Chủ Nhật, 24/11/2024Mới nhất
Zalo

Những thương vụ hè sáng suốt và "hoài nghi" nhất tính đến thời điểm này tại Premier League

Thứ Tư 19/06/2013 16:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Dù còn quá sớm để đánh giá về khả năng thành công của một tân binh ở giải Ngoại hạng Anh mùa tới bởi đơn giản, còn vài tháng nữa, mùa bóng mới chính thức khởi tranh và các đội còn biến động nhiều về mặt nhân sự từ nay cho đến thời điểm đóng cửa TTCN nhưng hãy tạm đánh giá một cách tổng quan (dựa trên thực lực, trình độ của cầu thủ cũng như sự cần thiết với đội bóng) vài gương mặt mới được các CLB Premier League mang về trong những ngày qua

George Boyd (Hull City)

 

Chắc chắn đội bóng vừa giành quyền thăng hạng Premier League sẽ phải ráo riết bổ sung lực lượng trong trường hợp muốn trụ lại giải đấu hoặc chí ít cải thiện được thành tích đáng buồn ở mùa gần nhất được góp mặt ở hạng đấu cao nhất nước Anh (thắng đúng 6 trận trong mùa giải 2009-2010 và đứng cuối BXH). Vẫn biết với tiềm lực tài chính hạn hẹp, Hull City chỉ có thể chiêu mộ nổi những gương mặt "trung bình khá" nhưng nếu khôn ngoan và tỉnh táo, ban lãnh đạo đội bóng này hoàn toàn có thể kiếm được vài cái tên "ngon lành", đủ sức cải thiện chất lượng và sức đua tranh của toàn đội. Vì thế, Hull City cần phải tránh thu nạp những cầu thủ cỡ như George Boyd. Tiền vệ người Scotland không quá tệ (có thể đảm nhận nhiều vị trí ở tuyến giữa) nhưng anh chưa từng có kinh nghiệm thi đấu ở Premier League nên dù cho đã để lại không ít ấn tượng tại giải hạng Nhất thì chẳng có gì đảm bảo, Boyd sẽ thành công ở một đấu trường khốc liệt, có trình độ và đẳng cấp hoàn toàn vượt trội so với cái "ao làng" mà Boyd vẫy vùng nhiều năm (bởi nếu anh giỏi thật sự thì đã có cơ hội chơi bóng tại đây từ lâu rồi chứ chẳng phải chờ đến bây giờ). Bên cạnh đó, Boyd (sinh năm 1985) không còn quá trẻ để có thể tạo ra sự bứt phá mạnh trong sự nghiệp.

Dejan Lovren (Southampton)

okore
okore

Do phải chịu số bàn thua quá nhiều ở mùa vừa rồi (60 bàn, chỉ hơn đúng 4 đội) nên chẳng có gì khó hiểu khi gương mặt đầu tiên mà Southampton mua trong kỳ chuyển nhượng hè là một trung vệ: Dejan Lovren từ CLB Lyon (Pháp) với mức phí 8.5 triệu bảng. Tuy mới 23 tuổi nhưng Lovren đã khẳng định được mình tại Ligue 1 trong mấy mùa gần đây cũng như thường xuyên có mặt trong thành phần ĐTQG Croatia. Song Lovren chưa leo đến vị thế "bất khả xâm phạm" ở cả hai cấp độ (bằng chứng, số trận ra sân nhiều nhất của Lovren trong một mùa giải mới chỉ dừng lại ở con số 26. Đó là chưa tính toán cụ thể xem có bao nhiêu trận Lovren xuất hiện ngay từ đầu). Do vậy, Lovren không dễ kiếm được chỗ đứng trong đội hình The Saint, đặc biệt trong bối cảnh anh sẽ cần không ít thời gian làm quen với môi trường bóng đá mới, chưa bàn đến việc có hoà nhập được hay không.  Xem ra, Southampton đang chơi một canh bạc lớn với Lovren.

Valentin Roberge (Sunderland)

 

Chẳng hiểu được ai tư vấn mà Paolo Di Canio, chiến lược gia đầy cá tính người Italia giúp "Mèo đen" thoát hiểm ngoạn mục mùa trước, đã thu nạp Valentin Roberge, một gương mặt hoàn toàn vô danh trong làng bóng đá châu Âu với bản lý lịch vô cùng tầm thường. Ba mùa vừa qua, hậu vệ 26 tuổi người Pháp trưởng thành từ các giải đấu cấp thấp tại quê hương thường xuyên được ra sân ở Maritimo, một CLB nhỏ bé tại BĐN (đứng thứ 10 giải VĐQG mùa trước) nhưng như thế rõ ràng là quá ít ỏi để người ta có thể tin vào khả năng thành công của Roberge tại xứ sở sương mù. Có thể tin rằng Roberge mà không được gắn thêm hai chữ "miễn phí" trên người thì tin chắc, Di Canio không đời nào thèm ngó ngàng tới. Dù gì, gia tăng quân số bằng những cầu thủ như vậy cũng có thể xem là một giải pháp đầy khôn ngoan với những CLB nhỏ. Ít ra, Roberge sẽ khiến các trụ cột phải đôi chút âu lo và nỗ lực nhiều hơn để giữ vị trí chứ "chú vịt" này thực sự khó có cửa biến thành "thiên nga" ở Sunderland.

