Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Premier League chi gần 100 triệu bảng cho cò cầu thủ: Đã đến thời của sàn giao dịch tập trung?

Thứ Hai 02/12/2013 16:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong năm 2013, các đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh đã chi tổng cộng gần 100 triệu bảng cho những nhà đại diện cầu thủ, tương đương với mức phí giao dịch 12,15%. Dù là so sánh với các lĩnh vực khác hay với chính Premier League những năm trước thì mức phí này vẫn là quá khổng lồ và có lẽ đã sắp sửa đến thời của một sàn giao dịch cầu thủ.

Mức phí điên rồ

Hôm qua, báo giới Anh vừa tiết lộ một thông tin gây chấn động: tổng số tiền mà các CLB ở Premier League chi trả cho những tay môi giới cầu thủ đã lên tới gần 100, hay chính xác là 96 triệu bảng, trong giai đoạn từ 1/10/2012 đến 30/9/2013. Bản thân con số 96 triệu này chưa nói lên điều gì cả (phí hoa hồng cho riêng một thương vụ sát nhập doanh nghiệp cỡ bự còn lớn hơn thế nhiều), nhưng nếu đặt nó trong tương quan so sánh với tổng giá trị chuyển nhượng cầu thủ và mặt bằng phí môi giới trong những năm trước thì sự mất cân đối sẽ được thể hiện rất rõ.

Mức hoa hồng cho các tay môi giới cầu thủ tại Premier League là không hề nhỏ
Mức hoa hồng cho các tay môi giới cầu thủ tại Premier League là không hề nhỏ

Trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2013, 20 đội bóng tại giải Ngoại hạng đã bỏ ra tổng cộng 120 triệu bảng để chiêu mộ tân binh. Đến mùa Hè vừa qua thì con số này trở thành 670 triệu bảng, nghĩa là tổng chi phí mua sắm cầu thủ của Premier League trong giai đoạn 10/2012 – 9/2013 đạt khoảng 790 triệu bảng. Cũng có nghĩa, tỷ lệ hoa hồng trung bình trong các vụ chuyển nhượng lên tới 12,15% (=96 triệu/790 triệu). Tuy nhiên nên nhớ rằng 12,15% chưa phải là toàn bộ chi phí phụ trội mà các CLB Premier League phải thanh toán cho những vụ chuyển nhượng cầu thủ, bởi họ còn phải chi trả lệ phí xin giấy phép lao động (nếu có), phí đăng ký cầu thủ với Premier League và các khoản thuế khác. Chốt lại, “phí giao dịch” cho mỗi thương vụ chuyển nhượng ở Premier League trong 12 tháng trở lại đây có thể đạt 14-15% - một con số khủng khiếp so với hoa hồng môi giới trong những lĩnh vực khác. Lấy ví dụ, các giao dịch mua bán ngoại tệ hay chứng khoán thông thường sẽ có mức phí giao dịch từ 0,5-1%, mua bán sát nhập doanh nghiệp có phí từ 1-2%, mua bán nhà đất thường có phí cao nhất nhưng cũng không quá 5%. Cụ thể hơn nữa, các ngân hàng đầu tư và tổ chức tư vấn cũng chỉ đút túi khoảng 200 triệu USD tiền môi giới từ thương vụ sát nhập “siêu khủng” có giá trị lên tới 130 tỷ USD giữa hai hãng viễn thông Vodafone và Verizon hồi đầu năm nay, tức tỷ lệ hoa hồng xấp xỉ 1,6%.

Khác biệt giữa trời và đất

Tất nhiên sẽ là không hoàn toàn công bằng nếu chỉ dựa trên mặt bằng phí môi giới của các lĩnh vực khác để chỉ trích những tay cò cầu thủ ở giải Ngoại hạng “ăn dày” và các CLB tiêu tiền hoang phí, bởi mỗi thị trường có mức độ thanh khoản khác nhau. Trên thị trường giao dịch ngoại tệ hay chứng khoán, số lượng thành viên tham gia là cực lớn và cũng gần như không có phân biệt về chủng loại hàng hóa. Tuy nhiên trong thị trường chuyển nhượng cầu thủ thì tính thanh khoản kém hơn nhiều vì số CLB góp mặt là có hạn và bản thân mỗi cầu thủ là một “món hàng” đặc biệt và không thể thay thế. 1 triệu USD nào mà chẳng giống 1 triệu USD nào, dù chúng có số series khác nhau, nhưng Cristiano Ronaldo thì nhất định không giống với Lionel Messi và Gareth Bale cũng hoàn toàn khác Neymar. Vì thế, phí giao dịch trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ cao hơn so với các lĩnh vực khác là điều có thể hiểu được, nhưng con số 12,15% trong năm 2013 vẫn là quá cao.

