Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Những vụ chuyển nhượng hụt đình đám nhất trong lịch sử bóng đá Anh (P2)

Thứ Sáu 07/06/2013 16:12(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Còn nhớ vài ngày trước, HLV Arsene Wenger đã phải thốt lên đầy tiếc nuối khi bỏ qua cơ hội ký hợp đồng với Gareth Bale vào năm 2007 để rồi sau đó tiền vệ người xứ Wales gia nhập Tottenham và dần toả sáng ở đây, đồng thời vươn lên đẳng cấp những tiền vệ cánh hay nhất Premier League. Trong làng túc cầu giáo, những sự tiếc nuối tương tự như vậy không phải quá hiếm gặp, thậm chí chính bản thân Wenger từng nhìn sai người đến vài ba lần. Nào hãy cùng điểm qua 10 trường hợp tiêu biểu nhất.

6. Alan Shearer (Từ Southampton sang Man Utd, 1992)


 

Shearer là tượng đài bất diệt của Premier League khi đang giữ kỷ lục về số bàn thắng ghi được ở giải đấu (260 bàn), bất chấp chưa bao giờ khoác áo một đội bóng lớn nào. Kể ra, nếu không hai lần từ chối Manchester United thì "sơ yếu lý lịch" của cựu tiền đạo này chắc chắn đẹp hơn nhiều. Trong đó cái lần Shearer "gạt" Man Utd để đầu quân cho đội bóng thần tượng thuở bé Newcastle đã trở nên quá nổi tiếng và được nhiều người biết tới (khi ấy, Blackburn đã đồng ý với mức phí chuyển nhượng do Man Utd đưa ra còn Shearer đã có buổi nói chuyện hết sức vui vẻ với Alex Ferguson. Tưởng như việc hoàn tất vụ chuyển nhuợng chỉ còn là vấn đề thời gian thì vào phút chót, Newcastle đã lật ngược cục diện một cách ngoạn mục. HLV của Newcastle lúc đó, Kevin Keegan đã dùng tình cảm thuyết phục thành công Alan Shearer đổi ý còn Blackburn bán cho đội nào mà chẳng thế, miễn trả đúng số tiền họ mong muốn, khiến Man Utd rơi vào cảnh "xót xa ngậm ngùi").

Tuy nhiên, câu chuyện nhắc đến ở bài viết này lại diễn ra trước đó 4 năm khi Shearer vẫn nằm trong diện "tài năng trẻ xuất chúng" ở Southampton. Năm 1992, cựu danh thủ hiện 42 tuổi đã làm giới chuyên môn phải chú ý đến bằng những màn trình diễn ấn tượng tại đội bóng xuất thân. Rất nhanh chóng, Man Utd đã tiếp cận Southamton và Shearer nhưng do sự chần chừ vì .... thiếu tiền, "Quỷ đỏ" đã đánh mất cơ hội, để "món hàng hot" Shearer rơi vào tay Blackburn với mức phí kỷ lụ nước Anh vào thời điểm đó (3.6 triệu Bảng). Shearer nhớ lại: "Đúng là Man Utd thực sự quan tâm đến tôi nhưng họ lại đề nghị tôi phải chờ đợi từ 3-4 tuần để họ còn thu xếp về mặt tiền bạc. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu họ muốn sở hữu thì hãy nhanh tay lên và chồng tiền ngay tức thì chứ 3-4 tuần là quá dài. Sau đó, tôi đã gặp gỡ và nói chuyện với Kenny Dalglish, HLV trưởng Blackburn cùng cộng sự. Blackburn cho tôi thời gian suy nghĩ từ 3-4 ngày về đề nghị của tôi và câu trả lời của tôi là đồng ý". Ai cũng biết Alan Shearer đã cùng Blackburn giành chức vô địch Premier League 1994-1995 một cách ngoạn mục (ở vòng đấu cuối cùng) và hơn .... Manchester United (lúc đó đang là ĐKVĐ) đúng 1 điểm. Chẳng những vậy, Shearer còn thâu tóm luôn cả danh hiệu "Vua phá lưới" lẫn "Cầu thủ xuất sắc nhất giải".

