Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn lại số phận 6 vị "đại tướng" của Premier League

Thứ Tư 08/01/2014 15:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ngỡ như việc Sir Alex cáo lão sẽ làm mất đi một nguồn thông tin bổ ích cho báo giới, một phần tính quyết liệt cho Premier League. Tuy nhiên, hóa ra mùa giải này lại là một mùa bóng bùng nổ về số lượng các đội bóng tham gia cạnh tranh cũng như số lượng những nhà cầm quân đáng chú ý.

Những người cũ

Không còn Sir Alex, không còn những cuộc khẩu chiến kéo dài, những đòn tâm lý qua lại giữa các huấn luyện viên. Mùa giải này Premier League trôi đi như một con sông lớn hợp lưu nhiều dòng chảy, mỗi luồng nước lao đi với số phận của riêng mình. Tuy bề mặt âm thầm đấy mà không ngớt tạo ra những đợt sóng ngầm dữ dội, đảo xoay mạnh mẽ kết cấu bảng xếp hạng vốn thường mang tính chia khu, tách biệt rõ ràng trong vài mùa gần nhất.

jose mourinho
 

Người “cũ nhất” cũng chính là người có thể cười tươi nhất - Arsene Wenger. Những gì ông bền bỉ dựng xây đang cho quả ngọt. Có thể nói hệ thống vận hành của Arsenal đang ổn định, ít bị phụ thuộc nhất ở Premier League, dù nó không gồm những vật liệu hảo hạng nhất. Không nghi ngờ gì, khi Sir Alex đã “bỏ cuộc chơi”, Giáo sư Wenger thay thế như một lão làng thâm niên nhất, một vị thuyền trưởng thông thuộc nhất hải trình, đã có cả một quá trình dài dùi mài binh lực, thiết lập kỷ cương, và luôn là một biểu tượng lớn được ủng hộ ở Emirates. Không có bất cứ chiến lược gia nào ở Premier League lúc này sở hữu những ưu thế đó.

Một “người cũ” khác là Brendan Rodgers. Đến với Liverpool không thành công ngay từ đầu, nhưng huấn luyện viên có lẽ là kín tiếng nhất này lại đang có một mùa giải ưng ý, ít nhất là so với người tiền nhiệm. Đi lên từ đội bóng hạng vừa, cũng có nhiều vấp váp, song sự lẳng lặng cầu thị, kiên định của Rodgers cũng như sự tin tưởng từ BLĐ đã giúp ông biến The Kop trở lại hình ảnh thế lực hàng đầu. Áp lực dành cho ông dĩ nhiên không thể bằng David Moyes bởi Liverpool ông tiếp quản không ở trên đỉnh cao hay đội chiếc vương miện nào để phải bảo vệ, cả đội lại sống quá nhiều nhờ hơi thở của Suarez, nhưng nhìn chung Liverpool vẫn là một tập thể tốt, chơi hiệu quả, đáng “đề phòng” trong mùa giải này.

Trái ngược với sự đi lên của hai “người cũ” kia, người “không cũ lắm” Villas Boas lại rơi vào bi kịch. Danh xưng “Mourinho đệ nhị” mà truyền thông đặt cho ông có lẽ đã đến lúc thu hồi. Mùa giải trước Tottenham chơi có nét bao nhiêu thì mùa này, với thói mua bán vô tội vạ, thiếu tính toán, họ lại thảm hại bấy nhiêu. Đá bóng như một câu lạc bộ điền kinh loạn nhịp, chẳng ai còn nhận ra bóng dáng làm các đại gia ngán ngẩm của Gà trống nữa. Trách nhiệm của Villas Boas không phải tất cả, nhưng cũng không thể chối cãi. Vậy là, ông đã liên tiếp thất bại và bị đẩy ra đường ở hai câu lạc bộ hàng đầu nước Anh, khiến người ta đặt câu hỏi về khả năng thích nghi của vị tướng trẻ này với đấu trường “đẫm máu” như Premier League.

Những người mới

Ở đây có một người mới hoàn toàn, một người mới đội bóng cũ giải đấu, và một người mới mà cũ.Được cho là giàu cá tính hơn, danh giá hơn, sở hữu tiềm lực tốt hơn, song Mourinho hay Pellegrini đều không thể bắt nhịp nhanh với câu lạc bộ của mình, ban đầu để bị tụt lại sau những Arsenal, Liverpool. Theo thời gian, mọi thứ mới dần đi vào trật tự khi hai đội bóng áo xanh, hay chính xác là hai nhà huấn luyện bắt đầu tìm ra công thức chiến thắng. Họ xếp sau Arsenal nhưng rất sát, và rõ là chẳng có một cơ sở nào để Pháo thủ có thể quá lạc quan hoặc chủ quan với vị trí số một của mình.

Mourinho và Pellegrini tưởng như sẽ là “cặp đôi ồn ào” kế tiếp, nhưng không. Họ có vẻ tập trung vào việc cải thiện kết quả của đội bóng. Cũng phải, với nhân lực luôn thuộc dạng tốt nhất giải, họ không có quyền sơ suất nhiều. Thì đó, với đẳng cấp của mình, cả hai đều đang léo lái con thuyền đi đúng hướng, dù đôi lúc có chòng chành hay vướng phải đá ngầm, thì chiều hướng đi lên vẫn là trông thấy được.

Trong tất cả, David Moyes bị “soi” nhiều nhất. Lý do thứ nhất, ông thế chỗ huấn luyện viên vĩ đại nhất lịch sử Premier League. Lý do thứ hai, MU là đương kim vô địch, là đội cạnh tranh nó suốt 20 năm ròng, có lượng fan (lẫn antifan) đông khủng khiếp, ông không thể được cảm thông, ít nhìn ngó tới như Brendan Rodgers. Sau Boas, Moyes chính là người “hẩm hiu” nhất. Hoan nghênh tinh thần đón nhận thử thách của ông khi nhận lời về Old Trafford, song dường như nó có phần nào đó bị tác động lớn bởi sức nặng của Sir Alex cũng như một nấc thang rực rỡ trong sự nghiệp bất chợt hiện ra, còn chính Moyes chưa có chuẩn bị gì để làm một công việc kiểu thế này.

Hai chữ “sa thải” chắc hơi xa vời. Coi vậy thôi chứ MU có thể kiên nhẫn được, phải có cơ hội cách tân đội hình, phải có một năm làm quen, Liverpool đã khá thành công với Rodgers sau một mùa thất vọng đó thôi? Nhưng dù gì, nếu Moyes cứ để MU thua mãi, hòa mãi, ông không thể trách khỏi “gạch đá”, đến các huyền thoại còn không phải ngoại lệ. Số phận của vị huấn luyện viên này có lẽ sẽ được quyết định vào cuối mùa giải, không hẳn bởi vị trí trên BXH, mà để xem khi đó Moyes hiểu đội bóng chưa, MU có gì, còn lại gì, nguyên khí đến đâu, và quan trọng nhất là có thể bổ sung gì đó hay không.

6 con người, 6 số phận, họ đưa 6 đội bóng đi theo những lộ trình chẳng ai giống ai, nhưng đều đáng được nhắc đến, không thể bỏ sót. Premier League khốc liệt quá, chật chội quá, phức tạp quá, những vị tướng tài cũng chưa chắc bám trụ được nơi đây. Và có thể lắm, vị trí của 6 cái tên (Boas đã bị thế chỗ) sẽ khác đi nhiều khi 38 vòng đấu khép lại, không thể nói trước được gì.

Theo Bongda

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X