- Tấm vé Champions League, vì sao Liverpool xứng đáng sở hữu hơn Arsenal?
- Liverpool trở lại Top 4 Premier League: Xứng danh tinh thần bất diệt Kloppo
- Premier League khiêu chiến UEFA: Đừng dồn sư tử vào đường cùng
Chelsea của Antonio Conte đã giành chức vô địch Premier League 2016/17 và các chuyên gia đều công nhận sức mạnh của những đợt phản công là mấu chốt trong chiến tích của họ.
Có một nghịch lý đã diễn ra tại Premier League 2016/17: Arsenal thường xuyên chọn phong cách tấn công chủ động, nhiều trận kiểm soát bóng 70% trở lên nhưng chỉ có 77 bàn thắng sau 38 trận và chung cuộc xếp thứ 5. Còn Chelsea, họ chỉ cầm bóng trung bình 54% mỗi trận nhưng đã có được 85 bàn và sau cùng giành chức vô địch.
Cách đây khoảng 10 năm, đa số các đội bóng cố gắng chiếm lĩnh thế trận và kiểm soát trận đấu một cách toàn diện. Sau thành công của Barcelona thời Pep Guardiola và ĐT Tây Ban Nha thời Vincente Del Bosque, phong cách Tiki-Taka trở thành mốt thời thượng của bóng đá quốc tế. Khi mà lối đá này giúp Barca hay Tây Ban Nha trở nên không thể ngăn cản tại các giải đấu họ tham gia, càng có nhiều đội học hỏi họ hơn nữa.
HLV Guardiola từng đạt đến đỉnh cao nhờ triết lý kiểm soát trận đấu |
Nhưng bước ngoặt đã tới từ Inter Milan của Jose Mourinho năm 2010 khi họ tìm ra cách khắc chế Tiki-Taka. Với chiến thuật pressing ngay bên phần sân đối phương và tấn công chớp nhoáng ở đầu hai hiệp để lấy lợi thế, Inter đã loại Barca của Guardiola khỏi bán kết Champions League trước khi đăng quang tại giải. Mùa trước, cũng với một kế hoạch tương tự, Claudio Ranieri đã đưa Leicester City đến với chức vô địch Premier League lần đầu tiên trong lịch sử CLB.
Ở đó, Leicester chỉ kiểm soát bóng trung bình có 45%, tỷ lệ chuyền bóng chính xác đạt 71%, đều là những thông số thấp nhất nhì giải đấu. Thường xuyên phòng ngự đổ bê tông nhưng Bầy cáo đã không trở thành những chiếc bao cát để đối phương thỏa sức đấm đá. Họ áp sát rất nhanh và khi cướp được bóng ngay lập tức sẽ là những đường phất dài lên trên cho những cầu thủ tốc độ như Jamie Vardy rượt theo.
Nhưng hết Leicester của Ranieri... |
Công thức để chiến thắng trong bóng đá giờ đây đã không còn là tấn công chủ động. Để hoàn thành cú Decima lịch sử (chức vô địch châu Âu lần thứ 10) năm 2014, Real Madrid đã phải cân đối giữa phòng ngự, tấn công và kiểm soát bóng. Như ở bán kết với Bayern Munich của Guardiola, có thời điểm đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha chỉ cầm bóng xấp xỉ 30% song vẫn là những người chiến thắng chung cuộc (tổng tỷ số 5-0).
Phong cách chơi phản công ngày càng trở nên phổ biến. Sau Leicester mùa trước lại tới lượt Chelsea đăng quang tại giải đấu Premier League 2016/17 mùa này. Khi đối phương có bóng, có cảm giác cầu thủ Chelsea tập trung bên phần sân nhà rất đông. Tuy nhiên, ngay sau khi giành lại bóng, họ lại ập về phía trước như một chiếc lò xo và ghi bàn một cách chớp nhoáng. Đáng nói là ở chỗ xu hướng trọng phản công như The Blues không khiến cho số bàn thắng trong các trận đấu tụt xuống thậm chí là ngược lại.
...rồi Chelsea của Conte đã vô địch Premier League nhờ phản công |
Tại Premier League cách đây 10 năm, trung bình mỗi trận có 2.45 bàn được ghi. Từ mùa 2009/10 tới 2013/14, con số này dao động từ 2.77 tới 2.81. Trong 2 mùa giải vừa qua, số bàn thắng trung bình mỗi trận đạt 2.64 và chỉ riêng mùa gần nhất 2016/17 là 2.80, cao thứ 2 trong lịch sử hạng đấu cao nhất nước Anh từ khi rút gọn số đội tham dự xuống còn 20.
Trong thành công của Chelsea mùa 2016/17, hai ngôi sao tấn công Eden Hazard và Diego Costa chơi rất nổi bật. Tuy nhiên, người được Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) và Hiệp hội Nhà báo bóng đá Anh (FWA) bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất năm lại là tiền vệ đánh chặn N'Golo Kante. Đây là năm hiếm hoi một cầu thủ có xu hướng phòng ngự được vinh danh ở cấp độ cá nhân và nó cho thấy tầm quan trọng của khâu pressing trong bóng đá hiện đại.
Pressing đang trở nên quá phổ biến và để trở nên khác biệt thì người ta cần thay đổi cách vận hành để trở nên hiệu quả hơn.
Triết lý bóng đá thiên về kiểm soát thế trận chưa hoàn toàn biến mất. Vẫn có những người trung thành với nó mà HLV Guardiola là một ví dụ điển hình. Trong quá khứ, phong cách Tiki-Taka từng đưa nhà cầm quân người Tây Ban Nha lên đỉnh cao quốc nội và châu Âu, nhưng thời điểm này nó lại biến ông trở thành nạn nhân của những đối thủ giỏi áp sát. Trong mùa đầu tiên dẫn dắt Man City, Guardiola đã phải khốn khổ trước những Chelsea (thua 1-3, 1-2), Liverpool (thua 0-1, hòa 1-1) hay Tottenham (thua 0-2, hòa 2-2).
Man City thất bại mùa này khi đi theo phong cách Tiki-Taka |
Phát triển bóng từ phần sân nhà lên trên giống như Guardiola đang khuyến khích học trò tại Man City làm giờ chẳng khác nào chơi dao. Người ta đã không còn lạ với những đường chuyền “dọn cỗ” của hậu vệ Man xanh cho… đối phương ghi bàn với John Stones là điển hình. Và chính sự trung thành tuyệt đối với triết lý của mình lại khiến cho Guardiola có mùa giải đầu tiên tay trắng trên mọi đấu trường.
Bóng đá Anh có sự khác biệt lớn so với những nơi Guardiola đã đi qua như Tây Ban Nha hay Đức đặc biệt là nền tảng thể lực, tranh chấp tốt từ các đối thủ. Vì thế, chiến thuật mà đồng nghiệp Conte áp dụng cho Chelsea trở nên hiệu quả hơn hẳn Guardiola. Sơ đồ 3 trung vệ cùng phong cách phản công chớp nhoáng là nguyên nhân cốt lõi giúp CLB thành London đăng quang tại Premier League mùa vừa qua. Và trong mùa 2017/18 tới đây, chiến thuật mà Chelsea áp dụng hứa hẹn sẽ còn “hot” hơn nữa.
Sơ đồ 3 trung vệ của Chelsea trở thành trào lưu |
Xem thêm một số bài viết khác về Premier League 2016/17 trên trang bongda24h.vn:
Gia Vi (TTVN)