Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Premier League, chuyện thành Manchester: Trăm sự vì tiền

Thứ Bảy 16/01/2010 11:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Sự kình địch giữa những CLB trong cùng một thành phố luôn là mối quan hệ căng thẳng nhất trong bóng đá. Thậm chí, người ta còn chấm điểm hệ thống các trận derby khốc liệt trên sân cỏ thế giới. Trong danh sách đó, derby thành Manchester chỉ được xếp loại trung bình khá (7 điểm), còn thua xa các trận derby khác ở xứ sương mù như Aston Villa-Birmingham hay Liverpool - Everton. Nhưng có vẻ, ngọn lửa này được hâm nóng nhanh chóng trong một mùa giải đặc biệt như câu chuyện đang diễn ra…

Có lịch sử khá lâu đời từ tận ngày 12/11/1881 với cuộc đụng độ giữa West Gorton (sau này là Man. City) với Newton Heath (sau này là M.U) và cũng nổi tiếng là nảy lửa nhưng thực chất từ trước đến nay, derby thành Manchester giống như một cơ hội cho “cửa dưới” Man. City kiếm tìm danh dự hơn là cuộc chơi ngang tầm. Trong khi fan M.U cười nhạo thành tích thấp kém của láng giềng (danh hiệu gần đây nhất của Man. City là Cúp Liên đoàn năm 1976 còn vô địch bóng đá Anh thì từ tận 1968) thì fan Man. City chỉ biết trả đũa bằng chê bai vị trí Old Trafford thực tế nằm ngoài vùng Manchester. Họ cay đắng trước thực tế rằng cái bóng của M.U quá lớn. Một thương hiệu đầy ắp vinh quang, bay rộng khắp thế giới. Một cái tên lóp ngóp chốn “ao làng” với thứ bậc làng nhàng.

Nhưng tất cả đang thay đổi và sự so sánh giữa Man Đỏ với Man Xanh giờ thật khó tin. Một bên thăng tiến mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ còn bùng nổ hơn với nguồn tài chính khổng lồ hậu thuẫn. Một bên sa sút với những con số nợ khổng lồ đầy báo động. Khi “Nhà hát của những giấc mơ” đang lấp ló một cơn ác mộng thì ngược lại, màu Xanh hy vọng lại tràn ngập nửa thành phố. Những ngày qua, trốn chạy cái lạnh tê người ở nước Anh (và có lẽ cả những tin tức buồn về tài chính), M.U khăn gói đến Dubai tìm nắng ấm. Song, xứ Arab giờ là hình ảnh gắn với Man. City…

Khi tiền bạc lên tiếng

Người ta vẫn thường nói: Không có gì dễ gây mâu thuẫn hơn tiền bạc. Và rõ ràng, tiền bạc đang vạch sâu thêm những cách ngăn ở một thành Manchester đã từ lâu chia nửa. Mà đó không chỉ là vấn đề ở riêng đây. Nếu cần một tiền lệ thì chẳng cần lục lọi đâu xa với câu chuyện thành London còn nóng hổi.

Sự thất vọng của Rooney và cả MU


Kể từ khi Premier League ra đời, Arsenal đã xây dựng được cho mình vị trí số 2 chỉ thua kém M.U và dĩ nhiên, họ là số 1 ở thủ đô. Nhưng rồi “The Gunners” nhận thấy nhu cầu phải đầu tư dài hạn cho một SVĐ mới là Emirates ngày nay. Và thế là họ thắt lưng buộc bụng cho mục tiêu đó. Tuy nhiên, khi Roman Abramovich xuất hiện, cán cân tại London đã thay đổi với Stamford Bridge vụt trở thành triệu phú. Arsenal không chỉ bị ảnh hưởng bởi những đồng rúp rót vào láng giềng mà còn cả những lời bình luận luôn chọc ngoáy của Jose Mourinho. Và dường như, Arsene Wenger đã cố sức tạo ra sự tương phản với Chelsea hợm hĩnh bằng việc kiên quyết không chi tiêu, dù rằng có tiền trong tay. Chẳng ai thích bị coi là “học đòi” đối thủ mà rõ ràng không có cửa theo kịp trong cuộc chạy đua vũ trang như thế.

