Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Ở Premier League, Sir Alex vẫn vô đối

Thứ Ba 10/04/2012 13:17(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Người hâm mộ cuồng nhiệt M.U ở Việt Nam thường nhắc đi nhắc lại một câu đầy thách thức: "Trăm năm Kiều vẫn là Kiều. M.U vô đối là điều đương nhiên". Trong một mùa giải mà họ thảm bại ở Champions League lẫn Europa League, sự "vô đối" của M.U chỉ còn giới hạn trong nội bộ Premier League. Khác với mọi năm, ở mùa giải này, dấu ấn của Sir Alex Ferguson đậm nét hơn bao giờ hết.

Lần lượt hạ gục các đối thủ

Trước trận đại chiến với Man City ở Emirates, HLV Arsene Wenger của Arsenal thổ lộ rằng ông thấy nhớ những cuộc chiến tâm lý, khẩu chiến với Sir Alex. Thực ra, hiếm ai thắng được Sir Alex ở cuộc chiến này. Vị HLV người Scotland nổi tiếng là khôn ngoan, tinh quái, thậm chí là mồm mép, luôn biết cách tận dụng vị thế của mình để nói ra những câu có sức nặng ngàn cân. Nhưng chừng nào còn "được" khẩu chiến với Sir Alex, chừng đó đội bóng của bạn vẫn là đối thủ số 1 của M.U, là ứng viên nặng ký cho chức vô địch.

Wenger là đối thủ lâu năm nhất của Sir Alex, từ 1998 đến 2005, nhưng bây giờ chỉ là "bạn". Trước Wenger là Kevin Keegan, thời còn dẫn dắt Newcastle. Cũng là một đối thủ đáng gờm, cũng phải cần đến khẩu chiến. Nhưng chỉ cần 2 mùa thôi, Sir Alex đã hạ knock-out Keegan.

Alex ferguson
 

Sau Wenger là Jose Mourinho. Có thời điểm, người ta tin rằng Mourinho đã thắng toàn diện Sir Alex, kể cả trên mặt trận khẩu chiến. Chelsea của Mourinho vô địch Premier League hai mùa liên tiếp, 2004-05 và 2005-06. Chưa từng có đối thủ nào của Sir Alex làm được điều này, kể cả Wenger. Nhưng rồi đến mùa thứ 3, Sir Alex đã phản công, đã chiến thắng. Đến đầu mùa thứ 4, Mourinho đã phải ra đi.

Rafa Benitez là đối thủ bất ngờ khi giúp Liverpool cạnh tranh chức vô địch với M.U ở mùa 2008-09. Như Man City hiện tại, Liverpool của Benitez từng dẫn đầu BXH suốt nhiều tháng liền. Và như mùa này, M.U đã thực hiện cú tăng tốc thần thánh để vô địch mùa thứ 3 liên tiếp. Benitez chỉ là đối thủ trong ngắn hạn đối với Sir Alex mà thôi. Dù sao, trước khi rời Anfield, ông cũng đã biết được mùi vị khẩu chiến.

Carlo Ancelotti cũng là đối thủ trong một mùa. Cũng đã biết đến chiến thắng. Sau đó đi nốt.

Bây giờ đến lượt Roberto Mancini. Man City của ông là một mối đe dọa thực thụ đối với M.U. Sir Alex đã nhận ra điều này từ lâu khi Man City chỉ mới chi những đồng tiền đầu tiên vào TTCN. Không thể khinh thường sức mạnh của đồng tiền. Bài học Chelsea của thời Mourinho còn sờ sờ đó. Có lẽ nhờ có sự chuẩn bị tốt, Sir Alex đã hạ gục Mancini. Mùa tới, đối thủ của Sir Alex nhiều khả năng không phải là Mancini, mà là người thay thế ông. Chắc chắn vẫn nguy hiểm. Nhưng Sir Alex luôn sẵn sàng cho những thách thức.

Trong kỷ nguyên Premier League, các đối thủ lần lượt bại trận dưới tay ông. HLV người Anh có, người Pháp có, người Bồ có, người Tây Ban Nha không thiếu, người Ý có đến 2 đại diện. Nhưng vị tướng già "thất thập cổ lai hy" ấy vẫn vô đối.

