Dù việc Park Ji Sung rời Old Trafford không phải điều quá bất ngờ, nhưng với những người hâm mộ MU, cũng như các cổ động viên châu Á, thông tin tiền vệ người Hàn Quốc chia tay “Quỷ đỏ” cũng đã để lại nhiều cảm xúc tiếc nuối.
Rất nhiều các ngôi sao khi rời MU đều sự tiếc nuối trong lòng khán giả yêu mến đối bóng này, đó chắc chắn đều là những cầu thủ lớn, có cống hiến rất nhiều cho đội chủ sân Old Trafford. Park Ji Sung chưa phải là một cầu thủ thật lớn trong đội hình nhiều sao của MU, tuy nhiên sự cống hiến miệt mài suốt 7 năm qua của anh đã được ghi nhận, điều đó khiến cho việc rời của anh để lại nhiều tiếc nuối.
Một cái kết không bất ngờ
Chưa thể nói việc Park ra đi khiến nhiều cổ động viên cảm thấy hụt hẫng, vì dù sao đây cũng là một cái kết mà rất nhiều người đã mường tượng đến. Suốt 18 tháng qua, Park đã không còn được chỗ đứng trong đội hình chính của MU, xét một cách công bằng phong độ của tiền vệ người Hàn Quốc đã giảm sút và đây là nguyên nhân khiến cho việc ra sân trong đội hình chính của anh ngày càng thưa thớt.
Dù từng xem trọng những cống hiến của tuyển thủ Hàn Quốc, nhưng tại một đội bóng mà sự cạnh tranh lớn như tại MU, đồng thời đội bóng này lại luôn phải tìm cách để làm mới sức mạnh trước mỗi cuộc đua tranh thì việc những cầu thủ không còn thật hữu dụng như Park bị đào thải cũng là quy luật tất yếu (và khắc nghiệt) của bóng đá. Cũng chẳng phải Hè này mà ngay từ Hè năm trước đã rộ tin anh rời đi.Park Ji Sung rời MU là điều đã được dự đoán trước
Sau nửa cuối mùa giải 2010/11 thi đấu với phong độ không thật cao, Hè năm ngoái xuất hiện tin một số CLB tại Đức đánh tiếng sẵn sàng đón Park. Nhưng với nhiều lý do khác nhau, cầu thủ năm nay đã 31 tuổi này đã tiếp tục ở lại Old Trafford. Và sau mùa giải thường xuyên làm "kép phụ" thì anh cũng hiểu đã đến lúc Park phải ra đi.
Một chiêu bài nữa cũng có ít nhiều ảnh hưởng tới quyết định để Park ra đi là MU mới vừa đón nhận về một cầu thủ châu Á là Shinji Kagawa, cầu thủ người Nhật Bản. Với chiến lược về việc phát triển mạng lưới cổ động viên vẫn rất coi trọng thị trường châu Á thì Kagawa sẽ là người thay thế vị thế của Park để níu giữ tình cảm của người hâm mộ.
Ngay từ cuối mà giải vừa qua khi Kagawa đạt được thỏa thuận mới MU thì việc Park ở lại Old Trafford là không thật cần thiết. Chính vì thế, dù rất được lòng người hâm mộ châu Á nói chung, đặc biệt những người da vàng hâm mộ “Quỷ đỏ”, tuy nhiên, tất cả đều đón nhận việc chia tay Park như “một cái kết cần thì phải đến”.
Người châu Á bé nhỏ giữa lòng châu Âu hùng vĩ
Mùa Hè 2005, khi Ferguson đưa Par Ji Sung về Old Trafford từ PSV với mức giá chỉ vỏn vẹn 4 triệu bảng (cộng thêm một số khoản chi khác nữa tổng cộng chưa đầy 6 triệu bảng). Rất nhiều người đã nhìn nhận sự có mặt của Park tại Old Trafford lúc ấy không hẳn vì yếu tố chuyên môn, dù mùa giải 2004/05, chính những cú bứt tốc của Park đã khiến cho hàng thủ của MU “thở không ra hơi” khi hai đội gặp nhau ở Champions League.
