Thứ Hai, 25/11/2024Mới nhất
Zalo

Pháo “thủ” thế này mà muốn vào tốp bốn?

Thứ Ba 17/01/2012 14:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Arsenal đã để thủng lưới gần gấp đôi số bàn thua của đội đầu bảng Manchester City (16), chỉ thua ít hơn 5 bàn so với đội đứng đầu… tốp cầm đèn đỏ Queen Park Rangers, và còn thủ tệ hơn 6 đội đứng từ vị trí thứ 10 (chính là đối thủ Swansea, 25 bàn thua) cho đến thứ 15 (West Brom, 30 bàn thua). Đặt chỉ tiêu vô địch với một hàng thủ như thế này là điều không tưởng, và thậm chí, lọt vào tốp bốn cũng là bất khả thi.

Cứ theo “tiến độ” hiện tại (chừng hơn 1,4 bàn thua/ trận), thì Arsenal có thể kết thúc mùa bóng với… xấp xỉ 57 bàn thua, một con số phủ nhận hoàn toàn khả năng vô địch lẫn mục tiêu giành suất dự Champions League của họ. Trong kỷ nguyên Premier League, “kỷ lục” thủng lưới của một đội giành chức vô địch là 45 bàn thua (Manchester United vào mùa 1999-2000), và lần duy nhất có một đội thủng lưới quá 50 bàn mà vẫn giữ mình ở trong tốp bốn là trường hợp của Norwich vào mùa 1992-1993 (65 bàn thua), mùa Premier League đầu tiên, nhưng nên nhớ là năm ấy, giải có 22 đội và diễn ra trong 42 vòng đấu. Mùa 2004-2005, Chelsea đã vô địch chỉ với 15 bàn thua, và bây giờ, Arsenal đã thủng lưới hơn gấp đôi số ấy chỉ sau 21 vòng.

Điều khó hiểu là dù sở hữu những cầu thủ phòng ngự có chất lượng không tồi cả ở hàng hậu vệ lẫn tuyến tiền vệ, Arsenal vẫn nằm trong nhóm những đội phòng thủ tệ nhất của Premier League. Thậm chí về tính an toàn trong các quyết định phòng thủ, đội bóng của HLV Arsene Wenger còn là đội tồi nhất. Không có một đội nào ở giải Ngoại hạng thủng lưới nhiều từ sai sót trực tiếp dẫn đến bàn thua (9 bàn) và phản lưới nhà (4 lần) nhiều như Arsenal, với tổng cộng 13 bàn. Con số ấy cho thấy khả năng tự chủ rất thấp của hệ thống phòng ngự, và các quyết định do các cầu thủ phòng ngự của họ đưa ra hầu hết đều bất hợp lý, thậm chí là rất ấu trĩ.

Ở trận thua Swansea, các tiền vệ trung tâm Ramsey và Song thường xuyên rê dắt rồi mất bóng ngay ở trung lộ, chỉ cách khung thành chừng 35 mét, các hậu vệ thường xuyên chuyền ngang cẩu thả gần gôn và hệ số an toàn trong những cú phá bóng, giải nguy là rất thấp. Sức tập trung và khả năng chọn vị trí khi phòng ngự là điểm yếu của hàng thủ Arsenal, đặc biệt là ở vị trí của trung vệ Laurent Koscielny, nhưng rõ ràng là hệ thống phòng thủ mà ông Wenger đang xây dựng có quá nhiều bất ổn, mới khiến cho các cầu thủ chơi thiếu kỷ luật, sự thận trọng và thường xuyên mắc sai lầm cá nhân đến thế, dù họ không phải là những hậu vệ và tiền vệ tồi so với mặt bằng chung của Premier League. Ít nhất là so với các hậu vệ của Swansea, West Brom…

Sự suy giảm chất lượng lối chơi cũng đã góp phần “khuếch đại” những yếu kém trong phòng ngự. Trước Swansea, Arsenal chỉ cầm bóng với thời lượng 38,5%, tỉ lệ thấp nhất của họ kể từ mùa 2006-2007, mà họ vốn không phải một đội lì lợm và cần quyền kiểm soát bóng như một biện pháp phòng ngự. Cộng với tính đột biến thấp trong tấn công (chỉ có 28,4 % số đường chuyền của Arsenal được thực hiện trong 30 mét cuối cùng, chỉ hơn mình… Swansea, 20,9 %, ở giải Ngoại hạng), nếu cho rằng họ thủng lưới nhiều chỉ vì “hăng máu” tấn công thì đó là một sự ngụy biện. Arsenal mùa này chỉ ghi được 38 bàn, với hiệu số là +7, nhưng một nửa số bàn thắng được ghi bởi Robin van Persie.

Nếu tình trạng này không được cải thiện, Arsenal đừng hòng lọt vào tốp bốn, chứ đừng nói gì đến vô địch. Vì vấn đề không chỉ gói gọn ở cá nhân nào đó ở hàng thủ, hoặc hệ thống phòng thủ, mà bất ổn từ tuyến sau bắt nguồn từ cả lối chơi và cách triển khai nó cẩu thả, vô kỷ luật của họ.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X