Thứ Năm, 28/03/2024Mới nhất
Zalo

Những bản hợp đồng chuyển nhượng mùa đông hiệu quả nhất Premier League

Thứ Ba 01/01/2008 13:03(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Ngày hôm nay, thị trường chuyển nhượng mùa Đông chính thức mở cửa. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng để các đội bóng bổ sung lực lượng cho những toan tính trong giai đoạn lượt về của mùa giải.

Không chỉ các CLB có nguy cơ rớt hạng mà cả những đội nằm ở nhóm đầu với lực lượng dồi dào cũng ráo riết lùng sục trên thị trường nhằm tìm kiếm những cầu thủ mình cần. Hầu hết những vụ chuyển nhượng thực hiện trong thời điểm này đều vì mục đích "chữa cháy" do các vị trí hiện tại dính chấn thương hay xuống phong độ nhưng cũng có khi là các đội bóng tóm được một "món hàng" hời mà nếu để đến cuối mùa, số tiền phải bỏ ra lớn hơn thế rất nhiều.

Số vụ chuyển nhượng được thực hiện trong tháng 1 này sẽ không nhỏ chút nào nhưng không phải bản hợp đồng nào cũng thành công. Có nhiều đội "tiền thì mất" mà "tật vẫn mang". Dưới đây là 10 vụ chuyển nhượng được coi là thành công nhất của Premier League kể từ mùa giải 2001/2002, mùa bóng đầu tiên xuất hiện kỳ chuyển nhượng mùa Đông.

1.Nemanja Vidic (Manchester United, chuyển đến từ Spartak Moscow với giá 7 triệu bảng)


Đây không phải là một giải pháp tình thế mà là một mục tiêu có chủ đích của Sir Alex. Vì dù đang chơi ở tận nước Nga xa xôi nhưng tài năng của Vidic đã lan sang châu Âu nhất là khi hồi đó, anh đang thi đấu ấn tượng cùng ĐT Serbia tại vòng loại WC 2006 (kết thúc vòng bảng, Serbia đứng đầu và chỉ để lọt lưới đúng 1 bàn). Ferguson biết nếu mình không nhanh tay và âm thầm thì rất có thể sẽ mất Vidic vào tay một đối thủ khác nên ông đã quyết định rất nhanh bỏ ra 7 triệu bảng để chiêu mộ anh. Sau thời gian hòa nhập với môi trường mới, Vidic đã chứng tỏ anh hoàn toàn phù hơp với bóng đá Anh nói chung và CLB MU nói riêng. Cho đến giờ, ai cũng phải công nhận, Vidic là một trong những trung vệ xuất sắc nhất không chỉ của Premiership mà cả châu Âu. Anh đã hợp cùng Ferdinand tạo thành "bức tường thép" khó công phá trước khung thành Van der Sar.

2. Kieran Richardson (West Brom, cho mượn từ MU vào tháng 1 năm 2005)

Richardson khi còn khoác áo West Brom

Richardson là một cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của MU và đã chuyển sang thi đấu cho Sunderland hồi đầu mùa giải này. Nhưng thời điểm được nhắc đến ở đây là vào tháng 1 năm 2005 khi Richardson sang West Brom theo dạng cho mượn từ MU. Hồi đó, West Brom (đang dưới sự dẫn dắt của Bryan Robson, một cựu ... "Quỷ đỏ" thành Manchester) rất cần người cho mục tiêu trụ hạng còn Ferguson cũng muốn cho những cầu thủ trẻ như Richardson thi đấu ở các đội bóng khác để tích lũy kinh nghiệm. Kết quả, Richardson đã chơi cực kỳ thành công và là nhân tố quan trọng nhất trong chiến tích trụ hạng của West Brom trong mùa giải 2005/2006. Chỉ tiếc sau khi trở lại MU, Richardson không thể khẳng định được mình và đến mùa giải này, với sự xuất hiện của Nani, Richardson đã biết anh không còn chỗ đứng ở ĐKVĐ Premiership và chấp nhận chuyển tới Sunderland, hội ngộ cùng "đàn anh" Roy Keane.

3. Javier Mascherano (Liverpool, chuyển tới từ West Ham vào tháng 1 năm 2007)


Từng được coi là một tài năng lớn của bóng đá Argentina nhưng Mascherano đã thất bại thảm hại khi gia nhập West Ham từ CLB Corinthians (Brazil). Và quyết định chuyển tới Liverpool vào tháng 1 năm 2007 có lẽ là sáng suốt nhất trong sự nghiệp của anh. Tại Anfield, dưới bàn tay của Rafa Benitez, Mascherano đã lấy lại toàn bộ khả năng của mình và chiếm một vị trí thường trực trong đội hình của Liverpool. Bằng sự chắc chắn, quyết liệt và một cái đầu luôn tỉnh táo, Mascherano đã đảm nhận xuất sắc vai trò tiền vệ trụ và là bệ phóng cho những Gerrard, Torres, Kuyt tỏa sáng. Các CĐV của Liverpool đã trìu mến gọi anh bằng cái tên "Ông chủ".

