Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Phân tích chiến thuật của trận derby thành Manchester: Moyes đích thực là "tội đồ"

Thứ Ba 24/09/2013 16:44(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Jose Mourinho đã nói rằng trong mọi hoàn ảnh, hễ đội nhà bại trận thì đồng nghĩa HLV trưởng phải chịu trách nhiệm chính. Bởi thế, chẳng trách David Moyes bị chỉ trích dữ dội nhất sau khi Man Utd thua tan tác ở trận derby thành Manchester mới đây. Tuy nhiên, ngoài cái "lẽ tất yếu" đó thì các chuyên gia cũng chỉ ra rằng chính Moyes đã mắc phải quá nhiều sai lầm trong việc bố trí đội hình, lối chơi mà chỉ cần qua phân tích riêng cuộc chiến nơi trung tuyến cũng có thể dễ dàng đi đến kết luận này.

Trước trận derby, tất cả đều khẳng định sự thành - bại phụ thuộc rất nhiều vào việc đội nào sẽ kiểm soát tuyến giữa tốt hơn mà nòng cốt ở đây sẽ là màn đấu tay đôi giữa Fellaini và Toure, có sự hỗ trợ của hai đối tác Carrick - Fernandinho bởi đơn giản, họ được xem là hai tiền vệ trung tâm hay nhất đội. Tất nhiên, người nào thắng là điều chẳng cần phải bàn cãi nhiều song vấn đề nằm ở chỗ: Fellaini không tệ như mọi người nghĩ, thậm chí còn tỏ ra không thua kém Toure bao nhiêu. Có chăng chỉ là Moyes đã chọn lối chơi và nhân sự không phù hợp, lại quá bảo thủ, khiến cho Fellaini có "tài thánh" cũng không thể xoay chuyển nổi cục diện.

Đầu tiên hãy nhìn vào tỷ lệ kiểm soát bóng. Con số thống kê đã chỉ ra Man Utd cầm bóng nhiều hơn (58%), vậy mà rốt cục chỉ ghi nổi đúng 1 bàn từ cú đá phạt trực tiếp của Wayne Rooney. Như thế, có thể thấy Man Utd đã không biết khai thác tốt ưu thế này hay nói một cách khác, cầm được bóng mà chẳng biết triển khai ra sao cho thật hiệu quả trong khi đối thủ thi đấu "đâu ra đấy", dựa trên một hệ thống chặt chẽ, qua đó tận dụng được tối đa những lần kiểm soát bóng để tổ chức những bài đánh đã được kỹ lưỡng chuẩn bị từ trước (chủ yếu khai thác sự chậm chạp nặng nề của bộ đôi Ferdinand - Vidic cũng như khoét sâu vào lỗ hổng giữa trung vệ và hậu vệ biên khi họ mải dâng lên tấn công). Tiếp đến, hãy chú ý đến bảng thống kê này

Yaya Toure

Thông số

Fellaini

1 Bàn thắng 0
52 Số đường chuyền thực hiện 65
86.5% Tỷ lệ chính xác 92.3%
28 Số đường chuyền chính xác trên sân đối phương 46
2 Số cơ hội tạo ra 0

Rõ ràng, xét trên nhiệm vụ quan trọng nhất của một tiền vệ trong môn thể thao vua (chuyền bóng) thì Fellaini ăn đứt Yaya Toure. Câu hỏi đặt ra: Tại sao Yaya Toure lại có được 1 bàn thắng và tạo ra được 2 cơ hội ăn bàn còn Fellaini là con số 0 tròn trĩnh. Phải chăng cầu thủ người Bỉ toàn chuyền vô nghĩa hay thiếu bộ não thông minh của một số 10 để tung ra được những đường chuyền sát thủ. Thứ nhất, cần phải nhắc lại rằng, Fellaini bản chất chỉ là một tiền vệ trung tâm đơn thuần chứ anh chưa bao giờ được nhìn nhận là một tiền vệ dẫn dắt lối chơi thứ thiệt, đặc biệt lại vừa gia nhập Man Utd chưa được bao lâu trong khi Yaya Toure đang trên đà hoàn thiện trở thành một nhạc trưởng của Man xanh (số pha kiến tạo thành bàn của Toure tăng dần đều theo thời gian). Thứ hai, biểu đồ dưới đây sẽ chứng minh vì sao Toure chuyền ít mà vẫn "ngon" còn Fellaini chuyền lắm thì lại "vứt đi"

