Thứ Hai, 24/06/2024Mới nhất
Zalo

Những bản hợp đồng mùa đông thất bại và thành công nhất của Chelsea dưới triều đại Roman Abramovich

Thứ Hai 23/12/2013 17:16(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Kể từ khi rơi vào tay vị tỷ phú người Nga vào năm 2003 thì The Blues luôn rất tích cực mua sắm trên TTCN, bất kể mùa nào. Thậm chí Chelsea chứ không phải ai khác thường là đội bóng khuấy đảo mùa chuyển nhượng giữa mùa tại nước Anh dù rằng với nhiều ông lớn khác thì đây không phải là thời điểm thích hợp cho việc bổ sung lực lượng, trừ phi nhằm mục đích "chữa cháy khẩn cấp". Mua nhiều thì hiển nhiên thất bại là khó tránh khỏi vì làm gì có đội bóng nào thành công trong mọi thương vụ. Hãy cùng điểm lại những gương mặt tiêu biểu được Chelsea đưa về trong kỳ CN mùa Đông, xét trên cả hai khía cạnh "xịn" và "dỏm".

Demba Ba (Từ Newcastle, 7 triệu bảng, 1/2013)

Demba Ba sẽ sớm thay thế hình bóng Drogba tại Stamford Bridge
 

Vẫn còn quá sớm để nhận định rằng Ba là một bản hợp đồng thất bại, nhất là khi tiền đạo này chưa được ra sân nhiều nhưng rõ ràng, nếu so với thời gian khoác áo "Chích choè" thì phong độ của chân sút người Senegal đã bị thụt lùi. Thời còn thi đấu cho Newcastle, Ba kết hợp cùng Papiss Cisse tạo thành cặp sát thủ đáng sợ bậc nhất giải đấu song kể từ khi gia nhập The Blues, anh dần đánh mất đi bản năng của mình. Giai đoạn hai của mùa trước, anh chỉ ghi được 6 bàn (nhưng 4 trong số đó ở các giải cúp) và kể từ khi Mourinho lên nắm quyền, Ba gần như trở thành lựa chọn thứ yếu cho hàng công mà nguyên nhân chính nằm ở bản thân cầu thủ 28 tuổi. Nếu anh thể hiện tốt hơn thì không đến mức độ bị bỏ rơi, đặc biệt trong bối cảnh Eto'o và Torres cũng không khá khẩm hơn bao nhiêu. Tính đến nay, Demba Ba mới nổ súng 1 lần duy nhất ở giải Ngoại hạng Anh tron chiến thắng 3-1 trước Southampton. Dù đã lên tiếng bày tỏ sự hài lòng với tình trạng hiện nay ở đội bóng nhưng xem ra, Ba khó lòng trụ lại Stamford Bridge.

David Luiz (Từ Benfica, 25 triệu bảng, 1/2011)

David Luiz là mục tiêu quan trọng của Barca
 

Mặc cho không được Mourinho ưa thích, phần nhiều do bản tính khoái lên tham gia tấn công (với một HLV thực dụng và luôn đề cao tính kỷ luật, chiến thuật như Mou thì một trung vệ chỉ cần đảm bảo tốt nhiệm vụ phòng ngự là đủ) thì vẫn cần phải khẳng định, trung vệ người Brazil rất có tài, trình độ không tồi và chơi không quá tệ mỗi khi được ra sân. Mùa trước, Luiz được xem là hậu vệ hay nhất đội, vừa xuất sắc trong phòng ngự (dù đôi lúc vẫn mắc phải vài sai lầm ngớ ngẩn) vừa đỉnh cao trong tấn công khi nổ súng đến 7 lần (chủ yếu là các cú sút phạt hiểm hóc). Có thông tin cho rằng Barca đang lôi kéo dữ dội David Luiz nhưng hẳn Mourinho đủ khôn ngoan để hiểu nên giữ cầu thủ này ở lại đội bóng khi mà thủ quân John Terry đã 33 tuổi và cùng lắm chỉ cố thêm được 1, 2 mùa nữa. Bây giờ, đâu dễ tìm được một trung vệ đẳng cấp như Luiz, kể cả khi lắm tiền. Thêm vào đó, tuyển thủ quốc gia Brazil đã chứng tỏ được sự phù hợp với môi trường bóng đá tại Premier League.

