Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Ozil đòi rời Arsenal: Đế chế Đức lụi tàn tại Emirates

Thứ Hai 13/10/2014 13:59(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Ngày trước, Arsene Wenger rất thành công với đế chế Pháp tại Highbury. Cách đây 2 năm, ông được hi vọng làm nên điều tương tự với một thế hệ người Đức ở Emirates.

Triều đại hoàng kim của Arsene Wenger rơi vào khoảng đầu thập niên 2000, khi ông liên tục mang về các danh hiệu cho Pháo thủ thành London trên nền tảng đội hình những cầu thủ đồng hương do chính ông khai quật và phát triển. Còn nhớ trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2004, Arsenal chính là một đội bóng cực mạnh ở Premier League. Họ có 3 chức vô địch Ngoại hạng trong thời gian đó, mà tiêu biểu là mùa giải bất bại đi vào lịch sử 2003/04. Cũng với bộ khung Vieira, Henry, Pires hay Wiltord (trước đó có cả Petit và Anelka), Pháo thủ đã từng vào tới Chung kết Champions League năm 2006. Đó chính là thế hệ cầu thủ cùng với huyền thoại Zinedine Zidane thống trị thế giới những năm 2000.

Thierry Henry
Thierry Henry là biểu tượng vĩnh cửu cho thế hệ người Pháp tại Emirates

Lối chơi của Pháo thủ thời đó cống hiến, kỹ thuật, tổng lực và trực diện. Họ không mong manh, dễ vỡ như bây giờ, mà trái lại như một cơn bão càn quét qua bất kì đối thủ nào dám ngáng đường. Họ tạo nên một cộng đồng fan Arsenal mê đắm cái đẹp vào thời ấy, và rồi lần lượt rẽ ngang sang những ngả đường khác nhau trong sự nghiệp: Vieira chuyển tới Serie A, Henry đầu quân cho Barcelona để thoả cơn khát Champions League, Pires về Villarreal “dưỡng già”, Anelka tiếp tục phiêu bạt đến một loạt chân trời nữa để khám phá, tìm hiểu. Sau khi loay hoay tìm một thế hệ ngoại binh tiếp nối truyền thống anh hùng của người Pháp đó, Giáo sư đặt niềm tin vào những người Đức.

Người đầu tiên manh nha khơi nguồn cho trào lưu người Đức ở Emirates là Lukas Podolski. Sau khi phiêu bạt từ Koln tới Bayern Munich, chân sút này được đặt tương đối nhiều kì vọng khi mới đặt chân tới Arsenal, và quả thực mùa đầu tiên anh chơi không đến nỗi tệ với một suất cố định trong đội hình chính thức. Với sở trường chơi tiền đạo cánh trái, Podolski thường được xếp chơi đúng vị trí mình mong muốn, đóng góp được một lượng bàn thắng đáng kể cho Pháo thủ. Thậm chí mỗi khi Giroud chấn thương, Podolski còn được xếp đá trung phong. Mùa giải năm ngoái dù cũng phải vật lộn với chấn thương, nhưng những đóng góp của số 9 cho lối chơi chung là không hề ít ỏi.

Mesut Ozil
Mesut Ozil có thể sẽ không bao giờ đạt được tầm ảnh hưởng như Henry tại Emirates

Cũng đã trở thành một trụ cột của CLB từ lâu, trung vệ Per Mertesacker luôn là lựa chọn số 1 của Arsene Wenger tại nơi trung tâm hàng phòng ngự với khả năng phán đoán tốt, chiều cao hoàn hảo cho những cuộc tranh chấp trên không cộng với sự nhiệt tình, máu lửa, luôn nỗ lực khuyến khích các đồng đội tiếp tục chiến đấu trong những nghịch cảnh. Thậm chí Mertesacker còn là đội trưởng của Pháo thủ sau khi Vermaelen rời đội. Trong mùa giải năm ngoái, Arsenal thậm chí còn mang về Emirates một bom tấn, bản hợp đồng kỉ lục của CLB mang tên Mesut Ozil, một người Đức gốc Thổ từ Real Madrid. Nhạc trưởng này được kì vọng sẽ mang đến làn gió tươi mới cho đội hình vốn không có những chân sút tốt (cho tới mùa trước) của Pháo thủ.

Thế nhưng thế hệ người Đức này lại không thành công trong mùa bóng năm nay. Người ta có cảm giác là bất kể Podolski có chơi xuất sắc đến mấy, có cống hiến nhiều và ghi nhiều bàn thắng đến mấy thì Giáo sư vẫn không coi anh là một ưu tiên hàng đầu trên hàng công Pháo thủ. Bằng chứng là trong mùa hè vừa rồi, ông đưa về sân Emirates một Alexis Sanchez chuyên chơi tiền đạo cánh, đồng thời đẩy Podolski lên ghế dự bị để trao cơ hội cho những Chamberlain hoặc Cazorla. Bên cạnh đó, Mesut Ozil cũng không còn là chính mình, khi tắt sáng thất thường với những vị trí không cố định trải dài từ hộ công đến tiền vệ cánh trái. Dù đã thể hiện khá hoàn hảo khi được xếp ngay sau lưng tiền đạo, nhưng không hiểu sao Ozil vẫn bị Wenger… đẩy sang cánh trái với ý đồ có vẻ khá lạ lẫm. Để rồi lúc này số 11 đang làm bạn với giường bệnh và chỉ có thể trở lại khi năm 2015 bắt đầu.

Những tài năng trẻ người Đức cũng không còn được Giáo sư đánh giá cao. Cầu thủ trẻ đầy triển vọng Thomas Eisfeld bị bán cho Fulham đúng lúc được đánh giá là đủ năng lực để cáng đáng một vị trí trong đội hình Một của Arsenal. Serge Gnabry nổi lên từ mùa trước, khi thay thế hoàn hảo cho vị trí của Walcott nhưng rồi cũng tắt ngấm khi mùa này bắt đầu. Trên sàn chuyển nhượng, cũng có những thông tin cho rằng Wenger đang theo đuổi Hummels, Draxler hay Ginter. Tuy nhiên, thành quả của những thương vụ này nhiều khả năng cũng là con số 0, bởi không thương vụ nào liên quan đến những người Đức mà Arsenal giành pole cả.

Giáo sư không hề giấu giếm ý định tạo nên một thế hệ người Đức mới ở Premier League, bởi sự tiến bộ vượt bậc và đào tạo cực quy củ, bền vững của nền bóng đá nước này. Có thể nói Giáo sư khá nhìn xa trông rộng khi Đức vừa lên ngôi tại World Cup 2014 vừa qua. Tuy nhiên khi mà ông không thể sử dụng được những cầu thủ Đức này theo đúng cách, số tiền mà ông đầu tư mua Podolski hay Ozil cuối cùng cũng chỉ lãng phí. CLB phí tiền, còn các cầu thủ Đức phí hoài những năm tháng tại Emirates…
 
Thành Nguyễn  

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X