7. Cristiano Ronaldo (Từ Sporting Lisbon sang Liverpool, 2003)


 

Manchester United chưa chắc đã là đường băng thuận lợi để tài năng của Ronaldo cất cánh hoặc không có gì đảm bảo, Ronaldo sẽ có được vị thế như ngày nay nếu như vào năm 2003 "định mệnh", chàng tiền vệ điển trai người BĐN chọn một CLB khác bởi Man Utd đâu phải đội bóng đầu tiên biết đến cũng như tiếp cận Ronaldo. Chính xác, "địch thủ truyền kiếp" của Man Utd ở đảo quốc sương mù, Liverpool mới là đội phát hiện ra "viên ngọc thô" CR7, chỉ có điều do không muốn phá vỡ quỹ lương nên đã phải từ bỏ. Thêm vào đó, khi ấy, The Kop đang sở hữu một Harry Kewell nổi đình nổi đám với cái "kèo trái" ma thuật, do vậy không quá ham muốn một tiền vệ cánh nữa. Chiến lược gia người Pháp dẫn dắt Liverpool vào giai đoạn đó, Gerard Houllier đã từng tiết lộ: "Tôi đã quan sát Ronaldo thi đấu ở giải Toulon (giải đấu giao hữu mùa hè nổi tiếng vào loại bậc nhất châu Âu dành cho lứa tuổi U21) và quá ấn tượng trước những gì Ronaldo thể hiện. Do vậy, tôi đã lập tức tiếp xúc với Ronaldo nhưng cậu ta đòi mức lương quá cao, khiến tôi phải lắc đầu vì nếu đồng ý, sẽ phá vỡ cơ cấu lương hiện tại của đội bóng. Còn câu chuyện về sau như thế nào thì hẳn mọi người đã rõ. Ronaldo đã ra sân trong trận giao hữu với Manchester United và gây ấn tượng cực mạnh cho Sir Alex, khiến ông ấy mau chóng ra tay, nhất là những cố vấn của Fergie đều đồng loạt khuyên ông ấy cần tóm ngay Ronaldo. Song nói thực, tôi không quá hối hận về quyết định đó vì đội bóng chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng bất ổn trong trường hợp dành quá nhiều ưu đãi đặc biệt cho một cầu thủ mới, lại chưa thành danh".

8. Eric Cantona (Từ Nimes sang Sheffield Wednesday, 1992)


 

Với tài năng và cá tính của mình, King Eric thừa sức thành công ở bất cứ đội bóng nào (bằng chứng, trước khi gia nhập Man Utd, ông đã đưa Leeds tới chức VĐQG). Thực sự, "Quỷ đỏ" thành Manchester đã quá may mắn khi mời được ông về thi đấu, từ đó xây dựng ra được nền móng vững chắc của một đế chế thống trị nước Anh. Song nói như thế không có nghĩa phủ nhận công lao của Sir Alex Ferguson khi biết cách khai thác và phát huy tối đa cái tài thiên phú ẩn chứa bên trong một con người phức tạp và không lành tính mà nếu không khéo, chỉ có hỏng. Vào năm 1992, chắc chắn sự nghiệp của Eric Cantona và lịch sử của Man Utd sẽ rẽ sang một hướng khác nếu như Trevor Francis, nhà cầm quân dẫn dắt Sheffield Wednesday, cũng biết cách "đối nhân xử thế" với một cầu thủ sở hữu cái tôi cá nhân to đùng như Cantona.

Chẳng là khi đó, Cantona đang là cầu thủ khá nổi ở Pháp nhưng cũng không dễ quản lý (thay đổi CLB như thay áo, mỗi mùa chơi cho 1 đội). Nhận thấy tiềm năng của Cantona, HLV Francis đã mời danh thủ người Pháp tới nước Anh nhằm xem xét khả năng chiêu mộ. Để cẩn thận, Francis đề nghị Cantona trải qua giai đoạn thử việc và thế là, chạm vào lòng tự ái, cao ngạo của "vua Eric", khiến mọi thứ đổ vỡ. Sau này, trong một cuốn hồi ký, King Eric đã nhắc lại vụ việc: "Khi mời tôi, Francis đâu có nói phải trải qua thử việc. Tôi có mặt ở Sheffield Wednesday được một tuần và cứ nghĩ sắp được đặt bút ký vào bản hợp đồng. Luật sư riêng của tôi cũng cố gắng dàn xếp mọi việc một cách ổn thỏa. Tôi đã luyện tập như một cầu thủ của đội 1 và góp mặt trong một trận giao hữu, lập hẳn một cú hattrrick giúp họ thắng 4-3. Ấy vậy mà nào ai ngờ, đầu tuần kế tiếp, Francis bảo tôi hãy thử việc thêm 1 tuần nữa. Tôi, một tuyển thủ quốc gia Pháp đàng hoàng, đời nào lại chấp nhận cách hành xử như thế. Một mối quan hệ hợp tác tốt không thể nào khởi đầu dựa trên sự thiếu tin lưởng lẫn nhau". Ngay sau đó, Cantona đã bỏ Sheffield Wednesday để chính thức gia nhập Leeds United, chương mở đầu của một "Quỷ đỏ" huyền thoại.

