Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

Những ông vua trên thị trường chuyển nhượng: Khi cầu thủ quyết định tất

Thứ Bảy 31/08/2013 15:16(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Gareth Bale đình công không ra sân ở Tottenham vì muốn sang Real Madrid với giá kỷ lục thế giới 86 triệu bảng. Luis Suarez công khai đòi rời Liverpool vì muốn được đá Champions League. Wayne Rooney hai lần nộp đơn xin ra đi, lần đầu đòi tăng lương và lần thứ hai vì không chấp nhận ngồi dự bị.  Phải chăng một nhóm ít những siêu sao triệu phú được chiều chuộng quá mức đang làm hỏng bóng đá? Phải chăng quyền lực nằm trong tay họ là quá lớn? Và trách nhiệm của các câu lạc bộ tới đâu?

Vì họ quá giàu?

Những cầu thủ như Lionel Messi, Samuel Eto’o, Wayne Rooney hay Yaya Toure hiện là những vận động viên được trả lương cao nhất thế giới, trên 30 triệu bảng mỗi năm. Messi chắc chắn là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện giờ, nhưng liệu tài năng của anh có xứng đáng với mức lương đó?

Rooney có toàn tâm toàn ý ở lại MU hay không vẫn còn là dấu hỏi
Wayne Rooney 2 lần đòi rời Man United

Trong hầu hết các nghề nghiệp, lương dựa trên năng lực của người làm công và hiệu quả công việc. Những ai có kỹ năng tốt và ở đẳng cấp cao nhất trong lĩnh vực của mình sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, và bóng đá cũng thế. Thêm nữa, sự nghiệp của một cầu thủ chuyên nghiệp khá ngắn, từ 10 tới 20 năm tùy theo từng người. David Beckham hay Ryan Giggs có thể có tuổi đời hơn 20 năm, nhưng đó chỉ là những ngoại lệ hiếm hoi. Cầu thủ cũng không chỉ là những người làm công thuần túy. Bản thân họ là những “sản phẩm”. Messi, Xavi, Adres Iniesta, Carles Puyol, Cesc Fabregas và Gerard Pique đều là những sản phẩm của lò đào tạo trẻ trứ danh La Masia ở Barcelona. Ngay lúc này, đội bóng Tây Ban Nha vẫn không ngừng nghỉ tìm kiếm những tài năng trẻ với mạng lưới tuyển mộ cầu thủ từ khắp nơi trên thế giới.

Với người hâm mộ, Theo Walcott hay Rooney là một người hùng, một tượng đài, nhưng với đội bóng, tốt nhất họ cũng chỉ là một người làm công và tệ nhất, là một món hàng phải thanh lý. Điều đó giải thích tại sao các cầu thủ chỉ cho thấy sự trung thành mờ nhạt với đội bóng của mình và sẽ không ngần ngại thể hiện quyền lực của họ ở vị trí ngôi sao mỗi khi có cơ hội.

Các cổ động viên có thể thấy chướng tai gai mắt, nhưng các cầu thủ và đội bóng chỉ là những con người kinh tế học thuần túy. Họ không khác lắm với các ông chủ nhà băng. Sau tất cả những màn hôn phù hiệu đội bóng, đập ngực thể hiện niềm tự hào sau mỗi bàn thắng và cam kết về sự gắn bó trọn đời với câu lạc bộ (điều mà Bale hay Suarez còn nói cách đây chưa lâu), rốt cuộc tiền bạc sẽ có tiếng nói cuối cùng. Nếu như bạn đã ra sân tập kể từ ngày biết đi để mơ một ngày trở thành ngôi sao bóng đá, thì rõ ràng 75.000 bảng mỗi tuần không hấp dẫn bằng… 100.000 bảng mỗi tuần. Đừng quy kết đó là lòng tham, đó chỉ là lý tính thuần túy. Không phải chuyện cá nhân, chỉ là chuyện làm ăn.

Tính từ ngày 15/12/1995, Jean-Marc Bosman đã càng khiến tiền bạc có tiếng nói quan trọng trong bóng đá (xem bài trang sau) và trao quyền lực gần như vô hạn vào tay các cầu thủ. Nhìn vào kỳ chuyển nhượng này và 15 năm đã qua kể từ sau khi luật Bosman ra đời, có quá nhiều vụ mua bán mà quyền quyết định hoàn toàn nằm trong tay cầu thủ. Ngay lúc này Rooney, Suarez hay Bale đều đang đẩy Manchester United, Liverpool và Tottenham vào tình thế còn rất ít lựa chọn. Còn trong quá khứ đã có hàng loạt vụ việc như thế, với Samir Nasri, Joleon Lescott, Luis Figo… và nhiều ví dụ khác.