Sét không đánh trúng một chỗ hai lần. Nhưng kịch bản ở thành London đang tái diễn tại Manchester. Trong tuần lễ mà Man. City hài lòng với cử chỉ đẹp từ các ông chủ Arab xóa sạch nợ nần cho CLB, vui vẻ với cuộc hồi sinh ngoạn mục dưới bàn tay tân HLV Roberto Mancini thì M.U trở thành tâm điểm dư luận với gánh nặng nợ nần lên tới 700 triệu bảng cùng sự sa sút rõ rệt trên sân cỏ. Thị trường chuyển nhượng mùa Đông đã trôi qua nửa phiên mà Sir Alex Ferguson không có biểu hiện muốn thọc tay vào ví. Chiếc ví đó trống rỗng hay ông cũng đang học theo phong cách Wenger? Nếu những gì Sir Alex tuyên bố là chính xác, rằng M.U vẫn luôn có ngân sách cho ông tăng cường lực lượng thì rõ ràng, ông không muốn bị so sánh là cũng phải dùng tiền để mua niềm tin như những gì Man. City đã và đang làm. Những chê bai về một thị trường lạm phát bởi các CLB vung tiền vô tội vạ như Man. City của Sir Alex chẳng khác gì lời nhận xét mai mỉa về “doping tài chính” mà Wenger dành cho Chelsea trước đây.

M.U: Báo động Đỏ?

Nhưng thực trạng tài chính M.U hiện nay khác xa với Arsenal giai đoạn đầu tư cho Emirates. Một bên là vay lãi suất thấp, một bên là những con số chóng mặt (từ khi gia đình Glazer thâu tóm Quỷ Đỏ năm 2005 cho đến 30/6/2008, M.U đã phải gồng gánh tới 263 triệu bảng tiền lãi vay). Một bên là cuộc thôn tính theo đúng kiểu đầu tư trục lợi, một bên là đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng mà giờ đây đang cho hiệu quả ngoạn mục.

Thông tin mới nhất về tài chính Old Trafford là một nỗi đau cho người hâm mộ. Năm ngoái, M.U thành công không ít khi lần thứ ba liên tiếp đăng quang Premier League đồng thời lọt vào tới trận CK Champions League nhưng phải nhờ bán Cristiano Ronaldo với giá kỷ lục thế giới 81 triệu bảng cho Real Madrid, CLB mới tránh bị thua lỗ. Các fan lạc quan cũng phải thừa nhận rằng M.U đang ở tình cảnh suy thoái tài chính nặng nề khi thành công trên sân cỏ chẳng giải quyết được khoản nợ tăng vòn vọt. Các fan bi quan thì lo âu cho kịch bản CLB rơi vào vết xe đổ vỡ nợ như Leeds, đội bóng mới giáng cho M.U nỗi đau nữa ở vòng 3 Cúp FA.

Viễn cảnh thứ hai khó xảy ra. Trên phương diện kinh doanh, M.U vẫn là một thương hiệu tốt và hiệu quả. Doanh thu từ các khán đài Old Trafford luôn chật cứng, từ bản quyền truyền hình, từ các hợp đồng quảng cáo vẫn ổn thỏa. Nếu như nhà Glazer có không cầm cự được đi chăng nữa, họ lúc nào cũng có thể tìm được người mua lại. Nhưng vấn đề là cuộc suy thoái này càng kéo dài bao nhiêu, nó càng để lại hậu quả nặng nề bấy nhiêu và tác động không nhỏ đến thành tích đội bóng. Đó chính là câu chuyện đang xảy ra với Liverpool, nơi cũng có những ông chủ Mỹ đầu tư bằng tiền vay mượn và cũng đang loay hoay tìm lối thoát.