Ricardo Quaresma (Từ Inter Milan, mượn, 1/2009)

 

Giờ đây, hẳn cái tên Quaresma không còn đọng lại ấn tượng trong tâm trí nhiều CĐV bóng nói chung, huống chi fan hâm mộ Chelsea. Nếu lên trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới (Youtube) và gõ cái tên Quaresma, cùng lắm người dùng chỉ nhận được vài kết quả, ghi nhận những màn biểu diễn kỹ thuật rabona (vắt chéo chân) đôi khi chỉ mang tính chất "thưởng lãm cho vui" của tiền vệ người BĐN. Từng được xem là một thiên tài của làng bóng đá BĐN nhưng ngay sau khi rời bỏ quê hương tìm kiếm tương lai, Quaresma mau chóng trở nên quá tầm thường, dù ở Barcelona, Inter Milan hay đội bóng Besiktas của TNK. Đầu năm 2009, do khát tiền đạo cánh, Chelsea đã mượn tạm Quaresma từ Inter và rất mong muốn cầu thủ này sẽ hồi sinh để có thể tiến tới bản hợp đồng dài hạn song rốt cục, họ đã phải thất vọng tràn trề vì Quaresma chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu, lại liên tục gặp rắc rối về sức khoẻ. Kết thúc mùa giải, Quaresma lặng lẽ khăn gói trở lại Italia sau chưa đầy 5 lần ra sân ở The Blues.

Branislav Ivanovic (Từ Lokomotiv Moscow, 9 triệu bảng, 1/2008)

Ivanovic, mục tiêu mới của AS Monaco
 

Lúc mua Ivanovic, "gã nhà giàu" thành London không đặt quá nhiều kỳ vọng bởi khi đó, tiếng tăm của Ivanovic ở tầm châu Âu chưa nhiều nhưng cuối cùng, cầu thủ người Serbia đã toả sáng ở nước Anh, giống hệt như con đường đã đi của đàn anh Nemanja Vidic (cũng được Man Utd đưa về từ xứ sở Bạch Dương). Thời gian đầu, Ivanovic được chơi ở vị trí trung vệ ưa thích song do đội bóng thiếu hụt nhân sự đá cánh phải, Ivanovic đã trở thành "kẻ lấp chỗ trống bất đắc dĩ" song nào ai ngờ bằng tài năng và nỗ lực, Ivanovic dần biến "sở đoản" thành sở trường. Giờ đây, không nhiều người còn nhớ rằng Ivanovic vốn được đào tạo để thi đấu ở khu trung tâm của hàng phòng ngự. Kỹ năng cần có của một hậu vệ cánh được Ivanovic ngày một hoàn thiện đến mức thượng thừa và anh đã thực sự lọt vào nhóm những hậu vệ phải hay nhất nước Anh cũng như trên toàn châu Âu. Chính vì phong độ ổn định ở mức cao cùng sức khoẻ siêu phàm mà Ivanovic đang là một trong những cầu thủ phải ra sân nhiều nhất ở Chelsea và gần như không thể đụng đến ở tuyến dưới.

Nicolas Anelka (Từ Bolton, 15 triệu bảng, 1/2008)

 

Rất khó để xác định một cách chắc chắn đây là bản hợp đồng thành công hay thất bại của Chelsea bởi Anelka bản chất vốn đã là một cầu thủ cực kỳ thất thường, cả về vấn đề chuyên môn lẫn tính khí. Chelsea chính là một CLB mà chân sút người Pháp gắn bó lâu nhất (4,5 mùa giải) trong sự nghiệp "lang bạt" của mình. Tại The Blues, Anelka từng đoạt danh hiệu "Vua phá lưới Premier League" ở mùa bóng 2008-2009 nhưng đó là thời điểm, tay săn bàn chủ lực của đội, Didier Drogba không thể ra sân nhiều do chấn thương. Từ đây, có thể rút ra ngay một kết luận: Chính cái bóng quá lớn của "Voi rừng" ở Chelsea đã phần nảo ảnh hưởng đến những đóng góp của Anelka cho đội bóng. Kể ra cả hai mà phối hợp được với nhau thì quá tuyệt nhưng trên thực tế, họ chẳng thể hợp tác vui vẻ hay nói một cách khác, người này mà toả sáng thì y như rằng người kia tắt điện. Dẫu vậy, xét trên mọi phương diện, Anelka làm sao đủ sức trở thành thủ lĩnh đáng tin cậy nơi hàng công như Drogba nên rốt cục, anh mới là người phải ra đi chứ không phải "đối thủ".