4. Matthew Upson (Birmingham, chuyển đến từ Arsenal vào tháng 1 năm 2003 với giá 1 triệu bảng)

Upson khi còn chơi cho Birmingham

Đây có lẽ là một trong những thương vụ để lại nhiều tiếc nuối nhất cho Arsene Wenger. Từng được coi là một gương mặt hứa hẹn của Arsenal và bóng đá Anh, nhưng vị "Giáo sư" người Pháp đã không thể chờ cho đến khi Upson "chín", cũng như việc đã quá hài lòng với hàng thủ hồi đó nên Wenger đã bán vội Upson cho Birmingham với cái giá rẻ mạt 1 triệu bảng. Đến một CLB nhỏ hơn, Upson đã có nhiều đất hơn để phô diễn tài nghệ và anh nhanh chóng trở thành một trụ cột của Birmingham. Ở mùa giải 2002/2003, Upson đã giúp hàng thủ Birmingham trở nên mạnh hơn, góp phần vào thành tích trụ hạng thành công vào cuối mùa với việc giành chiến thắng 7/11 trận đấu cuối cùng. Upson gắn bó với Birmingham cho đến tháng 1 năm 2007 rồi sau đó chuyển sang West Ham United và tiếp tục khẳng định được mình. Vòng đấu thứ 20 vừa rồi, chính Upson là người ghi bàn thắng quyết định giúp đội bóng thành London đánh bại Manchester United.

5. Dean Ashton (West Ham, chuyển đến từ Norwich vào tháng 1 năm 2006 với giá 7 triệu bảng)


Tạo ấn tượng trong màu áo Norwich ở giải hạng Nhất, Dean Aston đã lọt vào mắt xanh của nhiều CLB tại Premier League nhưng West Ham đã nhanh tay hơn cả khi quyết định bỏ ra 7 triệu bảng (kỷ lục của đội bóng hồi đó) để kéo anh về vào tháng 1 năm 2006. Không mất nhiều thời gian, Aston đã là tay săn bàn có phong độ ổn định của "Búa tạ". Trong số những bàn thắng ghi cho West Ham thì đáng nhớ nhất là bàn thắng vào lưới Liverpool ở chung kết cúp FA năm 2006 nhưng chỉ tiếc không thể giúp đội bóng giành cúp (kết quả của trận đó là hoà 3-3 và Liverpool thắng trên chấm đá phạt luân lưu - PV).

6. Robbie Savage (Blackburn, chuyển đến từ Birmingham vào tháng 1 năm 2005 với giá 3 triệu bảng)


Savage là điển hình cho mẫu tiền vệ có lối chơi rắn, quyết liệt và không ngại va chạm. Cầu thủ người xứ Wales này luôn chơi với cái đầu nóng và trái tim lạnh, sẵn sàng phạm lỗi hay gây sự với đối phương nếu thấy cần thiết. Chính điều này đã tiếp thêm chất "thép" cho hàng tiền vệ Blackburn kể từ khi anh gia nhập đội bóng này vào tháng 1 năm 2005. Thi đấu không thực sự nổi trội nhưng "Hoa hồng" luôn cần đến "cái gai" Savage để khiến cho đội bóng trở nên nguy hiểm hơn.

7. Emmanuel Adebayor (Arsenal, chuyển đến từ Monaco vào tháng 1 năm 2006 với giá 7 triệu bảng)


Tiền đạo người Togo đã được xưng tụng là "Kanu mới" kể từ khi khoác áo Monaco. Wenger, một người hiểu quá rõ bóng đá Pháp, đã nhận thấy tiềm năng của Adebayor nên không ngần ngại bỏ ra 7 triệu bảng để mang anh về Arsenal. Ngay ở trận đầu tiên ra mắt đội bóng mới, Adebayor đã ghi được bàn thắng vào lưới Birmingham. Kết thúc mùa giải 2005/2006, Adebayor ghi được 4 bàn qua 10 trận. Tiếc là anh không được thi đấu ở Champions League do đã ra sân trong màu áo của Monaco ở giải đấu này. Adebayor tiến bộ dần và sau khi Henry ra đi, anh chính là chân sút số 1 của The Gunners. Mới 23 tuổi, Adebayor vẫn còn có thể tiến xa trong những năm tới.

