(Bongda24h) - Vậy là, thầy trò David Moyes đã không thể tạo ra câu chuyện cổ tích trước nhà ĐKVĐ giải đấu nhưng có quyền tự hào về những gì đã trình diễn qua hai trận tứ kết vừa qua và hoàn toàn ngẩng cao đầu rời khỏi cuộc chơi. Thất bại vừa rồi rõ ràng không mang tính chất "thảm hoạ" giống như những trận thua "tâm phục khẩu phục" trước đó bởi đơn giản, đó là kịch bản được dự báo từ trước và bản thân Man Utd đã thực sự khởi sắc so với hình ảnh của chính họ trong quãng thời gian đầy "biến động" trước đó. Từ đống "tro tàn", những "chồi non" của sự sống bắt đầu sinh sôi và nếu tiếp tục được bồi đắp thì hãy tin rằng, cái ngày Man Utd hồi sinh không còn bao xa, kể cả khi David Moyes vẫn nắm quyền điều hành. Qua thất bại vừa rồi, liệu có thể nhìn thấy được gì
1. Rio Ferdinand chính thức "hết thời"
Smalling hoàn toàn đáng tin cậy
Dù chẳng được thi đấu một phút nào ở trận lượt về nhưng sự thể hiện quá tốt của "đàn em" Smalling trước Bayern hẳn đã khiến Rio ngộ ra một điều rằng: tốt nhất anh nên nói lời chia tay đội bóng giống như đối tác thân thiết bao năm qua Nemanja Vidic vì Man Utd thực sự đã có người thay thế anh một cách hoàn hảo. Vừa trở lại chấn thương chưa được bao lâu (hậu vệ này tái xuất ở chiến thắng Newcastle cuối tuần trước sau 1 tháng dưỡng thương), Smalling đã chơi tuyệt hay. Trong hiệp 1, anh liên tục đưa ra những động tác cản phá chuẩn xác, làm cho những lần hiếm hoi các ngôi sao đội chủ nhà đột nhập vòng cấm trở nên vô nghĩa. Hậu vệ sinh năm 1989 luôn giữ được cái đầu tỉnh táo, sự tập trung tối đa trong phạm vi khu vực 16m50. Bên cạnh phẩm chất sức mạnh, sự dũng mãnh vốn là đặc trưng của những trung vệ gốc Anh thì Smalling còn rất biết vận dụng đầu óc vào thi đấu. Đó chính là chân dung của .... Rio Ferdinand thời còn đỉnh cao phong độ. Cả 3 bàn thua mà Man Utd phải chịu ở hiệp 2 hoàn toàn không có lỗi của Smalling (bàn đầu thuộc trách nhiệm của Evra, bàn thứ 2 có đóng góp từ sự chậm chạp của Vidic còn bàn thứ 3 thì cả Vidic lẫn Evra đều bị Robben qua mặt). Xem ra, mùa tới, với sự trưởng thành của Smalling và Phil Jones cùng một Jonny Evans sắp chín thì Man Utd coi như đã có thể an tâm về cách bố trí cặp trung vệ mà đầy tiềm năng sớm vươn lên đẳng cấp thuở nào của bộ đôi Ferdinand - Vidic.
2. Man Utd hãy đối đầu với các ông lớn bằng tư thế ... cửa dưới
Nhận định này mang tính tích cực hay tiêu cực thì còn tuỳ thuộc vào suy nghĩ, góc nhìn của mỗi cá nhân nhưng không phủ nhận, phải đến lúc chạm trán Bayern Munich trong tư thế "cùng đường", David Moyes mới hiểu ra một chân lý: Đến lúc nào ông còn dẫn dắt Man Utd hay đội bóng chưa thể sở hữu một "thế hệ vàng" giống Barca phiên bản Guardiola hay Bayern ngày nay thì trong những trận cầu lớn, tốt nhất hãy để đội bóng chơi như Everton, CLB cũ của ông. Tức là, Man Utd cần phải mang tâm thế của một đội bóng nhỏ, xây dựng một hệ thống phòng ngự kiến cố nhiều tầng lớp hòng đảm bảo an toàn tối đa cho cầu môn, chấp nhận cho đối thủ dồn ép từ đầu đến cuối và nhẫn nhịn chờ đợi thời cơ tung ra đòn kết liêu. Có thể nhiều Manucians sẽ chẳng hứng thú gì nếu đội nhà trở nên "tầm thường" như vậy bởi với họ, trong mọi hoàn cảnh, Man Utd luôn cần phải thể hiện cho ra dáng ông lớn của mình. Song đừng quên rằng, trong bóng đá, yếu tố hiệu quả bao giờ cũng cần phải đặt lên hàng đầu. Nếu cứ mù quáng, "không biết mình biết người" để duy trì cái "hư danh" đại gia thì Man Utd sẽ còn phải đau đớn nhiều và chẳng biết đến lúc nào mới lấy lại thời hoàng kim (Arsenaol là một minh chứng hùng hồn).