Cùng kỳ năm trước, trong giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2012, các đội bóng tại giải Ngoại hạng đã đầu tư tổng cộng 750 triệu bảng (680 trong mùa Hè + 70 triệu trong mùa Đông) vào việc mua sắm cầu thủ mới, tức cũng xấp xỉ bằng năm 2013, nhưng mức chi cho những nhà đại diện cầu thủ lại thấp hơn nhiều. Theo số liệu do chính Premier League công bố thì con số này cũng chỉ đạt 70,6 triệu bảng, tương đương với 9,45% tổng giá trị các thương vụ chuyển nhượng. Xa hơn nữa, kể từ 2008 (năm đầu tiên mà Premier League bắt đầu công khai chi phí mà các CLB phải trả cho những tay cò cầu thủ) thì thu nhập của giới “cò” chưa bao giờ vượt quá 80 triệu bảng mỗi năm. Rõ ràng, mức 96 triệu mà các tay môi giới nhận được trong năm 2013 là một sự đột biến lớn.

Cần một sàn giao dịch

“Thủ phạm” khiến tổng chi hoa hồng tăng vọt là ai (chính xác thì là Chelsea và Man City) không thực sự quan trọng, quan trọng là mức tăng trưởng trong phí giao dịch này có tốt cho sự phát triển của giải Ngoại hạng hay không? Hoàn toàn không. Trong bất kỳ thị trường nào, sự gia tăng phí giao dịch đều không phải là điều tốt cho các bên tham gia mua bán. Khi người mua phải trả nhiều tiền hoa hồng hơn, về cơ bản thì họ sẽ trở nên chùn tay hơn trước món hàng mình muốn (hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ diễn ra nếu bạn phải trả thêm 5.000 đồng phí môi giới cho một bát phở trị giá 40.000 đồng, hoặc 50 triệu cho một chiếc xe ô tô trị giá 400 triệu?) và thị trường sẽ trở nên kém thanh khoản hơn. Khi bên mua và bên bán không thể tiến hành giao dịch, tất yếu là thị trường chuyển nhượng sẽ ít nhiều đánh mất chức năng vốn có của nó. Các đội bóng lớn không thể tăng cường lực lượng, các đội bóng nhỏ thì không thể gia tăng nguồn thu. Nếu xu hướng này vẫn được giữ vững và phí giao dịch tăng dần lên mức 20-30% mỗi năm thì còn có ai muốn mua bán cầu thủ nữa?

Phí giao dịch cao hiển nhiên là điều không tốt (chính xác thì đó là điều tốt cho các nhà môi giới, nhưng bộ phận này chỉ chiếm một số ít), vậy phải làm thế nào để hạ thấp nó xuống? Trả lời: cần thiết lập một sàn giao dịch tập trung có thu phí, nơi các CLB có thể đăng tải công khai nhu cầu mua/bán cầu thủ của mình, dưới sự giám sát và quản lý của một bên thứ ba. Đó có thể là cơ quan điều hành bóng đá như FIFA/UEFA (thực ra thì FIFA đang phát triển một dịch vụ gần tương tự có tên Global Player Exchange), hoặc cũng có thể là một công ty tư nhân (như Wyscout/Fieldoo, những sàn chuyển nhượng cầu thủ điện tử đầu tiên hiện nay). Mức độ thanh khoản nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh và vấn đề chỉ là mối quan hệ giữa cầu thủ với CLB có thể bị rạn nứt (tất nhiên Van Persie hay Torres sẽ không vui nếu biết M.U hay Chelsea công khai mong muốn bán họ), nhưng các bên tham gia có thể áp dụng những biện pháp bảo mật nhằm tránh cho thông tin đó bị tiết lộ rộng rãi. Ngay cả khi một vài ngôi sao cảm thấy “khó ở” đi nữa thì đó cũng là cái giá cần thiết cho sự phát triển của thị trường chuyển nhượng, và có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến sự ra đời của các sàn giao dịch cầu thủ tập trung chỉ trong 3-5 năm nữa thôi…

Theo Bóng Đá Toàn Cầu

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X