Nói đúng hơn là các CLB lớn tại Premier League chẳng đặt các cầu thủ người Anh làm trọng tâm mua sắm. Thay vào đó, họ tiếp tục hướng ánh mắt sang những ngôi sao ngoại quốc.
Theo thống kê sau khi kết thúc kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa rồi, trong số 77 cầu thủ có giá trên 1 triệu bảng, chỉ có khoảng 10 người Anh, và những đội mua họ hầu hết là mới thăng hạng. Trong số 19 tân binh có giá trên 10 triệu bảng, duy nhất Andy Carroll (15,5) là người Anh.Andy Carroll là cầu thủ Anh đắt giá nhất mùa hè qua, với giá 15,5 triệu bảng
“Nội binh” ế ẩm
Carroll thật ra không phải tân binh của West Ham ở mùa giải này. Anh thi đấu ở Upton Park suốt cả mùa trước theo bản hợp đồng cho mượn từ Liverpool. Cái giá 15,5 triệu bảng thật ra chưa bằng một nửa số tiền mà Kenny Dalglish bỏ ra để đưa anh từ Newcastle về Liverpool hồi tháng 1/2011.
Cầu thủ Anh hot nhất trong mùa hè vừa qua là Wayne Rooney, và tưởng chừng Chelsea sẽ là bến đỗ kế tiếp của anh khi Jose Mourinho liên tục mời gọi bằng những sự đãi ngộ hấp dẫn. Song rốt cuộc, “số 10” vẫn ở lại Old Trafford, chấp nhận là người thứ hai, sau van Persie, trên hàng công M.U. Thậm chí, David Moyes còn tin dùng Welbeck hơn anh. Một cầu thủ Anh khác được quan tâm trên thị trường chuyển nhượng là Leighton Baines cũng quyết định ở lại Everton chứ không theo chân ông thầy David Moyes sang M.U như nhiều lời đồn đại.
Chính sách mua sắm của các đội bóng lớn thể hiện rõ tư tưởng sính ngoại: 34/35 cầu thủ mà họ tăng cường hè này là những cầu thủ nước ngoài. Gương mặt nội duy nhất trong số ấy là Isaiah Brown, một tiền vệ mới 16 tuổi, được Chelsea mua về cho đội dự bị của họ. Sự thật là họ cũng không có nhiều sự chọn lựa khi cầu thủ giỏi người Anh ngày càng hiếm hoi.
Ashley Cole, Lampard, Terry (Chelsea), Carrick (M.U), Gerrard, Johnson (Liverpool) vẫn có tiếng nói quan trọng ở CLB, và thực ra ở độ tuổi của họ, cũng chẳng có CLB nào muốn rước về. Song dù những lão tướng ấy được thi đấu thường xuyên tại CLB chủ quản, đó không phải dấu hiệu tích cực cho tương lai của ĐT Anh.
Nỗi buồn của Hodgson
Điều đáng nói là với sự hiện diện ồ ạt của các cầu thủ ngoại, cơ hội thi đấu của cầu thủ nội địa càng nhỏ nhoi. Với sự hiện diện của Navas và Fernandinho ở Etihad, Scott Sinclair bật bãi sang West Brom, Gareth Barry phải tìm cơ hội tại Everton, còn Milner mới đá vỏn vẹn 27 phút từ đầu mùa. Steven Caulker, tương lai của hàng thủ Tam sư, đã phải tạm biệt Tottenham để gia nhập Cardiff City vì không thể cạnh tranh với Dawson, Vertonghen, và Kaboul. Trước đó, “Gerrard mới” Jonjo Shelvey cũng không thể trụ lại Liverpool và phải gia nhập Swansea. Một lời khuyên cho Roy Hodgson: nếu ông muốn tìm những nhân tố mới cho ĐTQG, hãy đến xem những đội bóng trung bình.
Thật ra, với phong độ xuất sắc của Sturridge, sự ổn định của Cahill, hay những suất cứng tại CLB như Wilshere, Walcott, Kyle Walker, Hodgson vẫn có thể lọc ra một vài trụ cột cho Tam sư. Chỉ có điều như vậy là quá ít. Các cầu thủ như Smalling, Cleverley, Sterling, Phil Jones,… đều có vẻ chững lại, và thực tế họ cũng phải cạnh tranh vị trí rất gay gắt với những ngoại binh. Ngay cả Zaha, người từng được báo chí Anh coi như một thần đồng, cũng chưa được David Moyes sử dụng một phút nào kể từ đầu mùa.
Giống như các mùa trước, những HLV ngoại vẫn chiếm đa số trên băng ghế huấn luyện tại Premier League (15/20), và điều đó đương nhiên tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách mua sắm của CLB. 4/5 HLV nội dẫn dắt những đội bóng chỉ lo trụ hạng (Ian Holloway - Crystal Palace, Steve Bruce - Hull City, Alan Pardew - Newcastle, và Sam Allardyce - West Ham). HLV nội duy nhất dẫn dắt một đội lớn là Brendan Rodgers tại Liverpool, song nên nhớ, 8 tân binh mà ông mang về Anfield mùa này đều là ngoại binh cả.Đừng hỏi tại sao Roy Hodgson, và những người tiền nhiệm của ông hay than thở về vấn đề lực lượng của Tam sư. Không có bột, sao gột lên hồ!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)