9. Zinedine Zidane (Bordeaux to Blackburn/Newcastle, 1995/1996)


 

Bóng đá cũng như cuộc đời, đôi khi phải nhắc đến cái chữ "duyên". Người nhạc trưởng vĩ đại bậc nhất trong lịch sử làng túc cầu giáo nước Pháp thực sự không hề có duyên với cái đất nước nằm phía bên kia eo biển Manche khi từng hai lần bị từ chối. Năm 1995, sau khi giành chức vô địch Premier League, HLV Kenny Dalglish muốn tăng cường một tiền vệ giỏi cho tuyến giữa và ông đã nhắm đến Zidane, lúc đó đang bắt đầu được dư luận chú ý nhờ phong độ tại Bordeaux. Thế nhưng, ông đã phải hứng chịu gáo nước lạnh toát từ vị chủ tịch quyền uy Jack Walker bằng câu phát ngôn bất hủ: "Mua Zidane làm quái gì khi chúng ta đã sở hữu một Tim Sherwood tài ba (đương nhiên, cuối cùng danh tiếng của Sherwood chỉ bó hẹp trong phạm vi Blackburn nhỏ bé mà thôi chứ đâu vang xa khắp thế giới như "chàng hói" Zizou).

Một năm sau, thậm chí, Zidane còn bị đánh giá thê thảm hơn nhiều. Barry Silkman, một nhà môi giới cầu thủ tại Anh, đã bật mí một sự thật mà có lẽ Newcastle muốn chôn giấu cho đỡ "xấu hổ". Ông cho hay: "Tôi đã giới thiệu Zidane cho Newcastle vào đầu mùa giải 1996-1997 và chỉ chào giá có 1.2 triệu bảng. Sau một hồi xem xét, họ đi đến kết luận: Một cầu thủ như Zidane còn chẳng đủ trình độ và đẳng cấp chơi bóng tại First Division (giải hạng Nhất, kém Premier League một bậc) thì nói gì đến giải Ngoại hạng. Song 3 tháng sau, Zidane đã gia nhập Juventus đúng theo mức giá tôi đã đưa ra và hai năm sau, giá trị của Zidane đã tăng lên đến 48 triệu bảng. Newcastle rõ ràng đã mắc sai lầm quá lớn".

10. Diego Maradona (Từ Argentinos Juniors sang Sheffield United, 1978)


 

Hẳn Zidane sẽ bớt tủi thân phần nào khi bị chê "kém tài" nếu biết được rằng, ngay cả Diego Maradona, một trong hai "Vua bóng đá" muôn đời được công nhận rộng rãi của làng túc cầu, cũng từng bị một CLB Anh lắc đầu vì giá cả không tương xứng giá trị. Năm 1978, Maradona mới 17 tuổi và tài năng chưa phát lộ nhiều. Harry Haslam, HLV trưởng của Sheffield United, khi ấy đang chơi ở giải hạng hai Anh, đã hoàn toàn bị Maradona thuyết phục trong một trận đấu của Argentinos Juniors, đội bóng xuất thân của Thánh Diego. Ông đã báo cáo lên ban lãnh đạo và Sheffield lập tức liên hệ với Argentinos Juniors để hỏi mua. 200.000 bảng là mức giá được chốt lại nhưng sau một hồi suy tính, Sheffield cảm thấy mức đó vẫn quá chát với một cầu thủ trẻ nên đã từ bổ và chuyển sang Alex Sabella, cầu thủ của River Plate, phần nhiều vì giá cả phải chăng hơn (có 160.000 bảng). Vậy là, chỉ vì tiếc 40.000 bảng, Sheffield United đã bỏ qua một thiên tài bóng đá mà đến giờ, giỏi lắm chỉ có thêm Lionel Messi nhận được sự trọng vọng tương tự. Còn gương mặt họ đưa về dần rơi vào quên lãng, thậm chí Sheffield United phải chịu thêm nỗi đau ... rớt hạng.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X