Đâu là lối thoát cho M.U? Đầu tiên, cần xem cơ cấu nợ của họ. Hiện công ty mẹ nợ 509,5 triệu bảng (bảo đảm bằng CLB và các tài sản CLB) còn gia đình Glazer nợ khoảng 200 triệu bảng (bảo đảm bằng cổ phần của gia đình này tại CLB). Hai khoản nợ trên có mức lãi suất khác nhau. Khoản 509,5 triệu bảng có lãi suất cao hơn từ 2,15% đến 5% so với lãi suất cho vay liên ngân hàng và được chia thành 4 khoản nợ nhỏ hơn có thời hạn thanh toán từ 2013 đến 2016. Trong khi đó, khoản vay 200 triệu bảng của nhà Glazer từ các quỹ chịu lãi suất tới 14,25%. Nó tích lũy lại hàng năm nên từ ban đầu chỉ 138 triệu bảng giờ đã thành 200 triệu bảng.

Những ngày qua là thông tin rầm rộ về kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá khoảng 500 triệu bảng của M.U. Tại sao phải làm vậy? Theo điều khoản của các khoản vay nợ ngân hàng, nhà Glazer không được dùng lợi nhuận của CLB để trả lãi suất ngất ngưởng 14,25% trên. Vì thế, trong kế hoạch trái phiếu có một điều khoản đáng chú ý là khoảng 70 triệu bảng sẽ chảy về công ty mẹ của nhà Glazer để “cho các mục đích chung, bao gồm trả những khoản nợ hiện tại”. Đây là lần đầu tiên, họ đưa ra một con đường chuyển thu nhập của CLB về công ty mẹ để trả tiền vay từ các quỹ! Với kiểu bòn rút như vậy và mức lãi suất dự kiến cho trái phiếu (thời hạn 7 năm) là 9,25%, nhà Glazer hy vọng giảm bớt được các khoản nợ chịu lãi cao.

Trên lý thuyết, kế hoạch trái phiếu là một tin vui cho M.U bởi các ngân hàng cho vay luôn áp đặt nhiều điều kiện mà nếu sa sút phong độ trên sân cỏ, CLB sẽ gặp rắc rối to. Dù nhà Glazer luôn kín đáo về những điều kiện phải chịu này, nhiều nguồn tin cho biết các ngân hàng đang cho M.U đã đặt ra không ít mục tiêu phải làm được nếu không muốn bị siết nợ. Trong đó, có điều kiện CLB phải đạt lợi nhuận tối thiểu 65 triệu bảng (trước khi trả lãi suất ngân hàng). Năm 2009, M.U có lợi nhuận hơn 90 triệu bảng song đó là nhờ một năm thành công ở cả Premier League lẫn Champions League. Chỉ cần bị loại sớm ở châu Âu thôi, con số trên sẽ giảm đi đáng kể.

Phát hành trái phiếu sẽ giúp CLB không phải đối mặt với những điều kiện khắt khe như vậy nữa, cho họ nhiều lựa chọn hơn trong việc sử dụng lợi nhuận. Trong năm nay, nhiều công ty lớn (thậm chí cả trường đại học Cambridge) cũng đã chuyển những khoản vay ngân hàng thành trái phiếu bởi lí do đó. Về cơ bản, thị trường trái phiếu đang hồi phục mạnh mẽ và khả năng thành công là cao.

Nhưng, trái phiếu cũng không giải quyết được vấn đề cốt lõi của M.U: Họ nợ quá nhiều. Chỉ riêng khoản vay từ các quỹ sẽ lũy tiến lên tới 588 triệu bảng vào năm 2017! Dự định vay nợ thêm ngân hàng 75 triệu bảng cho Sir Alex tăng cường lực lượng là tin xoa dịu các fan nhưng sẽ đẩy tổng nợ lên đến gần 800 triệu bảng.

Mà phía trước M.U là UEFA đang “rình rập”. Trong những yếu tố rủi ro cảnh báo các nhà đầu tư tiềm năng của kế hoạch trái phiếu, chính M.U thừa nhận sự đe dọa từ quy định mới của UEFA về các CLB nợ nần. Theo đó, kể từ mùa giải 2013-2014, các đội bóng muốn được chơi ở Champions League phải chứng tỏ với UEFA rằng họ có thể cân bằng thu chi. Cái bẫy này giăng ra nhằm vào những CLB vung tay quá trán trên thị trường chuyển nhượng như Chelsea hay Man. City. Nhưng giờ thì M.U đang sa vào. Abramovich cũng như Sheikh Mansour, chủ Man. City vừa nhanh chóng xóa nợ cho đội bóng bằng cách biến những khoản khổng lồ đó thành vốn đóng góp. M.U không thể chờ đợi sự hào phóng đó từ Glazer bởi ông ta cũng chẳng có tiền đến cỡ đó!

