Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn lại những "di sản" của David Gill tại M.U

Thứ Năm 21/02/2013 21:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

David Gill, nhà điều hành bóng đá 55 tuổi đã tuyên bố sẽ rời M.U vào cuối tháng 6, để lại nhiều di sản gây tranh cãi cũng như những đánh giá còn chưa thống nhất về vai trò của ông trong một giai đoạn thành công rực rỡ của CLB áo đỏ.

Với một số người, Gill là nhà thương lượng tài ba và người mang tới sự ổn định trong một thời kỳ đầy sóng gió ở M.U, nhưng với những người khác, ông là một kẻ phản bội đạo đức giả quay lưng lại với các CĐV trong khi bỏ túi những đồng tiền bẩn của nhà Glazer. Không ai phản đối rằng 10 năm của Gill ở M.U đã biến ông thành một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất giữa các CĐV áo đỏ.

David Gill đã quyết định rời khỏi Man United
David Gill đã quyết định rời khỏi Man United

Trong việc kinh doanh, M.U giành được nhiều thắng lợi về thương mại ở các thị trường châu Mỹ và châu Á, nhưng đồng thời phải gánh khoản nợ khổng lồ sau cuộc tiếp quản của nhà Glazer tháng 5/2005. Nhiều CĐV, đặc biệt là những người thuộc nhóm “Yêu M.U nhưng ghét nhà Glazer”, sẽ không bao giờ tha thứ cho người đã đạo diễn vụ bán CLB cho những người Mỹ. Các CĐV đó đã hô vang “Juda” mỗi khi nhìn thấy Gill và tự mình thành lập ra đội bóng ly khai FC United of Manchester.

Những con số tài chính mới công bố gần đây của M.U mang lại lạc quan thận trọng: lợi nhuận tăng 74% trong nửa sau năm 2012, với tổng doanh thu tăng chủ yếu nhờ các hợp đồng tài trợ, dù doanh thu từ truyền hình giảm. Tổng nợ vẫn ở mức 366,6 triệu bảng, trong khi chi phí lương tăng 10% lên 84,5 triệu bảng vì các chữ ký và hợp đồng mới.

Nhưng vị thế dẫn đầu trong việc khai thác các thị trường mới nổi và kinh doanh của M.U là không thể phủ nhận. Họ cũng là đội đi tiên phong trong việc khai phá thị trường châu Á và Gill đã giám sát hầu hết những phát triển ở đó với vai trò giám đốc điều hành. Một cuộc thăm dò năm 2011 thông báo vào cuối mùa trước tuyên bố CLB có 659 triệu CĐV trên toàn cầu, với 325 triệu ở riêng châu Á, một con số hết sức ấn tượng và là bằng chứng cho tầm nhìn của Gill trong việc phát triển thương hiệu M.U.

Cũng có những điều Gill làm khiến các CĐV phiền lòng, như việc bỏ dòng chữ “CLB bóng đá” khỏi logo của CLB, chuyển trụ sở chính thức từ Old Trafford sang quần đảo Cayman để hưởng thuế ưu đãi, gắn logo của Chevrolet lên áo đấu của đội một từ năm 2014 trở đi với hợp đồng trị giá lên đến 357 triệu bảng cùng General Motors, nhưng tất cả cũng là dễ hiểu với một nhà điều hành kinh doanh.

Những quyết định thuần túy theo kiểu một doanh nhân chuyên nghiệp đó của Gill giúp M.U bứt lên so với các đối thủ, ngay cả những đội bóng được tài trợ bởi các tỉ phú với túi tiền tưởng chừng không đáy như Chelsea và Manchester City. Trên sân, họ luôn đứng dậy sau mỗi thất bại (như khoảng cách 12 điểm trước đối thủ cùng thành phố Man City mùa này, sau khi đã để mất chức vô địch vào tay đội bóng láng giềng mùa trước). Còn bên ngoài sân họ tiếp tục tăng trưởng.

Cùng với thời giam, ảnh hưởng của Gill lên những vấn đề bên ngoài M.U cũng tăng lên, khi ông được bổ nhiệm vào ban điều hành của LĐBĐ Anh (FA). Một phần lý do khiến ông rời M.U là bởi Gill tin rằng “mọi doanh nghiệp đều phải tự làm mới mình với những ý tưởng và sự quản trị mới”, nhưng nhiều người tin rằng là bởi việc ông được đề bạt làm phó chủ tịch FA từ tháng 10 năm ngoái.

Sir Alex Ferguson khẳng định: “Ông ấy luôn muốn điều tốt nhất cho M.U, dù đó là với các cầu thủ, sân tập hay ban huấn luyện”, một lời khen ngợi giành cho vị giám đốc điều hành thứ 3 mà ông làm việc cùng ở Old Trafford. Mới tháng trước, tạp chí Forbes tuyên bố M.U là thương hiệu thể thao đầu tiên có giá trị vượt qua 3 tỉ USD, vượt xa so với Dallas Cowboys đứng thứ hai với 2,2 tỉ USD. Nói ngắn gọn, M.U là tiêu chuẩn vàng của tiếp thị thể thao toàn cầu và Gill sẽ được nhớ đến như kiến trúc sư trưởng của công trình đó.

Chiêu Văn - Bongdaplus.vn
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X