Được đằng chân lân đằng đầu

Vụ việc Rooney đặc biệt khiến các cổ động viên ở Old Trafford nổi giận. Họ thậm chí la ó anh ngay trong buổi diễu hành ăn mừng chức vô địch Premier League của Quỷ đỏ cuối mùa trước. Rooney hiện giờ đã là cầu thủ được trả lương cao nhất ở Old Trafford, vào khoảng 250.000 bảng mỗi tuần, không thua kém các ngôi sao bóng đá giàu nhất thế giới, và còn được tôn thờ ở M.U, là cậu bé biểu tượng tại Old Trafford. Trước đó, năm 2010, cổ động viên đã “bỏ qua” vụ Rooney “tống tiền” M.U với tuyên bố rằng đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh “không đủ tham vọng”, nhưng bây giờ anh vẫn chứng nào tật nấy.

Khuynh hướng các ngôi sao “ép tiền” câu lạc bộ ngày càng trở nên phổ biến, nhất là với những cầu thủ bước vào năm cuối của hợp đồng. Bên thua cuộc trong những thương vụ ép buộc lẫn nhau này không ai khác ngoài các cổ động viên. Túi tiền của họ bị ảnh hưởng trực tiếp khi các cầu thủ đòi tăng lương. Cùng với một kỷ lục chuyển nhượng mới bị phá, những mức giá vé mới cao hơn sẽ xuất hiện.

Martin O’Neill, từng chơi bóng cho Nottingham Forest, Norwich và Manchester City cũng như dẫn dắt Celtic, Aston Villa và Sunderland, tỏ ra tiếc nuối thời 1970 hay 1980, khi các cầu thủ không đỏng đảnh và tham lam như bây giờ. “Hiện giờ các cầu thủ đang kiểm soát và đó là điều điên rồ. Vào thời của tôi, các cầu thủ không có quyền lực tuyệt đối như thế này”. O’Neill đã phải tranh đấu quyết liệt, và thất bại, trong việc giữ lại, đội trưởng của Villa và tuyển thủ Anh Gareth Barry hồi năm 2011, trước sự lôi kéo từ Liverpool và Manchester City. “Có lẽ là tôi không thực tế, nhưng các cầu thủ ngày nay có quá nhiều lý do, Champions League, đẳng cấp khác, thách thức mới và tất cả những chuyện như thế”, chiến lược gia người Bắc Ireland phàn nàn. “Không bất kỳ ai ở Villa muốn Gareth ra đi, chỉ trừ anh ấy, và anh ấy đã là người quyết định tất cả”.

Thay đổi hay sụp đổ ?

Hiện một câu lạc bộ Premier League chi khoảng 67% doanh thu vào lương cho cầu thủ. Những đội cực giàu như Chelsea hay Manchester City phải chi trên 150 triệu bảng vào tiền lương mỗi năm, đồng nghĩa sẽ thua lỗ trên dưới 100 triệu bảng. Khoản nợ của Chelsea và Manchester City xấp xỉ 500 triệu bảng.

Một giải pháp để hạn chế bớt tiền lương, quyền lực của cầu thủ và đảm bảo sự ổn định cho bóng đá đỉnh cao là áp dụng những gì mà thể thao chuyên nghiệp Mỹ đã làm: trần mức lương ở các câu lạc bộ. Trong hệ thống này, nhà chức trách thể thao Mỹ quy định một mức trần lương nhất định dựa trên doanh thu của đội bóng, chẳng hạn tối đa là 40%. Với tỉ lệ đó, Chelsea có thể tiết kiệm được khoảng 14 triệu bảng mỗi mùa và có hy vọng đưa đội bóng thoát ra khỏi cảnh thua lỗ.

Những thay đổi nền tảng hơn cần sự chung sức của cả Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và châu Âu (UEFA) là áp dụng các quy định hợp đồng như giải bóng đá nhà nghề Mỹ MLS. Không như ở châu Âu, hợp đồng của các cầu thủ chuyên nghiệp Mỹ không được bảo đảm, câu lạc bộ có thể cắt ngang hợp đồng với thỏa thuận bồi thường thấp, để đảm bảo ngay cả những ngôi sao lớn nhất cũng phải nỗ lực hết mình và tôn trọng những cam kết họ đã đồng ý. Câu lạc bộ bảo lưu quyền chấm dứt hợp đồng với cầu thủ vào giữa mùa mà không phải trả thêm lương, hoặc chỉ trả một khoản đền bù “chấp nhận hoặc không có gì”.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hệ thống đó mâu thuẫn khá nghiêm trọng với luật Bosman và các luật khác ở châu Âu, bao gồm hiệp ước của Hội đồng châu Âu, vốn bảo vệ quyết liệt người lao động hơn là phía sử dụng lao động.

 
(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X