Mũi tên màu đỏ đại diện cho chuyền dài, mũi tên màu xanh đại diện cho chuyền ngắn và trung bình
Mũi tên màu đỏ đại diện cho chuyền dài, mũi tên màu xanh đại diện cho chuyền ngắn và trung bình

Do ngay từ đầu, David Moyes đã chọn cho Man Utd đấu pháp cổ điển 4-4-2 (tức là sẽ tấn công chủ yếu từ hai biên) với hai tiền vệ trung tâm giăng ngang, chủ yếu làm công việc kiểm soát tuyến giữa và hạn chế lên tham gia tấn công (chứ không phải theo hình kim cương, cho phép một tiền vệ được dâng cao, sát hàng tiền đạo để hỗ trợ nhiều hơn). Bởi thế, không còn cách nào khác, Fellaini phải thường xuyên nhồi bóng sang hai cánh còn Toure với vai trò một nhà điều phối lối chơi cộng thêm cách đá chuyền ban ngắn, sử dụng nhiều các pha chọc khe, "thọc nách" đối phương (các tiền vệ cánh Man City thường xuyên bó vào trong, không tạt bổng nhiều mà chỉ hay căng ngang) nên những đường chuyền của anh có độ "thông thoáng" hơn nhiều. Ngoài ra, Fellaini hình như hoạt động hơi nhiều bên hàng lang cánh trái, hoàn toàn phù hợp với thực tế trận đấu khi trong hiệp 2, Moyes tung Tom Cleverley vào sân thế chỗ của Ashley Young, tiền vệ được giao quản lý cánh trái mà Cleverley vốn dĩ cũng đá ở khu trung tâm. Do đó, bảo sao Fellaini phải dạt ra cánh trái nhiều như thế nhằm hỗ trợ cho lão tướng Patrice Evra, người thường xuyên phải dâng lên rất cao tham gia tấn công bởi lúc đó, trên sân, ngoài anh ra làm gì còn ai biết tấn công biên nhưng ai cũng rõ Evra đã cao tuổi, tốc độ và thể lực đều suy giảm, khiến năng lực tấn công bị hạn chế nhiều. Còn Fellaini đâu có quen đá biên nên rốt cục cũng chỉ dừng lại ở các đường chồng cánh, chờ Evra băng xuống đón lấy rồi tạt vào chứ anh chẳng có lấy nổi một quả đường chuyền nào từ cánh vào vòng cấm địa.

Từ đây, đã đủ để quy kết trách nhiệm cho David Moyes. Cứ cho ông không sai khi sử dụng lối đá vốn lỗi thời (4-4-2), bất chấp từng giúp Man Utd thống trị nước Anh và châu Âu vì nhân sự hiện tại có vẻ không phù hợp (thiếu tiền vệ cánh giỏi, đẳng cấp như David Beckham và Ryan Giggs) nhưng trong giây phút nguy cấp và đội nhà lâm vào bế tắc, tại sao ông không mạnh dạn sử dụng Nani hoặc Kagawa (mùa trước, tiền vệ người Nhật rất nhiều lần đá cánh trái và thể hiện không tồi dù đây cũng chẳng phải sở trường của anh) cho vị trí tiền vệ trái mà lại đưa vào sân một tiền vệ trung tâm nữa. Cho đến tận tiếng còi mãn cuộc thì cũng chẳng thấy bóng dáng của Nani hay Kagawa đâu, khiến độ nguy hiểm của Man Utd chỉ đến từ cánh phải nơi "ong thợ" Valencia trấn giữ (nhưng tiền vệ người Ecuador cũng không có được sự hỗ trợ cần thiết từ đồng đội Smalling ở phía dưới vì sở trường của Smalling là ... trung vệ chứ không phải hậu vệ cánh). Kỳ lạ hơn, mặc cho mọi thứ diễn ra sờ sờ trước mắt, Moyes chẳng hề có động thái chỉ đạo nào mà cứ bắt các học trò "xuống biên và tạt vào" trong vô vọng. Ông hoàn toàn có đủ thời gian để điều chỉnh nhân sự hay thay đổi lối chơi (4-2-3-1, 4-3-3 hoặc cả 4-2-4 lạ mắt mà Ferguson nhiều lúc cũng xài) nhưng cuối cùng, ông chẳng làm gì cả mà chỉ bất động vô hồn trên băng ghế huấn luyện. Thật khó hiểu và không thể thông cảm.