Scott Parker (Từ Chartlon Athletic, 10 triệu bảng, 1/2004)

 

Parker không phải là tiền vệ kém chất lượng mà bằng chứng là anh đều là trụ cột nơi tuyến giữa Newcastle, Tottenham, West Ham và nay là Fulham. Ngoài ra, có thời kỳ Parker còn chiếm chỗ đứng chắc chắn tại ĐTQG Anh. Tuy nhiên, khoảng thời gian hơn 1 một năm khoác màu áo Xanh đúng là cơn ác mộng của Parker. Thời đó, Parker được nhìn nhận là một tiền vệ giàu triển vọng của bóng đá Anh sau những gì thể hiện tại Charlton song cần nhớ sự cạnh tranh vị trí ở Chelsea trong thuở bình minh của triều đại Abramovich là cực kỳ khốc liệt khi đội bóng không tiếc tiền đưa về hàng loạt gương mặt mới chứ không "chọn lọc" như những năm gần đây. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi một cầu thủ chưa hoàn toàn thành danh như Parker bị lép vế rồi lại thêm dính phải chấn thương. Quyết định dứt áo ra đi vào mùa hè năm 2005 (dù làm CLB lỗ mất vài triệu bảng) là hoàn toàn sáng suốt, bằng không chẳng rõ đường đời của Parker sẽ còn thê thảm đến mức nào.

Gary Cahill (Từ Bolton, 7 triệu bảng, 1/2012)

Cahill tự tin tuyên bố Chelsea sẽ giành ngôi vô địch Premier League mùa này
 

Đầu năm 2012, trong cơn thèm khát trung vệ, Chelsea quyết định rước về Gary Cahill trong sự hoài nghi của giới chuyên môn. Không phủ nhận, lúc ấy, Cahill đang là trụ cột ở Bolton nhưng một cầu thủ mà khoác áo một ứng cử viên cho suất xuống hạng thì đương nhiên không phải là gương mặt gì ghê gớm và 7 triệu bảng vẫn bị xem là quá đắt bởi với khoản tiền đó, Chelsea thừa khả năng mang về một trung vệ ngoại quốc (hãy nhớ rằng, tại Premier League, tồn tại một thực trạng: những cầu thủ gốc Anh luôn được định giá rất cao). Quả thực, Cahill đã phải rất chật vật khẳng định mình ở Stamford Bridge nhưng dần dần, bằng quyết tâm vươn lên và khát khao cống hiến, Cahill đã cho tất cả thấy anh không hề kém tài. Sau khi tái xuất Chelsea, Mourinho khá ưa thích Cahill và thường xuyên đưa anh ra sân. Tuy rằng xét về nhiều mặt, Cahill còn lâu mới sánh nổi Terry và cũng có phần lép vế so với Luiz nhưng rõ ràng, đây là thương vụ "rẻ mà ngon" của Chelsea.

Fernando Torres (Từ Liverpool, 50 triệu bảng, 1/2011)

Fernando Torres đã có một pha lập công cho Chelsea ở trận tranh Siêu cúp châu Âu
 

Có lẽ, chẳng cần nói quá nhiều về trường hợp này vì rõ ràng như ban ngày. Nào ai có thể ngờ bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử nước Anh lại thất bại thê thảm đến thế dù Torres đã quá hiểu Premier League và những điều kiện, cơ sở để anh thành công ở Chelsea xem ra còn vượt trội so với thời kỳ khoác áo Liverpool. Đừng quên rằng, chưa bao giờ The Blues thiếu "cao thủ làm bóng" hỗ trợ phía sau Torres nên có chăng El Nino chỉ nên trách móc bản thân mà thôi. Không phủ nhận có những giai đoạn, tưởng như Torres đã chuẩn bị lấy lại được hình ảnh đích thực khi trình diễn xuất sắc trong vài trận đấu nhưng hoá ra đó chỉ là "đánh lừa cảm giác" chứ về cơ bản, Torres vẫn quá tầm thường. Một cầu thủ 50 triệu bảng thì dĩ nhiên phải xuất sắc và toả sáng trong một thời gian dài chứ không thể cứ mãi trong cảnh "tranh tối tranh sáng" không biết đâu mà lần.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn
     

Có thể bạn quan tâm

Đội tuyển Anh và vấn đề vướng mắc ở hành lang cánh trái

Đội tuyển Anh và vấn đề vướng mắc ở hành lang cánh trái

Đội tuyển Anh và vấn đề vướng mắc ở hành lang cánh trái

Sau hai trận đấu, đội tuyển Anh vẫn đang dẫn đầu bảng C và gần như chắc chắn sẽ vượt qua vòng bảng để tiến tới vòng 1/8 của EURO 2024. Họ vẫn còn một trận nữa ở giai đoạn vòng bảng với đội được đánh giá là yếu nhất bảng - Slovenia. Mọi thứ đã rât thuận lợi để Tam Sư đi tiếp, nhưng quả thật họ đang gặp khủng hoảng!

Video

Xem thêm
top-arrow
X