Căn cứ vào tình hình lực lượng hiện tại, thì bét nhất cũng phải mất vài năm tái thiết nữa, may ra Man Utd mới có thể tự tin chinh phạt nước Anh và châu Âu bằng tư thế đĩnh đạc, hiên ngang và chẳng cần phải chịu "cúi đầu" trước bất cứ địch thủ nào chứ trong tương lai gần (tối thiểu mùa tới), đừng mơ Man Utd đã có thể giành đươc kết quả tốt nếu chọn cách thi đấu sòng phẳng, "công đối công" với những đối thủ mạnh nhất. Trận lượt đi trên Old Trafford và hiệp 1 của trận lượt về đã khẳng định cho tất cả thấy một Man Utd "hỗn loạn", "thiếu trước hụt sau" vẫn dư sức khống chế đội bóng số 1 châu Âu hiện nay. Vậy thì, Man Utd mà có thêm vài sự bổ sung nữa vào những chỗ thiết yếu và vẫn chấp nhận "hạ mình", tin chắc sẽ còn khiến Bayern hay một ông lớn nào khác cũng đang trên đỉnh cao phải "khốn khổ khốn nạn" và thắng lợi hoàn toàn trong tầm tay. Đêm qua, một số người đã cho rằng lẽ ra Moyes phải mau chóng chỉ đạo Man Utd lại tử thủ như hiệp đầu sau bàn mở tỷ số, nhất là khi còn bị đối thủ sớm gỡ hoà nên việc nhận thêm hai bàn thua nữa là tất yếu. Tuy nhiên, mấu chốt quyết định của trận đấu nằm ở chỗ tỷ số được san bằng quá nhanh, lúc Man Utd còn chưa hết vui mừng, nói gì đến điều chỉnh chiến thuật (sau giờ nghỉ giải lao, Man Utd đã chơi phóng khoáng, cởi mở hơn và nhờ vậy, Evra mới có thể lập công). Moyes hoàn toàn có lý khi tuyên bố Bayern mà gỡ hoà chậm hơn khoảng 5-10 phút thôi thì cục diện trận đấu chắc chắn sẽ khác. Có thể, Man Utd vẫn không thể thắng chung cuộc song ít ra có quyền nghĩ tới việc kéo dài trận lượt về sang 30 phút hiệp phụ và thi đá luân lưu. Như vậy, về cơ bản, mọi toan tính và sự lựa chọn của Moyes đều chính xác (chỉ có điều ông không thể ngờ rằng đối thủ lại gỡ nhanh đến chóng mặt) đồng nghĩa, Man Utd hoàn toàn có thể gặt hái được thành công nếu biết sắm vai "nhược tiểu" lúc cần thiết.
Fletcher xứng đáng ra đi
3. Man Utd cần phải tìm ra một cặp tiền vệ trung tâm mới
Đánh giá tổng thể Man Utd bao gồm cả hai trận tứ kết vừa rồi, trong khi hàng phòng ngự tạm ổn (Jones, Smalling, Evans, Rafael hay thậm chí Buttner có thể tạo ra hệ thống phòng ngự khá ngon) và hàng công không quá tồi (Rooney đã bỏ lỡ vài cơ hội thuận lợi nhưng chủ yếu do anh chưa bình phục chấn thương chứ không hẳn R10 thiếu đẳng cấp của một ngôi sao lớn thực thụ. Rồi còn đó Mata, Kagawa, Januzaj, Welbeck, Van Persie, Valencia, hay thậm chí Chicharito) thì tuyến giữa, đặc biệt ở hai vị trí chịu trách nhiệm thống lĩnh trung tuyến, kiểm soát bóng (bao hàm nhiều nhiệm vụ như giành giật, tranh chấp, điều phối,...), thực sự rất đáng lo ngại. Michael Carrick quá già, thể lực suy giảm còn Fletcher đã qua thời kỳ đỉnh cao từ lâu. Cứ cho họ phần nào đã làm tốt khâu hỗ trợ phòng ngự trong hiệp 1 nhưng cả hai gần như chẳng phát động nổi một đợt tấn công nào. Trong bóng đá hiện đại thì hiển nhiên, các tiền vệ trung tâm ngoài chức năng đánh chặn thì cần phải giỏi cả khoản triển khai tấn công bằng những đường chuyền và bộ não phân tích tình hình. Các phẩm chất đó luôn hữu dụng và cần thiết với mọi trường phái (tấn công hay thực dụng). Thế mà, đằng này, chuyên môn của Carrick và Fletcher lại bị giới hạn. Kể cả cầu thủ phải ở lại nước Anh do chấn thương (Fellaini) cũng chưa cho thấy tài năng của một tiền vệ trung tâm "hàng hiệu" và nếu được tạo thêm cơ hội cũng chẳng có gì đảm bảo Fellaini sẽ toả sáng. Nói một cách, trong kế hoạch cải tổ của mình, trước tiên Moyes phải mạnh dạn thay máu vị trí này và "tống cổ" những cầu thủ vô dụng (Fletcher, Cleverley và cả Carrick). Man Utd cần một tiền vệ "con thoi" tầm cỡ như Toni Kroos của Bayern với khả năng xử lý bóng bằng cả hai chân, chuyền bóng đa dạng và chuẩn xác, sút xa tốt, thể lực dồi dào. Ngoài ra, nếu chơi bên cạnh Kroos là một chiến binh giống thủ quân Roy Keane ngày nào thì chẳng có gì tuyệt bằng. Bởi vậy, Moyes hãy dành phần lớn ngân quỹ chuyển nhượng được cấp để mang về bằng được một "cặp đôi hoàn hảo" tại tuyến giữa rồi hẵng nghĩ đến những vị trí khác. Như thế, lập tức, sức mạnh của đội bóng sẽ được cải thiện rõ rệt.
Bảo Phương - Bongda24h.vn