Nếu những ai vẫn còn muốn bênh vực Moyes thì tin chắc sau khi phân tích hình ảnh này, sẽ phải từ bỏ ngay ý định "mù quáng" đó. Thừa hiểu, đội nào khống chế được trung tuyến thì sẽ nắm phần lớn cơ hội chiến thăng, thế mà không hiểu sao, cho đến thời điểm bị dẫn 4-0 và Young bị thay ra, Moyes lại bố trí khu vực giữa sân "mỏng manh" đến thế. Dường như ông quá tự tin vào khả năng và trình độ của cặp Fellaini (31) - Carrick (16) nên không hề bắt các cầu thủ đá cánh phải bó vào trong hỗ trợ lúc cần thiết mà chỉ yêu cầu họ hoàn thành nhiệm vụ ở cánh là được. Trong khi bên phía Man City, dù Pellegrini sở hữu trong tay hai tiền vệ trung tâm tài ba chẳng kém Yaya Toure (42) - Fernandinho (25) thì ông vẫn yêu cầu Nasri (8) phải thường xuyên chạy vào giữa phối hợp với đồng đội. Đặc biệt, ông đã đẩy trung vệ Natasic (33) lên cao hơn so với thủ quân Kompany chứ không ngang hàng như cặp Ferdinand - Vidic để biến cầu thủ trẻ người Serbia thành một máy quét nữa ở trung tuyến. Như vậy, chỉ tính riêng về mặt quân số ở trung tuyến thì Man City hoàn toàn áp đảo (6 so với 4) mà lại được xây dựng thành bố cục chặt chẽ chứ không rời rạc như đối thủ. Với cách bố trí này thì trách nhiệm, gánh nặng của Toure và Fernandinho đã được san sẻ bớt cho đồng đội xung quanh còn Carrick và Fellaini phải quán xuyến quá nhiều việc từ công đến thủ (bản đồ nhiệt cá nhân sau trận đấu cũng đã biểu hiện mức độ hoạt động đậm đặc của hai tiền vệ Man Utd trong khi các cầu thủ đá ở khu vực trung tâm của Man City không hề vất vả chút nào), lại thiếu người hỗ trợ nên bị lép vế là chuyện dễ hiểu.

Bên trái là cách bố trí đội hình của Man City, bên phải là cách bố trí đội hình của Man Utd
Bên trái là cách bố trí đội hình của Man City, bên phải là cách bố trí đội hình của Man Utd

Xem ra, Moyes đúng là đã quá non tay trong một trận đấu lớn. Quan trọng hơn, ông bảo thủ và cố chấp một cách kỳ lạ để rồi đẩy đội nhà vào một thất bại toàn diện, không gì chối cãi. Dù cho ở giải đấu mang tính đường trường như Premier League thì thua một vài trận đấu nhất định chưa chắc đã là thảm hoạ nhưng vào lúc này, bản thân David Moyes mà không chịu thay đổi tư duy, có những tính toán chiến thuật chính xác hơn cũng như đưa ra sự thay đổi lúc cần thiết thì có lẽ, thời kỳ suy tàn của Man Utd thực sự sắp bắt đầu.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X