Theo báo cáo tài chính, trong những mùa giải gần đây, các CLB ở Premier League đã chi hơn 2/3 doanh thu để trả lương. Do đó, các đội bóng phải tìm mọi cách “vá víu” sẽ phải tăng để cân bằng tài chính. Cuối cùng, chỉ có “Thượng đế” phải chịu thiệt thòi.
Premier League luôn được xem là giải đấu hấp dẫn, thu hút được “ngôi sao” hàng đầu thế giới nhưng đi kèm với đó là những hệ lụy về vấn đề tiền lương. Theo báo cáo tài chính mới đây được đăng tải trên tờ Guardian, trong những mùa giải gần đây, các CLB ở hạng đấu cao nhất nước Anh đã chi hơn 2/3 doanh thu để trả lương (trong đó, phần lớn cho cầu thủ).Tiền bản quyền truyền hình Premier League, ngày một được đẩy lên cao
Cụ thể, trong mùa giải năm ngoái, đã có 1,6 tỷ bảng được dùng để thanh toán tiền lương trong tổng doanh thu 2,4 tỷ bảng của 20 CLB ở Premier League (chiếm khoảng 67%). Con số này ở mùa giải 2009/10 là 68% và mùa giải 2010/11 là 69%.
Điều đáng nói là khoản tiền để chi trả tiền lương của các CLB ngày một tăng lên. Nếu như mùa giải 2009/10, quỹ lương của 20 đội bóng vào khoảng 1,4 tỷ bảng thì 1 năm sau đó, con số đó đã “nhảy” lên 1,5 tỷ bảng (và 1,6 tỷ bảng mùa giải trước).
Như vậy, tổng số tiền lương của Premier League trong 3 mùa giải gần đây lên tới 4,5 tỷ bảng. Đó chưa kể một khoản tiền khổng lồ khác (ước tính vào khoảng 77 triệu bảng) được chi trả cho người đại diện trong quãng thời gian từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2012.
Rõ ràng, đây là thực tế đáng báo động với Premier League. Theo thống kê, mùa giải 2009/10, có tới 16/20 CLB ở giải đấu này làm ăn thua lỗ với tổng số tiền lên tới 484 triệu bảng. Mùa giải 2010/11 tiếp tục chứng kiến tình trạng trên nhưng số tiền thâm hụt khỏi “két sắt” của những đội bóng ở Premier League đã giảm xuống còn 361 triệu bảng. Mùa giải năm ngoái, 12/20 CLB ở giải đấu cao nhất nước Anh thông báo lỗ với số tiền 205 triệu bảng.
Trong số này, Man City “đóng góp” nhiều nhất. Theo báo cáo tài chính, năm 2011, Man “xanh” đã lỗ 197 triệu bảng, con số này được rút đi chút ít trong năm 2012 (99 triệu bảng). Nợ ròng của 20 CLB hàng đầu nước Anh vào khoảng 2,4 tỷ bảng, trong đó, chủ yếu là số tiền nợ những ông chủ.
Quỹ lương “phình to” đang là một vấn đề lớn đối với những CLB ở Premier League. Hiện tại, Man City phải chi tới 202 triệu bảng trả lương cho các cầu thủ, trong đó có không ít những “ông hoàng” như Aguero, Tevez, Yaya Toure…, những người đang hưởng nhiều hơn 200.000 bảng/tuần. Đội bóng nhà giàu khác, Chelsea cũng chi tới 173 triệu bảng để trả lương cho những “ông hoàng”.
Trước sức ép từ luật Công bắc tài chính (cho phép các CLB lỗ tối đa 35 triệu bảng trong vòng 3 năm), chính vì vậy, họ sẽ phải tìm cách “vá víu” bằng nguồn thu khác, đó là bản quyền truyền hình. Điều đó giải thích tại sao, bản quyền theo dõi Premier League đã tăng kỷ lục lên tới 5,5 tỷ bảng trong 3 năm (2013-2016). Với việc gia tăng này, ngân quỹ của mỗi CLB gia tăng thêm 20 triệu bảng. Tất nhiên, một phần trong đó sẽ được dùng để tăng lương cho những “ông hoàng”.
Bên cạnh đó, những CLB cũng tìm mọi cách để nâng giá vé vào sân. Để có chỗ ngồi VIP ở sân Emirates, những “Thượng đế” phải chi tới 126 bảng, trong đó, mức vé rẻ nhất ở SVĐ này cũng lên tới 35 bảng (sẽ tiếp tục tăng). Giá vé của Arsenal đang thuộc dạng đắt nhất Premier League nhưng nó cũng không khác biệt là bao so với những SVĐ khác.
Vé VIP ở Stamford Bridge cũng lên tới 85 bảng, trong khi đó, để có chỗ ngồi sang trọng ở White Hart Lane, khán giả cũng phải trả tới 80 bảng (giá vé rẻ nhất ở 2 CLB này giao động từ 23-31 bảng). Rõ ràng, cuối cùng, những người chịu thiệt thòi vì sự “vung tay quá trán” của Premier League chính là các… “Thượng đế”.
(Theo Dân Trí)