Pep Guardiola và sứ mệnh chinh phục "pháo đài cuối cùng"
Thứ Bảy 05/05/2018 13:31(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Pep Guardiola không phải nhà phát minh, ông là người phát hiện. Từ thành công của Antonio Conte, Pep chinh phục "pháo đài cuối cùng" như một lời khẳng định rằng bóng đá tổng lực có thể sống trên đất Anh.
Premier League là pháo đài cuối cùng - Đó là cách huyền thoại Johan Cruyff và con trai Jordi nói khi nhắc đến nước Anh. Trên các diễn đàn bóng đá cấp cao, bóng đá Anh thường được nhắc đến với nhiều tranh cãi, còn Johan Cruyff quả quyết: Bóng đá tổng lực có thể "sống" được trên đất Anh.
|
Pep Guardiola hoàn thành giấc mơ chinh phục bóng đá Anh của người thầy vĩ đại johan Cruyff. |
"Chúng tôi nói rất nhiều về chuyện này", Pep Guardiola nhớ lại: "Trong bóng đá, độ dài của sân đấu như nhau. Ông ấy tin rằng chúng tôi có thể chơi thứ bóng đá mình muốn ở Anh, Trung Quốc hay bất cứ nơi đâu. Vẫn là 11 đấu 11, khoảng cách chẳng có gì thay đổi cả. Chỉ có một khác biệt duy nhất, cách cầu thủ di chuyển khi có và không bóng".
Mỗi năm một lần, Johan Cruyff và Pep Guardiola gặp nhau đánh golf và ăn trưa tại nhà hàng El Bulli thuộc Costa Brava. "Thánh Johan" dường như tìm thấy sợi dây liên hệ kỳ lạ của số phận với cậu học trò. Pep và Jordi lớn lên cùng nhau suốt thời niên thiếu, trước khi con trai nhà Cruyff chuyển tới Manchester.
Pep Guardiola trở thành "pivot" dưới tay của Johan Cruyff. Mang áo số 4, Pep trở thành chìa khóa để "thánh Johan" mở ra một kỷ nguyên tư tưởng mới cho Barcelona. Không còn dựa trên những cầu thủ giàu sức mạnh, văn hóa bóng đá của đội bóng xứ Catalonia dựa trên khả năng kiểm soát bóng của các cầu thủ, từ thủ môn cho đến trung phong.
Johan Cruyff đặt viên gạch đầu tiên, còn Pep Guardiola dựng trên đó cả một lâu đài. Năm 2008, huyền thoại người Hà Lan dùng ảnh hưởng cá nhân giúp Pep Guardiola ngồi lên ghế huấn luyện của Barca, vượt mặt Jose Mourinho. Phần còn lại là lịch sử, Pep làm sống dậy thứ bóng đá tổng lực của người thầy theo cách hợp thời hơn, thứ mà người ta từng có thời gọi là "tiki taka", trước khi Pep bảo rằng ghét cay ghét đắng tên gọi đó.
|
Pep Guardiola chứng minh bóng đá tổng lực có thể sống tốt ở Anh. |
Tám năm sau khi đã truyền bá thứ bóng đá tổng lực kiểu mới ra toàn thế giới, Pep Guardiola đến "pháo đài cuối cùng". Ngày đặt chân đến Etihad, xung quanh là những ánh mắt hoài nghi, Pep quả quyết: "Tôi cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để gia nhập đội bóng. Tôi cần thuyết phục cầu thủ chơi theo cách mà mình muốn họ chơi".
Trận thua trên sân King Power vào tháng 12/2016 như một minh chứng cho thấy sự bối rối của Pep trong năm đầu tiên ở Anh. Man City bị dẫn 3-0 chỉ trong vòng 20 phút, cuối trận họ thua 4-2. Leicester đã chơi theo đúng chất bóng đá Anh để đánh bại thứ bóng đá Pep ấp ủ truyền bá tại nơi đây.
Một phóng viên đặt ra câu hỏi về việc Man City không có pha đoạt bóng thành công nào suốt 30 phút đầu trận. Pep trợn mắt trả lời: "Tôi đếch phải huấn luyện viên dạy cướp bóng. Bóng hai như một khái niệm điển hình ở Anh, nơi có rất nhiều pha tranh chấp. Nhắc lại tôi không phải gã dạy cướp bóng".
Mùa giải đầu tiên trôi qua không như ý. Người ta tin Pep Guardiola không thể chinh phục được pháo đài cuối cùng, nơi mà bóng dài cùng sức mạnh thể chất là một nét văn hóa. Người Anh tự hào về điều đó, còn Pep thì không, giải pháp được Pep trình lên ban lãnh đạo Man City.
Rốt cuộc, hơn 200 triệu bảng được chi ra.
Pep nhìn ra ở môi trường bóng dài ở Anh khi bị khóa chặt trung lộ, các đội nhanh chóng triển khai bóng dài ra biên, nơi luôn có những cầu thủ chạy cánh sở hữu tốc độ của chiếc xe công thức 1. Pep Guardiola chia sẻ: "Mọi người nghĩ đơn giản là chuyền và kiểm soát bóng. Không hề. Chúng tôi thảo luận rất nhiều về khía cạnh phòng ngự"
|
Pep Guardiola cũng học được rất nhiều từ thành công của Antonio Conte. |
Nhìn ra vấn đề, Pep cũng nghĩ ngay ra cách khắc phục với bài học từ thành công của... Antonio Conte. Trước khi người đàn ông này đến Anh, ai cũng nghĩ thứ sơ đồ ba hậu vệ trăm năm nữa cũng không thể thành công tại nơi đây. Conte phá vỡ quan niệm đó bằng chìa khóa chính là việc sử dụng linh hoạt hai cầu thủ chạy cánh.
Đó là bài học cho Pep. Man City chi cả đống tiền cho những cầu thủ chạy cánh, hay nói cách khác là những hậu vệ biên có khả năng tham gia tấn công tốt giống Marcos Alonso của Chelsea. Kyle Walker, Benjamin Mendy và Danilo được mang về, vừa hỗ trợ tấn công cực tốt, vừa có đủ sức mạnh bịt hành lang biên trước các cầu thủ chạy cánh nhanh nhẹn của đối phương.
Nhờ những phát hiện đó, Pep Guardiola chinh phục "pháo đài" cuối cùng bằng thứ bóng đá được Johan Cruyff đặt nền móng. Ở thiên đàng, "thánh Johan" có lẽ đang mỉm cười vì cậu học trò xuất sắc.
Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về Pep Guardiola: Như Đạt (TTVN)