Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Những vụ chuyển nhượng hụt đình đám nhất trong lịch sử bóng đá Anh (P1)

Thứ Năm 06/06/2013 17:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Còn nhớ vài ngày trước, HLV Arsene Wenger đã phải thốt lên đầy tiếc nuối khi bỏ qua cơ hội ký hợp đồng với Gareth Bale vào năm 2007 để rồi sau đó tiền vệ người xứ Wales gia nhập Tottenham và dần toả sáng ở đây, đồng thời vươn lên đẳng cấp những tiền vệ cánh hay nhất Premier League. Trong làng túc cầu giáo, những sự tiếc nuối tương tự như vậy không phải quá hiếm gặp, thậm chí chính bản thân Wenger từng nhìn sai người đến vài ba lần. Nào hãy cùng điểm qua 10 trường hợp tiêu biểu nhất.

1. Yaya Toure (Từ Beveren sang Arsenal, 2003)

 

Ai cũng biết Yaya Toure và Kolo Toure là hai anh em ruột, cùng trưởng thành từ cái nôi ASEC Mimosas, lò đào tạo nổi tiếng hàng đầu Bờ Biển Ngà. Nhưng đến khi trưởng thành, mỗi người đi theo một hướng: Kolo gia nhập Arsenal còn Yaya đầu quân cho Beveren, đội bóng Bỉ có sự liên kết chặt chẽ với ASEC Mimosas. Khá ấn tượng với Kolo nên năm 2003, Arsenal quyết định thử việc nốt người em trai song Yaya đã không tạo được ấn tượng quá mạnh cho đội ngũ tuyển trạch viên của đội bóng cũng như HLV Wenger. Cộng thêm với những rắc rối nảy sinh từ việc xin giấy phép lao động tại Anh cho Yaya Toure nên Wenger đành từ bỏ mục tiêu sở hữu Yaya.

Trong một bài phỏng vấn, Wenger đã kể lại sự việc: "Anh ta (Yaya Toure) đã chơi trận giao hữu trước mùa gặp Barnet trong vai trò hộ công và nói thực, màn trình diễn chỉ trên mức trung bình. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn quyết định ký hợp đồng với Toure. Chỉ có điều để xin được hộ chiếu EU và giấy phép lao động ở Anh, những điều kiện bắt buộc với một cầu thủ chơi bóng tại quốc đảo sương mù thì tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức. Trong khi Yaya Toure không phải mẫu người kiên nhẫn và chịu chờ đợi nên đã gật đầu với Metalurh Donetsk, một đội bóng của Ukraine". Về sau, Yaya Toure đã tiến từng bước vững chắc trong sự nghiệp cầu thủ khi gia nhập Olympiakos (Hy Lạp), Monaco (Pháp) và bắt đầu nổi danh từ thời gian khoác áo FC Barcelona. Giờ đây, anh đang là chủ lực không thể thay thế nơi tuyến giữa Manchester City.

2. Michael Laudrup (Từ Brondby sang Liverpool, 1983)

 

Bên cạnh việc là một trong số ít danh thủ từng khoác áo cả Real Madrid và Barcelona thì Laudrup "anh" (đương kim HLV trưởng Swansea còn có 1 người em trai cũng rất nổi tiếng: Brian Laudrup đã từng thi đấu cho AC Milan, Chelsea, Bayern Munich, Ajax) còn được công nhận là huyền thoại bóng đá vĩ đại nhất đất nước Đan Mạch trong thế kỷ 20. Hiện giờ, ông đang làm việc và sinh sống ở Anh nhưng lẽ ra, ông đã biết tới Premier League sớm hơn nhiều nếu như không khúc mắc trong chuyện hợp đồng với Liverpool, từ đó dẫn đến sự đổ vỡ. Năm 1983, khi mới 18 tuổi và vẫn trong diện "sao tiềm năng" tại quê nhà, Laudrup đã lọt vào tầm ngắm của Liverpool, lúc ấy là một thế lực hàng đầu nước Anh cũng như cả châu Âu. Rất nhanh chóng, việc đàm phán được hoàn tất tuy nhiên cả hai lại không thể nào đi đến sự thống nhất về thời hạn của hợp đồng mà nguyên nhân chính nằm ở sự "lật lọng" của The Kop.

