Ngày 10/1/2010 là ngày giải vô địch châu Phi CAN lần thứ 27, sẽ diễn ra. Giải kết thúc vào ngày 31/1. Trong suốt khoảng thời gian đó diễn ra bốn lượt trận ở Premier League, nhiều khả năng với sự vắng mặt của Didier Drogba, Michael Essien, John Mikel Obi và Salomon Kalou (Chelsea), cùng Emmanuel Adebayor và Kolo Toure (Man City).
Adebayor (giữa) sẽ vắng mặt trong suốt tháng 1/2010 vì bận dự CAN |
Vào thời kỳ tham dự World Cup còn là một giấc mơ với các đội châu Phi, Ai Cập duy nhất một lần được tranh tài ở vòng chung kết vào năm 1934, nhưng phải đợi tận tới Mexico 1970 mới thấy lại một đại diện của lục địa đen. Điều đó có nghĩa là CAN trở thành sân chơi lớn duy nhất cho những đội bóng châu Phi. Tuy nhiên, trong khi yêu cầu các HLV Premier League tôn trọng các ĐTQG châu Phi, có lẽ cũng nên thông cảm và chia sẻ với sự lo lắng của họ. Chẳng hạn với Mark Huges, việc để tiền đạo chủ lực có giá tới 25 triệu bảng của ông tới Angola có lẽ chỉ là lựa chọn sau cùng. Mối lo chỉ là những con bọ cạp, loài côn trùng gây chết người khá nhiều ở Angola mỗi năm.
Chỉ dẫn của Văn phòng đối ngoại và Liên hiệp Anh (FCO) cho thấy tình hình tồi tệ đến mức nào. “Không đi bất cứ đâu vào buổi tối”, thông báo của FCO với công dân Anh ở thủ đô Luanda viết. Ngoài ra, tuyệt đối không đeo vàng, bạc, đồng hồ hay các loại trang sức, dù là đồ giả, không sử dụng điện thoại di động ngoài phố, dù là ngày hay đêm. “Đi lại ở Angola vẫn là hết sức mạo hiểm”, thông báo kết luận, “Thậm chí nước máy và điện cũng là những thứ xa xỉ chỉ dành cho một số người có đặc quyền”.
Những cầu thủ bóng đá chắc chắn có đặc quyền. Có tới 16 đội tham dự CAN 2010 và sẽ không thể dồn hết họ vào một khách sạn tốt nhất Angola. Một số người sẽ phải dạt ra những vùng ngoại ô bên ngoài Luanda, ở Benguela, Lubango và Cabinda. “Bên ngoài Luanda, chỗ ở và phương tiện đi lại rất hạn chết”, FCO cảnh báo. Còn tại Cabinda, súng vẫn nổ hàng ngày khi chính quyền không có nhiều tiếng nói và quyền lực thực sự nằm trong tay các lãnh chúa địa phương đang dùng vũ lực để đòi được tự trị. Sẽ không ngạc nhiên nếu có cầu thủ nổi tiếng nào lọt vào tầm ngắm của quân nổi dậy vì tiền chuộc hoặc vì muốn thu hút sự chú ý quốc tế cho mục tiêu tìm kiếm tự do của họ. Bảng A, với 5 trận đấu được tổ chức ở Cabinda, sẽ là một bảng tử thần thứ thiệt.
LĐBĐ châu Phi (CAF) đã quyết định trao quyền tổ chức giải năm nay cho Angola như một sự khích lệ cho quốc gia vừa thoát khỏi 27 năm nội chiến này. Tuy nhiên, có vẻ như CAF đã đánh giá quá cao khả năng của nước chủ nhà. Y tế rất hạn chế bên ngoài Luanda. Dịch tả và sốt rét vẫn xảy ra thường xuyên. Tất nhiên, Chelsea có thể để mất Drogba 1 tháng mà không phải lo lắng quá nhiều. Dẫu sao lịch thi đấu vào tháng 1/2010 của họ cũng không quá khó: Hull, Sunderland, Birmingham và Burnley, nhưng nếu tiền đạo người Bờ Biển Ngà trở lại ốm yếu hay kiệt sức vì điều kiện tại Angola, khó thể trách nếu Carlo Ancelotti lên tiếng phàn nàn.
Trước kia, CAF từng tổ chức CAN ở một số địa điểm cũng đầy thách thức. Burkina Faso năm 1998 hay Mali 2004 là những ví dụ. May mắn là mọi chuyện đã diễn ra yên ả và hy vọng lần này cũng thế.
Người Phi châu ở Ngũ đại gia M.U: Không có Chelsea: Didier Drogba, Salomon Kalou (Bờ Biển Ngà), Mikael Essien (Ghân), Jon Obi Mikel (Nigeria). Arsenal: Emmanuel Eboue (Bờ Biển Ngà), Alexander Song (Cameroon). Liverpool: Nabil El Zhar (Maroc) Man City: Emmanuel Adebayor (Togo), Kolo Toure (Bờ Biển Ngà), Benjani (Zimbabwe), Kelvin Etuhu (Nigeria) |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)