Premier League đã nhanh chóng biến thành thế giới thu nhỏ với sự xuất hiện của các ông chủ ngoại quốc. Chủ Nga, chủ Mỹ, chủ Thái, chủ Ả rập... đã hội tụ ở đây. Nhưng M.U của Sir Alex vẫn thống trị.

Vì M.U có Sir Alex

Mùa 2011-12 có lẽ là mùa giải khó khăn bậc nhất của M.U trong lịch sử tham dự Premier League. Họ không vượt qua nổi vòng bảng Champions League. Họ bị loại một cách thích đáng ở Europa League. Họ gục ngã trước đội bóng hạng dưới ở Cúp Carling, ngay trên sân nhà. Họ hứng chịu thất bại lịch sử trước Man City ở derby. Họ mất thủ quân và trung vệ tốt nhất là Vidic trong 2/3 thời gian của mùa. Tương tự với trường hợp của Fletcher hay Anderson. Tổng cộng, có đến 15 cầu thủ M.U đã dính chấn thương và bị ốm ở mùa này. Có thời điểm, Carrick phải về đá trung vệ vì vấn nạn chấn thương. Có thời điểm, vị trí trong khung gỗ trở thành nỗi ám ảnh. Có thời điểm, phong độ của các tài năng trẻ như Phil Jones chỉ mang đến nỗi bi quan. Có thời điểm, họ yếu đuối một cách tội nghiệp, như hai trận thua liên tiếp trước Blackburn và Newcastle.

Đó là chưa kể những rắc rối bên lề. Giggs khởi đầu mùa giải với những rắc rối liên quan đến chuyện tình ái. Rooney cũng từng vi phạm kỷ luật này nọ. Đó là chưa kể Sir Alex không được cấp tiền để chữa cháy ở giai đoạn giữa mùa, để rồi tự mình tìm cách xoay xở, chọn giải pháp gọi Scholes trở lại.

Và trên tất cả, Man City bước vào mùa giải với "binh hùng, tướng mạnh". HLV Mancini của họ muốn gì được nấy, muốn mua ai đều được đáp ứng. Nhìn số tiền mà họ ném vào TTCN, nhìn những ngôi sao mà họ đã đưa về, có lẽ ngay cả đội bóng nổi tiếng giàu có như Chelsea cũng phát thèm. Trên các mặt báo, Man City từng được đánh giá cao hơn M.U về nhiều khía cạnh. Ngôi sao nhiều hơn. Đội hình có chiều sâu hơn. Guồng máy hoạt động trơn tru hơn, nhất là ở giai đoạn Man City rất dễ dàng ghi 3, 4 bàn vào lưới đối thủ.

Nhưng bây giờ, khi nhìn lên BXH, khoảng cách là 8 điểm và M.U đứng ở vị trí số 1. Điều gì đã xảy ra? Đâu là nguyên nhân giúp M.U thành công vượt mặt? Vì họ là đội bóng giàu truyền thống trong khi yếu tố truyền thống rất nhợt nhạt ở Man City? Vì họ bản lĩnh hơn, lì lợm hơn trong thời điểm quyết định? Hay vì họ đoàn kết trong lúc khó khăn còn đối thủ thì đánh nhau? Hay như lời của Mancini mới đây, vì M.U mạnh hơn về mặt lực lượng, có thể đá tốt dù thiếu nhiều trụ cột còn Man City chưa sẵn sàng giành chiến thắng khi thiếu Silva, Yaya Toure?

Rồi còn đó những câu hỏi về sức mạnh của M.U. Vì sao sự trở lại của Scholes lại giúp M.U gần như lột xác? Vì sao Valencia đột nhiên tỏa sáng trong giai đoạn 2? Vì sao De Gea từ tội đồ trở thành người hùng? Vì sao những cầu thủ chơi xuất sắc mùa trước như Chicharito, Berbatov, Nani, Vidic... chẳng có nhiều đóng góp mà M.U vẫn bay cao?

Rất nhiều câu hỏi. Rất nhiều thắc mắc. Và chỉ cần một câu trả lời là đủ: Vì M.U có Sir Alex.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X