của Quỷ đỏ trước Chelsea có phần lớn trách nhiệm của Rafael Benitez. Nhưng khi Chủ tịch Geogre Gillet đề cập trực tiếp tới chuyện này thì lại hoàn toàn khác. Sức ép đã được nhân đôi cho Liverpool, và đây sẽ là một tiền lệ nguy hiểm. Khi người Mỹ bỏ đồng tiền ra để đầu tư, họ luôn thẳng thắn. Nhưng đó không phải là một cách giải quyết vấn đề hiệu quả, khi tính truyền thống bị phá vỡ một cách không thương tiếc, và áp lực chiến thắng đã bị đánh đồng với kết quả kinh doanh.
Khi Gillett nói, nếu ông đã đầu tư 128 triệu bảng trong 18 tháng, thì "lẽ ra đội bóng phải thi đấu tốt hơn", đó là một dấu hiệu cực xấu với Benitez. Đó không chỉ là một sự giáng trả thích đáng đối với những kêu ca về tài chính của HLV người Tây Ban Nha hồi đầu mùa bóng. Trên hết, đó còn là một nhận xét về năng lực, về khả năng kiểm soát khó khăn, và cả tư cách lãnh đạo đối với Rafa. Người đồng sở hữu Liverpool đã chọn rất đúng thời điểm để tung ra một cú đấm sấm sét về phía HLV từng mang về Anfield 1 chiếc Cúp Champions League. Và qua đó, để tất cả thấy rõ, người thực sự có lỗi với CĐV là ai.
Về mối tương quan với đội bóng, có lẽ Roman Abramovich vẫn là "chuẩn" nhất. Tỷ phú người Nga vẫn ngầm theo dõi và đưa ra những quyết định có tính bước ngoặt cho đội bóng, nhưng mặt khác, ông không tham gia vào Chelsea với tư cách một ông chủ điều hành những người làm thuê. Nhưng chính Abramovich cũng đã từng tạo ra những cú sốc cho Stamford Bridge, sau vài lần định bán The Blues như một món đồ chơi, theo kiểu thanh lý một chiếc du thuyền. Sheikh Mansour của Man City cũng đang gây được tiếng vang. Nhưng sẽ chẳng ai biết ông Hoàng UAE này có trái tính trái nết vào một thời điểm nào đó hay không, khi thầy trò Mark Hughes cứ mãi không tạo nên được thành công trên sân cỏ.
Câu chuyện về những ông chủ lắm tiền nhưng đầy rắc rối ở giải Ngoại hạng Anh chắc chắn sẽ chưa đến hồi kết. Cũng như một sự thật hiển nhiên: Cái gì cũng có 2 mặt của nó!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)