Bực mình trước thái độ "tiền hậu bất nhất" của Liverpool, Laudrup đã từ chối đặt bút ký vào bản hợp đồng, bất chấp bị nhiều người coi là "điên khùng". Sau đó, Laudrup đã chuyển đến Juventus, trải qua 4 năm đầy thành công ở đây trước khi đặt chân lên mảnh đất TBN, lần lượt kinh qua hai tên tuổi lớn nhất xứ bò tót. Nhớ lại chuyện xưa, Laudrup cho hay: "Ban đầu về mặt cơ bản, tôi và Liverpool đã đồng ý bản hợp đồng kéo dài 3 năm. Tất cả chỉ còn chờ được cụ thể hoá bằng giấy trắng mực đen mà thôi. Ấy thế mà, hai tuần sau, họ liên lạc lại với tôi và bảo rằng: mọi điều khoản của hợp đồng vẫn được giữ nguyên, ngoại trừ thời hạn ràng buộc phải tăng lên 4 năm bởi tôi còn quá trẻ, cần thời gian để phát triển. Tôi vô cùng thất vọng trước sự tráo trở và không tôn trọng của Liverpool dù giữa chúng tôi mới chỉ thoả thuận bằng miệng. Do đó, sau một hồi suy nghĩ, tôi đã nói không với họ, làm không ít người phải sốc và "dè bỉu" vì đơn giản, hồi đó, làm gì có cầu thủ trẻ nào cưỡng lại nổi sức hấp dẫn của một đội bóng lớn như Liverpool. Còn tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng: Cái gì đã được cam kết và thống nhất từ đầu thì cần phải được tôn trọng tối đa".

3. Zlatan Ibrahimovic (Từ Malmo sang Arsenal, 2000)

 

Trong vụ việc này, Wenger gặp thất bại bởi quá cứng nhắc trong quan điểm chiêu mộ hoặc cũng có thể, tự dưng con mắt nhìn người vốn rất tin tường của ông bị "mờ". Năm 2000, Wenger nằm trong số ít chiến lược gia phát hiện ra tiềm năng to lớn của Ibrahimovic, lúc đó đang khoác áo CLB Malmo tại quê nhà Thuỵ Điển. Bản thân Ibra cũng quá hứng thú trước cơ hội gia nhập binh đoàn "Pháo thủ" đang cùng Man Utd "làm mưa làm gió" ở Premier League. Nhằm loại bỏ những đối thủ cạnh tranh, Arsenal đã nhanh tay gửi tặng Ibra chiếc áo số 9 của đội bóng có in tên tiền đạo này trên đó, đồng thời gấp rút liên hệ với Malmo và đạt được thoả thuận sơ bộ trị giá 3 triệu bảng. Những tưởng, ngày Ibra gia nhập Arsenal không còn bao xa thì bất ngờ, mọi sự đổ bể vào phút chót.

Sau này, Ibra đã lên tiếng tiết lộ lý do không chuyển đến Arsenal: "Họ đã tặng tôi chiếc áo số 9 có in đàng hoàng cái tên Ibrahimovic, khiến tôi không thể không sung sướng. Thế nhưng tôi cứ chờ đợi mãi mà không thấy Arsenal có thêm động thái gì nhằm thuyết phục tôi. Wenger cũng chẳng tỏ ra quá mặn mà trong việc mời mọc tôi hay đưa ra lời đề nghị thưc sự nghiêm túc mà chỉ nói mây câu khiến tôi tự ái khi đề nghị tôi phải trải qua giai đoạn thử việc. Làm sao tôi chấp nhận cách đối xử như thế nên đã lắc đầu". Còn Wenger lại thanh minh theo hướng nhẹ nhàng hơn nhiều: "Tôi chỉ yêu cầu Ibra thực hiện một buổi tập nhẹ với đội 1 như một thủ tục cần thiết nhưng Ibra lại không muốn. Vậy thì tôi còn làm được gì nữa". Chẳng rõ, "ai đúng ai sai" ở đây, chỉ biết rằng, một năm sau, Ibra đã chuyển sang khoác áo Ajax Amsterdam, bước đệm quan trọng để anh tiến lên những nấc thang mới trong sự nghiệp khi lần lượt toả sáng ở Juventus, Inter Milan, AC Milan và nay là PSG, qua đó nằm trong số những tay săn bàn hay nhất lục địa già (anh chỉ nhạt nhoà trong 2 năm thi đấu ở Barca, phần nhiều do không phù hợp với lối chơi, nhãn quan chiến thuật của Josep Guardiola chứ không phải kém tài). Còn Arsenal đã bỏ ra 8 triệu bảng để mang về chân sút "siêu lởm" Francis Jeffers sau khi bị Ibra từ chối.