Fernandinho (Manchester City)

Fernandinho
 

Không phủ nhận số tiền 30 triệu bảng mà Man City bỏ ra để mua Fernandinho từ Shakhtar Donetsk là quá khủng khiếp nhưng hãy nhớ một điều rằng, cầu thủ nào Man xanh mua mà chẳng bị làm giá và nếu Fernandinho thể hiện thành công thì chẳng còn ai dám nói nhà cựu vô địch Premier League "chơi trội". Đúng là, trong lịch sử Premier League, không nhiều cầu thủ gốc Brazil để lại được dấu ấn do sự khác biệt lớn về phong cách, lối chơi tuy nhiên Fernandinho lại không phải mẫu "vũ công Samba" truyền thống (kỹ thuật siêu việt, thi đấu bay bướm, thích vẽ vời, khoái phô diễn) mà mang nhiều đặc trưng của bóng đá châu Âu (đơn giản, tốc độ, kỷ luật, sức mạnh, tính chiến thuật cao). Những kỹ năng đó lại được tích luỹ và củng cố qua nhiều năm chinh chiến tại lục địa già. Mấy mùa gần đây, Man City lộ rõ điểm yếu ở vị trí tiền vệ trung tâm khi không tìm ra nổi người nào có thể chơi cặp tốt với Yaya Toure và Fernandinho đủ sức bù đắp chỗ khiếm khuyết đó. Fernandinho chẳng những biết cầm bóng, điều tiết nhịp độ trận đấu ở giữa sân mà còn phát động tấn công xuất sắc bằng những đường chuyền chuẩn xác từ nhiều cự ly khác nhau cũng như bất ngờ dâng lên hỗ trợ hàng công, tạo sự đột biến cao từ tuyến hai. Bộ đôi Toure - Fernandinho hứa hẹn sẽ "làm mưa làm gió" ở Premier League mùa tới.

Jores Okore (Aston Villa)

okore
okore

Cái tên này đã được biết đến từ mùa trước khi cùng nhà vô địch Đan Mạch, Nordsjaelland lần đầu góp mặt tại sân chơi Champions League (nằm chung bảng với Juventus, Chelsea và Shakhtar Donetsk) và nhận được khá nhiều đánh giá tốt từ giới chuyên môn. Thậm chí, Okore từng được đồn đoán nằm trong tầm ngắm của vài ông lớn. Bởi thế, Aston Villa đã quá hời khi chỉ mất có 4 triệu bảng cho Okore, một ngôi sao trẻ đầy tiềm năng (sinh năm 1992). Có thể Okore chưa chứng tỏ được nhiều ở mùa tới bởi dẫu sao anh còn ít tuổi nhưng trong tương lai không xa, Okore sẽ làm nên chuyện, nhất khi anh mang gốc gác Bờ Biển Ngà. Những cầu thủ đến từ Phi châu luôn có rất nhiều điều kiện thành công ở Premier League, giải đấu thường rất đề cao yếu tố thể lực, tốc độ. Nếu ban lãnh đạo Aston Villa đề ra lộ trình phát triển hợp lý cho Okore, không "đốt cháy giai đoạn" thì đây sẽ là sự đầu tư dài hạn tuyệt vời cho hàng phòng ngự kém thứ 3 Premier League mùa vừa rồi.

Sascha Riether (Fulham)

 

Khác với 5 gương mặt kể trên, Riether là người duy nhất gia nhập Fulham sau khi thể hiện quá ấn tượng ở mùa trước theo bản hợp đồng cho mượn kéo dài 1 năm từ FC Cologne của Đức (đội bóng cũ của Lukas Podolski). Cụ thể, hậu vệ 30 tuổi đã mau chóng xác lập vị trí số 1 nơi cánh phải đội bóng thành London, ra sân 35/38 trận, đóng góp 1 bàn thắng và 6 đường chuyền kiến tạo, một thành tích có thể chẳng là gì ở các đội bóng lớn nhưng lại vượt quá sự mong đợi của Fulham. Do đó, đội bóng thành London chẳng có lý do gì mà không chi tiền mua đứt quyền sở hữu cầu thủ từng vài lần thi đấu ở ĐTQG Đức. Đúng là Riether đã già (nhưng hãy lưu ý, Fulham sở hữu độ tuổi trung bình cao thứ hai giải đấu) song đối với một người thi đấu ở hàng phòng ngự thì "gừng càng già cang cay". Quan trọng hơn, giữ được Riether, HLV Martin Jol sẽ duy trì được sự ổn định cho hậu phương mà bao lâu nay, Fulham đều phải sống dựa vào sự chắc chắn của hàng thủ. Như thế, nhà cầm quân người Hà Lan sẽ thoải mái dành nhiều thời gian hơn vào chăm lo, củng cố các tuyến khác, hướng đến những mục tiêu tham vọng (như lọt vào Top 10 hoặc giành quyền tham dự cúp châu Âu) chứ không chỉ dừng lại ở việc giành quyền trụ hạng.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X