Tại Liga của Tây Ban Nha, việc một vài HLV bị sa thải trước khi được ăn món bì lợn rán giòn trong ngày Lễ Giáng sinh là một chuyện bình thường. Nhưng ngay tại Premier League của nước Anh, được coi là chuyên nghiệp hơn, mọi việc giờ đây cũng không khác gì nhiều.
Ở mùa bóng năm nay, tại giải đấu của nước Anh, đã có 6 HLV mất việc trước khi được thưởng thức món pudding (một món tráng miệng mềm, ngọt) vào đêm Noel, đó là Paolo di Canio (Sunderland), Ian Holloway (Crystal Palace), Martin Jol (Fulham), Steve Clarke (West Bromwich), Malky Mackay (Cardiff) và Andre Villas-Boas (Tottenham). Sau Wenger, HLV có thâm niên nhất là Pardew mới có 3 năm gắn bó -
Cái thời ổn định trên băng ghế chỉ đạo của các đội bóng Anh đã qua từ lâu. Khi Premier League được đầu tư càng nhiều tiền thì sự bất ổn định càng lớn. Cũng có người cho rằng việc hàng loạt nhà cầm quân bị sa thải trước Giáng sinh là do có thị trường chuyển nhượng mùa Đông trong tháng Giêng. Đây là thời điểm các đội bóng gặp khó khăn muốn có một nhà quản lý mới để khẩn cấp mua thêm cầu thủ nhằm cứu vãn tình thế. Vậy 6 HLV bị sa thải là ít hay là nhiều? Câu trả lời là tương đối nhiều. Mùa bóng trước, chỉ có Hughes (QPR) và Di Mateo (Chelsea) bị buộc thôi việc trước Giáng sinh. Điều đó không ngăn được việc QPR phải xuống hạng và Chelsea phải bằng lòng với một phần thưởng an ủi là Europa League. Còn một năm trước nữa, chỉ có một trường hợp sa thải: Steve Bruce của Sunderland.
Trong các năm 2004 và 2007, tình hình còn tồi tệ hơn bây giờ: có tới bảy HLV ngã ngựa trước Noel. Một số tờ báo như The Guardian đã báo động về tình trạng này và cho rằng, giống như các cầu thủ, cũng nên quy định một thời hạn tối thiểu để thay thế một HLV. Đề nghị đó có vẻ không thành công. Hơn cả việc thay nhà cầm quân ở giữa mùa bóng, điều quan trọng là hiện nay người ta cho các HLV quá ít thời gian để tiến hành một dự án. Sau khi Ferguson rút lui, HLV người Pháp Arsene Wenger là "manager" duy nhất tại vị lâu dài, từ 1996 đến nay cùng Arsenal. HLV có tuổi thọ cao thứ hai là Alan Pardew, người đến với Newcastle từ tháng 12/2010. Có nghĩa là, HLV ngồi lâu nhất trên băng ghế chỉ đạo ở Premier, nếu không kể Wenger, cũng chỉ có hai năm tại vị ở CLB của mình.
Việc một HLV tồn tại lâu dài có ảnh hưởng tới kết quả thi đấu của đội bóng hay không? Không nhất thiết là như vậy. Từ 1986 tới nay, Manchester United đã giành được 20 danh hiệu lớn chỉ với Sir Alex: 13 lần vô địch Premier League, 5 Cúp nước Anh và hai danh hiệu Champions League. Trong khi đó, Real Madrid đã sử dụng tới 25 HLV (trong đó một số người lặp lại như Beenkakker, Del Bosque hay Capello) nhưng cũng chỉ giành được một lượng danh hiệu tương tự: 18 Liga, ba Cúp Nhà vua và ba danh hiệu Champions League. Barca sử dụng một nửa số HLV của Madrid (12), nhưng họ có số danh hiệu cao hơn của cả United và Madrid khi giành được 21 giải thưởng lớn (12 Liga, sáu Cúp Nhà vua và ba Champions League). Tottenham đã sử dụng tới 13 HV từ 1986 đến nay, nhưng họ chỉ có một Cúp nước Anh. Do đó, không thể nói về một công thức chung cho tất cả.
Theo Thể Thao Văn Hoá