Vẫn còn một chút nghi ngại gì đó về sự thích nghi của “Ngôi sao” bóng đá châu Á này tại đội bóng xếp vào hàng tốp các đội bóng hàng đầu lục địa già. Có lẽ chính chiến lược cần có cầu thủ châu Á trong đội hình của MU bắt đầu được khởi xướng từ đầu năm 2000 với bản hợp đồng “cho vui” Dong Fangzhuo, một tài năng trẻ không bao giờ lớn của bóng đá Trung Quốc đã ảnh hướng để đến Park khi anh xuất hiện.
Tuy nhiên chẳng cần đến việc chào đón hào nhoáng, những sự cố gắng miệt mài của Park đã giúp anh tìm được chỗ đứng trong lòng vị chiến lược gia khó tính như Alex Ferguson. Chính lối chơi cần mẫn, chịu khó di chuyển và cũng khá đa năng khi đá được cả ở hai cánh và trung tâm của tiền vệ người Hàn Quốc đã giúp anh trở thành một mảnh ghép có chất lượng của “Quỷ đỏ”.
Cách đây 4 năm, khi MU đăng quang ngôi vô địch Champions League trong một chiều mưa và nhiều nước mắt tại Luzhniki, Park Ji Sung lại không có tên. Ferguson đã cẩn trọng và sai lầm khi không điền tên Park vào danh sách 18 cầu thủ tham dự trận chung kết dù trước đó anh chơi khá hay. Vị chiến lược gia người Scoland đã phải lên tiếng xin lỗi sau trận đấu vì sự đối xử không công bằng đó.
Đó chắc chắn là một minh chức cho thấy cách đối xử đôi lúc thật thiếu công bằng vì màu da, nhưng Park Ji Sung đã biết bỏ qua điều đó để tiếp tục vươn đến những tầm cao mới. Tiếc rằng dù sau trận chung kết đó, cựu tuyển thủ Hàn Quốc đã 2 lần cùng MU tham dự trận chung kết Champions League nhưng đều thất thủ trước cùng một đó thủ là Barcelona (2009 và 2011).
Dù chưa được trọn hưởng niềm vui chiến thắng trong trận một trận chung kết Champions League, nhưng Park cũng gặt hái đủ mọi thành công cùng MU. Trong bộ sưu tập của mình anh có 4 chức vô địch Premier Leauge, 1 cúp Champions League, 3 League Cup, 1 Cúp VĐ các CLB thế giới. Điều đó đã giúp anh trở thành cầu thủ châu Á vĩ đại nhất tại trời Âu?
Có rất nhiều cầu thủ nổi tiếng của châu Á chơi bóng tại châu Âu và tạo được không ít tiếng vang như Ali Daei, Nakamura, Nakata,…hay các thế hệ tiền bối trước đó, nhưng nói chung không ai có thể thành công vang dội như Park Ji Sung. Anh đã trở thành người hùng của châu Á và cũng từ sự thành công của anh mà các CLB châu Âu cũng thay đổi cách nhìn về các CLB về các cầu thủ châu Á.
Minh chứng rõ nét nhất chính là ở MU, đội bóng này đã chi ra tới 16 triệu bảng để đón Kagawa. Dù tiền vệ người Nhật Bản có thăng hoa trong một hai mùa giải gần đây, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng gì để một CLB hàng đầu chi ra một số tiền như vậy cho một cầu thủ người châu Á, cũng chỉ mới thi đấu ở Bundesliga, giải đấu có tính cạnh tranh nằm ngoài tốp 3 châu lục.
Đó chính là những giá trị vô hình mà “người châu Á bé nhỏ làm được giữa lòng châu Âu hùng vĩ”- Một giá trị để đời.
(Theo Dân Trí)