Năm qua, bán đi Ronaldo, M.U mới không bị thua lỗ. Năm tới, không còn Ronaldo, bán đi Wayne Rooney chăng? Còn 3 năm rưỡi cho M.U giải quyết vấn đề nợ nần mà kế hoạch trái phiếu thực chất chỉ là đảo nợ, giảm bớt lãi suất. Dường như, M.U cần một ông chủ mới giàu có hơn Glazer nhiều lần. Hay chí ít, chia tay với một kẻ trục lợi như vậy. Đó đang là lời kêu gọi rầm rộ từ các fan mà một thể hiện nhỏ là group “Chúng tôi muốn nhà Glazer cút đi” trên Facebook đã có hơn 6.000 thành viên (và cũng như…các khoản nợ của M.U, con số này đang tăng lên nhanh chóng!).

Man.City: Hy vọng Xanh?

Old Trafford gian khó là lúc City of Manchester cười khoái trá. Họ đang tận hưởng sự đổi vai đầy ngọt ngào. Giờ đây, nói đến sự giàu có là nói đến Man. City, cho dù đòn bẩy tài chính ấy chưa đem lại được vinh quang nào trên sân cỏ.

Phong độ chói sáng của Carlos Tevez là minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của Man City


Nhưng rồi sẽ đến thôi, các fan màu Xanh đang tự nhủ như vậy. Làm sao không thành công được chứ khi hậu thuẫn là ông Hoàng Arab Sheikh Mansour có tổng tài sản tới 560 tỷ bảng (Abramovich cũng chỉ có cỡ 9 tỷ bảng). Động thái xóa nợ cho CLB đồng thời bơm thêm tiền để Mancini shopping mùa Đông chỉ là chuyện bé bằng…móng tay với tỷ phú này. Cũng như Chelsea của Abramovich, Man. City giờ thành thứ đồ chơi được ông chủ cưng chiều. Điều đó khác cơ bản với M.U trong vai “công nhân” quần quật tìm lợi nhuận cho nhà Glazer.

Và như con đường Chelsea đã đi, Man. City háo hức tìm kiếm thành công nhanh chóng bằng tiền bạc. Mancini mới đến Anh đã hùng hồn tuyên bố rằng sẽ đuổi kịp Chelsea mùa này. Không tự tin đến thế, nhưng nửa Xanh thành Manchester đang khấp khởi hy vọng về một cuộc lật đổ trật tự “tứ đại gia”. Họ đã trở lại vị trí thứ 4 sau những chiến thắng ngọt ngào giai đoạn trăng mật với Mancini và giấc mơ Champions League cũng trở lại tươi rói. Có Champions League, sẽ có sức thuyết phục đem về được nhiều sao lớn hơn (bên cạnh sức thuyết phục đầy uy lực là tiền bạc). Và cái ngày trên đỉnh vinh quang sẽ không còn xa…

Tuy nhiên, Chelsea thất bại trước M.U trong 3 năm qua là một minh chứng rằng không phải lúc nào, tiền cũng là chân lý. Phải đến khi tìm được Carlo Ancelotti, Chelsea mới có sự thay thế xứng đáng cho “Người đặc biệt” Mourinho. Nhưng đó cũng chỉ tính đến lúc này. Câu chuyện vẫn còn hạ hồi phân giải khi giai đoạn qua, Chelsea của Ancelotti đã thể hiện sự nhọc nhằn trên sân cỏ.