4. Andriy Shevchenko (Từ Dynamo Kiev sang West Ham, 1994)

 

Đúng là, cựu danh thủ người Ukraine đã trải qua cơn ác mộng khi thi đấu tại Premier League trong màu áo Chelsea tuy nhiên không có nghĩa Sheva không đủ năng lực thành công ở đây. Thử đặt giả thuyết Shevchenko đến nước Anh sớm hơn, khi vẫn còn trẻ, tràn đầy sung sức và nhiệt huyết thì biết đâu đấy, anh sẽ toả sáng lung linh như quãng thời gian khoác áo AC Milan. Lẽ ra, cơ hội đó đã đến với Shevchenko nếu như không bị chê vì .... đắt. Chẳng là, năm 1994, khi mới 18 tuổi và vừa lên đội 1 Dynamo Kiev chưa được bao lâu, Shevchenko đã được giới thiệu cho Harry Redknapp, nhà cầm quân lão làng lúc đó dẫn dắt West Ham. Redknapp nhớ lại: "Một ngày, tôi và cha của Frank Lampard (cũng là một cựu cầu thủ với phần lớn sự nghiệp gắn bó với West Ham. Sau đó, nhiều năm ông làm trợ lý cho Harry Redknapp tại West Ham. Giữa họ tồn tại mối quan hệ họ hàng gần. Còn ai cũng biết, Lampard "con" trưởng thành từ chính West Ham - PV) đã bị hai nhân vật bí hiểm tiếp cận. Họ nói rằng đang làm ăn kinh doanh ở Ukraine và muốn tôi xem giò vài gương mặt trẻ sáng giá đến từ đất nước này. Phần vì nể sợ cũng như xen lẫn tò mò, chúng tôi đã đồng ý cho những chàng thành niên này thử việc. Một trong số đó đã ra sân trong một trận đấu của đội dự bị West Ham và ghi được bàn thắng. Bởi thế, chúng tôi quyết định thu nạp cậu ta nhưng bên Ukraine hét giá đến 1 triệu bảng. Frank chê quá đắt và tôi cũng nghĩ như vậy. Tên của cậu ta chính là Andriy Shevchenko. Về sau, khi Shevchenko đầu quân cho AC Milan và toả sáng, tôi đã đôi lần trách móc Frank".

5. Didier Drogba (Từ Le Mans sang Arsenal, 2002)

 

Thêm một ngôi sao tầm cỡ thế giới bị Wenger bỏ qua vào thời điểm chưa thành danh. Năm 2002, chàng trai đến từ đất nước Bờ Biển Ngà, mới tạo dựng được chút ít tiếng tăm nhỏ bé ở Le Mans, đội bóng đang chơi ở giải hạng 2 Pháp. Tuy nhiên, với tai mắt dày đặc ở quê hương, Wenger đã biết tới cái tên Drogba (lưu ý, bao năm qua, Pháp luôn là nguồn cung cấp cầu thủ chính cho Arsenal). Ông đã cử người theo dõi chặt Drogba, chỉ có điều đến lúc cần ra tay, ông lại cảm thấy tiếc .... 100.000 bảng (hãy nhớ rằng, năm 2004, Chelsea đã phải bỏ ra tới 24 triệu bảng để chiêu mộ chú "Voi rừng Phi Châu" này từ Marseille song hiệu quả của khoản đầu tư ra sao thì có lẽ không cần phải nhắc lại). Có lần, Wenger đã tâm sự về trường hợp Drogba trong sự tiếc nuối: "Chúng tôi đã giám sát cậu ấy rất kỹ càng khi còn thi đấu cho Le Mans. Tất nhiên, Arsenal không phải là đội duy nhất dành sự quan tâm cho Drogba nhưng với mối quan hệ của mình cùng danh tiếng, Arsenal thừa khả năng chiêu mộ thành công Drogba. Tuy nhiên, chúng tôi lại có cảm giác Drogba có vẻ chưa hoàn toàn sẵn sàng cho một bước ngoặt quan trọng của sự nghiệp cầu thủ. Đó thực sự là một sai lầm to lớn nhưng trong bóng đá, những chuyện như vậy là hết sức bình thường. Mới cả, khi ấy, Thierry Henry đang chơi quá tốt, khiến cho Arsenal xao nhãng với Drogba dù vẫn theo dõi chặt để rồi đến lúc nhận ra thì đã quá muộn".

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X