8. Robbie Fowler (Liverpool, chuyển nhượng tự do từ Man City vào tháng 1 năm 2006)


Fowler một thời là một cái tên nổi danh trên các sân cỏ nước Anh vào những năm 90 của thế kỷ trước. Anh xuất thân từ Liverpool và cũng được người ta biết đến từ đội bóng giàu truyền thống nhất đảo quốc sương mù này. Sau những năm tháng đẹp nhất cống hiến cho The Kop, Fowler đã lang bạt qua Leeds United, Manchester City và đến tháng 1 năm 2006, anh lại trở về chốn xưa. Lúc đó, người ta coi hành động thu nạp Fowler của Liverpool như là một nghĩa cử cao đẹp cho những gì tiền đạo này đã mang lại cho đội bóng. Bản thân Fowler lại không nghĩ vậy. Anh vẫn thi đấu hết mình mỗi khi được trao cơ hội ra sân. Và Fowler đã đi vào ngôi đền huyền thoại của Liverpool khi vượt qua Kenny Dalglish trở thành chân sút số 1 trong lịch sử đội bóng vào tháng 3 năm 2006 với bàn thắng vào lưới West Brom. Mùa giải 2005/2006, dù chỉ chơi có 6 trận nhưng Fowler cũng kịp ghi 4 bàn thắng. Sau một mùa (2006/2007) thường xuyên ngồi trên ghế dự bị, Fowler lại trở thành cầu thủ tự do và quyết định tới Cardiff ở giải hạng Nhất để thi đấu nốt những năm còn lại của đời cầu thủ.

9. David Bentley (Blackburn, chuyển tới từ Arsenal vào tháng 1 năm 2006)


Thêm một sản phẩm từ lò đào tạo của Arsenal nhưng phải "dung thân" ở một đội bóng khác. Biết không thể cạnh tranh nổi một vị trí ở Arsenal, Bently đã đầu quân cho Blackburn và đó là quyết định hoàn toàn sáng suốt. Bentley đã nở rộ tài năng ở Blackburn và là một mũi tấn công quan trọng của đội bóng này. Chính mùa giải 2005/2006 dù chỉ chơi cho Blackburn trong giai đoạn lượt về nhưng Bentley đã kịp giúp "Hoa hồng" giành vị trí thứ 6 chỉ kém đội xếp thứ 4 (Arsenal) có 4 điểm. Tiền vệ cánh này vẫn duy trì một phong độ ổn định và anh đã được gọi vào ĐTQG, một điều mà chắc Bentley không dám mơ tới nếu cứ ở lại Arsenal.

10. Patrice Evra (Manchester United, chuyển đến từ Monaco vào tháng 1 năm 2006 với giá 5,5 triệu bảng)


Cách đây gần 2 năm, Alex Ferguson chỉ coi Evra là "kẻ đóng thế" cho Heinze (đang dưỡng thương) ở vị trí hậu vệ trái. Nhưng dần dần bằng tài năng và nỗ lực của bản thân, Evra đã vươn lên thành "kép chính" và đẩy Heinze xuống hàng "vai phụ". Phong độ thuyết phục đó đã buộc hậu vệ người Argentina phải tìm đường ra đi khi nhận thấy mình không còn được trọng dụng ở Old Trafford (Heinze đã sang Real Madrid nhưng chưa thể lấy lại thời kỳ đỉnh cao của mình - PV). Kể từ sau Denis Irwin, "Quỷ đỏ" thành Manchester mới tìm thấy một hậu vệ trái công - thủ toàn diện đến vậy. Không chỉ đảm trách tốt công việc của một mắt xích trong tuyến phòng thủ, Evra còn thường xuyên lao lên tấn công, phối hợp với Ryan Giggs cũng như tung ra các đường chuyền sắc sảo. Vì thế, Ferguson đã lâu rồi không còn lo lắng gì về cánh trái. Và cái giá 5,5 triệu bảng xem ra là "quá hời" với ngài Alex.

  • Thuý Nga

Có thể bạn quan tâm

Video

Nhận định Bournemouth vs Everton (22h00 ngày 30/3): Giành giật điểm số

Nhận định Bournemouth vs Everton (22h00 ngày 30/3): Giành giật điểm số

Nhận định Bournemouth vs Everton (22h00 ngày 30/3): Giành giật điểm số

Mỗi điểm số với Everton bây giờ lại càng giúp họ né xa khỏi khu vực cầm đèn đỏ của Premier League. Bournemouth là một đối thủ không còn mục tiêu chiến đấu và rõ ràng là cơ hội tốt để Everton tiếp tục tích lũy thêm điểm số trong cuộc đua trụ hạng.

Xem thêm
top-arrow
X