Trường hợp Mancini và Man. City hiện tại cũng thế. Một chuỗi 3 trận thắng chưa nói lên được gì. Đúng là họ đã có được hình ảnh tập thể hơn, vững vàng hơn, hừng hực khí thế hơn giai đoạn èo uột cuối thời Mark Hughes. Đúng là các ngôi sao như Carlos Tevez đã tìm lại sự hưng phấn mới mẻ. Nhưng, khi một đội bóng sa sút tìm lối thoát bằng quyết định thay đổi người dẫn dắt, hiệu ứng ban đầu thường như vậy. Các ông thầy “chữa cháy” dù thiên tài đến mấy cũng không thể đem lại liều thuốc tiên nhanh chóng biến bệnh nhân thành lực sĩ trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Chưa cần bì với Chelsea hay M.U, Man. City hiện nay hãy còn thiếu độ bền so với những đối thủ khác trong cuộc đua Top 4 là Liverpool, Tottenham và Aston Villa. Stoke, Wolves hay cả Blackburn đi chăng nữa chưa phải là phép thử thực sự cho Mancini, người chưa từng có kinh nghiệm dẫn dắt ở Premier League. Lịch thi đấu vừa qua có thể nói là lý tưởng để Mancini ra mắt suôn sẻ. Song cuối tuần này, chuyến đi tới Goodison Park sẽ gian nan hơn nhiều. Everton đang trong căn bệnh hòa từng ám ảnh Man. City (cả hai cùng đã hòa tới 8 trận mùa này, nhiều nhất Premier League).

Nhưng có lẽ, tiêu điểm thử thách Mancini và Man. City sẽ là trận derby giữa tuần tới. Cặp bán kết Cúp Liên đoàn này đã bị hoãn lại vì thời tiết xấu. Giờ trong bối cảnh mây mù ảm đạm ở Old Trafford còn City of Manchester hừng hực khí thế, nó càng đáng chú ý hơn. Liệu đây có là bước khởi đầu cho hồi cáo chung của đế chế Đỏ và sự trỗi dậy của quyền lực Xanh, cho một trật tự mới không chỉ ở thành Manchester mà còn ở cả Premier League? Câu hỏi này thì cần thời gian không chỉ một mùa giải để trả lời…

Lời kết

Từ một M.U đang sa sút tài chính đến một Man. City giàu xổi, bộ mặt bóng đá Anh đã thay đổi nhiều mà “thủ phạm” đi đầu chính là Abramovich! Tiền bạc giờ đóng vai trò chủ chốt. Đúng ra tiền bạc luôn quan trọng và quyết định tất cả. Nhưng trước đây, yếu tố này không nổi bật chút nào trong sự thành công của các đội bóng Anh như Liverpool quá khứ hay M.U trước thời Glazer. Họ đều không thổi bay đối thủ bằng sức mạnh của sổ séc.

Khi cựu Chủ tịch M.U Martin Edwards đưa Sir Alex về Old Trafford năm 1986, M.U như một người lạc lối, không thể tìm lại được những ngày tháng hào hùng thời Matt Busby. Quyết định lựa chọn Sir Alex và ủng hộ hết mình HLV này trong giai đoạn gian khó ban đầu của người đứng đầu CLB được coi là quyết định sáng suốt nhất lịch sử M.U. Từ đó đến nay, màu Đỏ thống trị bóng đá Anh dựa chủ yếu vào hai yếu tố là cái đầu khôn ngoan của Sir Alex và khả năng thương mại tháo vát xây dựng nên một thương hiệu lừng lẫy.

Các fan Man. City, Chelsea hay những đội khác đang hồ hởi nói đến cái ngày không xa mà màu Đỏ sẽ nhạt nhòa. Nhưng trước khi họ đặt hy vọng vào những tỷ phú, ông Hoàng hay vài nhà đầu tư mang tính cơ hội, có lẽ họ cần ngẫm nghĩ về tầm quan trọng của M.U với bóng đá Anh. Điều khác biệt giữa M.U với Man. City hay Chelsea là sức mạnh và thành công của họ được xây dựng, hun đúc từ nội tại, từ hệ thống tổ chức với tầm nhìn tốt và biết nhẫn nại. Nếu như M.U đang sa sút vì sự tham lam, cơ hội của những ông chủ Mỹ hiện nay thì phản ứng vui mừng từ các fan đối thủ là điều chẳng hay ho. Mô hình thành công và ổn định mà M.U đại diện cần là tiêu chuẩn mà các fan nên mong muốn đội bóng mình yêu mến học theo. Nhưng đáng tiếc, trong thời buổi mà sự nhẫn nại đã tuyệt chủng, kiểu thành công ăn xổi đang quá hấp dẫn với nhiều người…

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X