Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Premier League: Chuyền càng dài, thành công càng ngắn!

Chủ Nhật 18/11/2012 14:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một thời, bóng đá Anh nổi tiếng với lối chơi “chạy và sút”. Lối chơi phổ biến ấy chưa hoàn toàn mất đi, nhưng đã thay đổi nhiều vì sự tràn ngập của HLV và cầu thủ nước ngoài, đồng thời cũng vì chiến thuật bóng đá không ngừng thay đổi. Vấn đề đặt ra: các đội ở Premier League mùa này chuyền dài như thế nào?

Bóng ngắn lên ngôi

Nhìn vào bảng thống kê tỷ lệ chuyền dài (tức đường chuyền khoảng 25m trở lên) ở các đội bóng, chúng ta thấy ngay quy luật chung: đường chuyền càng dài thì thành công càng ngắn. Cả 3 ứng cử viên vô địch Premier League “nặng ký” nhất mùa này, cũng là 3 đội dẫn đầu sau 11 vòng đấu, đều nằm trong nhóm 6 đội có tỷ lệ chuyền dài ít nhất. Đó là M.U, Chelsea, Manchester City. Hai đội khác trong nhóm này cũng đều “có máu mặt”: Arsenal và Liverpool. Chỉ có một trường hợp đáng lưu ý là đội bóng nhỏ Swansea.

Tất nhiên, Swansea dưới sự dẫn dắt của HLV Michael Laudrup và dấu ấn của khá nhiều cầu thủ đến từ nền bóng đá TBN (như bản thân Laudrup) có lối chơi dựa vào những đường chuyền ngắn, đá nhuyễn “kiểu Barcelona”, là điều ai xem Premiership cũng đã thấy ngay từ đầu.

 

bóng dài thất thế

Ngược lại, các đội có tỷ lệ chuyền dài nhiều nhất đều không phải là “ứng viên vô địch”, thậm chí đa số chẳng có mục tiêu rõ rệt nào, ngoài ưu tiên số một là trụ hạng. Newcastle, Stoke, Reading, Norwich, West Ham, West Brom thuộc nhóm này. Reading có tổng số đường chuyền chưa bằng một nửa so với Arsenal, nhưng số đường chuyền dài của họ thì vẫn nhiều hơn. Newcastle có tổng số đường chuyền chỉ bằng 80% so với Arsenal, nhưng số đường chuyền dài lại nhiều gấp rưỡi.

Với một vài trường hợp cụ thể, việc chuyền ngắn hay chuyền dài hoàn toàn thuộc về lối chơi, như trường hợp Swansea đã nêu trên. Ngay trong hàng ngũ đại gia, đây cũng là đặc điểm đáng lưu ý. Cho dù thời buổi nay đã khác xưa, M.U của Ferguson vẫn còn giữ “nét Anh” nhiều hơn các đội bóng khác, thể hiện qua số đường chuyền dài cao hơn hẳn so với các đối thủ chính ở cuộc đua giành ngôi vô địch. Arsenal bây giờ đã thất thế hẳn so với M.U, Chelsea và Man City, chẳng còn hình ảnh rực rỡ như lúc họ vô địch Premier League mùa bóng 2003/04 mà không hề thua trận nào. Nhưng cách chơi của HLV Arsene Wenger vẫn không thay đổi. Đấy luôn là đội có số đường chuyền dài cũng như tỷ lệ chuyền dài ít nhất trên sân cỏ Anh.

Vấn đề nằm ở quan điểm?

Với quan điểm chắc ăn của nên bóng đá Italia, không có gì lạ khi HLV Roberto Mancini yêu cầu Man City hạn chế tối đa những đường chuyền dài: “Chuyền dài trong những tình huống không đảm bảo đưa bóng đến chân đồng đội thì chẳng khác gì chuyền bóng... cho đối phương”. Quan điểm của Ferguson lại khác: “Chuyền dài là con đường... ngắn nhất để đưa bóng đến khu vực có thể ghi bàn”. Sam Allardyce của West Ham cũng thuộc về trường phái này. Bài bản quan trọng nhất của West Ham luôn là chuyền dài về phía tiền đạo cao to Andy Carroll. Thật ra, chẳng phải vì West Ham có Carroll chuyên khai thác các đường bóng bổng. Bất cứ đội bóng nào do Allardyce huấn luyện đều có lối chơi dựa trên các đường chuyền dài.

Thế đâu là những trường hợp mà đường chuyền dài không thuộc về vấn đề lối chơi? Stoke City rõ ràng hơn cả, nhưng Newcastle cũng mang đặc điểm này. Họ chuyền dài đơn giản vì không có giải pháp nào khác hay hơn. Ở Stoke, đấy là cách đơn giản để thoát khỏi việc so tài giữa sân với các tiền vệ đẳng cấp cao của đối phương. Ở Newcastle, càng mất nhiều thời gian để đưa bóng về phía Demba Ba thì càng... lãng phí, bởi tiền đạo Demba Ba có tầm quan trọng quá cao và nhu cầu có bóng quá lớn trong đội bóng này.

Cứ chuyền về phía Demba Ba!

Demba Ba ghi đến 7/12 bàn cho Newcastle trong 11 vòng đầu mùa này. Tỷ lệ dứt điểm đúng hướng khung thành của anh là 40% và tỷ lệ ghi bàn trong những cú dứt điểm đúng hướng khung thành cũng là 40%. Rõ ràng: điều quan trọng nhất cần làm trong lối chơi của Newcastle là làm sao đưa bóng về phía Deemba Ba trên hàng tiền đạo càng nhanh, càng nhiều thì càng tốt.

Đội bóng nhỏ chỉ nên chuyền dài?

18 điểm sau 11 vòng đầu tiên - đấy là thành tích tốt nhất của West Ham trong kỷ nguyên Premier League. Lần cuối cùng West Ham có được cú khởi đầu tốt như thế này ở giải VĐQG Anh là mùa bóng 1986/87 (khi Premier League còn chưa được thành lập). Tính đến thời điểm này, số trận thắng trên sân đối phương của West Ham đã bằng tổng số trận thắng khi thi đấu xa nhà trong mùa bóng gần nhất mà họ góp mặt ở Premier League (2010/11).

Việc West Ham chỉ mới trở lại bảng ngoại hạng trong mùa này càng cho thấy thành công về điểm số vừa nêu là đáng chú ý. Đấy là thành công đến từ lối chơi chuyên chuyền dài, khi West Ham là một trong 5 đội có tỷ lệ chuyền dài cao nhất ở Premiership hiện nay?

So với West Ham thì West Brom còn thành công hơn (đứng thứ 5 với 20 điểm sau 11 vòng). Và West Brom cũng là đội có tỷ lệ chuyền dài khá cao.

Kinh Thi - Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X