Đội tuyển quốc gia Anh đã thất bại 6/7 loạt đá penalty tại các giải đấu lớn và mới đây, lớp đàn em của họ cũng gục ngã trước Olympic Hàn Quốc trên chấm phạt đền. Những thất bại liên trong các loạt “đấu súng” là do may rủi hay bắt nguồn từ tâm lý yếu kém của người Anh?
Theo thống kê của tờ Guardian, ĐTQG Anh thuộc diện sút penalty kém nhất thế giới. Saudi Arabia (thắng bốn lần), Czech (3) và Bồ Đào Nha (2) là những đội có tỷ lệ thắng trên chấm phạt đền cao nhất, lên tới 100%. Đức tuy chỉ xếp thứ tư (83%) nhưng cũng xứng đáng được ca ngợi bởi đã tham gia vào 6 cuộc “đấu súng” và thắng tới 5, chỉ thua 1 lần đầu tiên và duy nhất trước Tiệp Khắc tại chung kết EURO 1976. Trong khi đó, Anh lại thuộc nhóm đội sổ. Với tỷ lệ 14% (thắng 1, thua 6), "Tam sư" chỉ xếp thứ tư từ dưới lên, chỉ hơn được Costa Rica, Gabon và Romania, những đội chưa một lần được hưởng niềm vui chiến thắng.Sturridge kéo dài chuỗi trận thất bại trên chấm phạt đền của người Anh
Phân tích kỹ hơn, người Anh dở trong cả sút lẫn cản phá. Người Czech đã sút 20 quả penalty và chiến thắng cả 20 lần (tỷ lệ thành công là 100%) còn người Đức trong 28 lần đứng trước chấm phạt đền, thành công tới 26 (93%). Còn các cầu thủ của xứ sở sương mù trong 35 lần đá penalty, sút hỏng tới 12 (66%). Các thủ môn của Anh cản phá các quả phạt đền không tồi nhưng cũng chưa thật sự xuất sắc. Trong 36 lần "đấu súng", các thủ môn của "Tam sư" mới cản phá hoặc gây sức ép khiến cầu thủ đối phương tự sút hỏng bảy lần (tỷ lệ cản phá là 19%), xếp thứ 10 từ dưới lên. Xuất sắc nhất trong lĩnh vực cản phá là các thủ môn Mỹ khi đã ngăn cản được 14/23 quả penalty, đạt tỷ lệ 61%.
Có một vận rủi luôn đeo bám người Anh hay những thất bại của họ hoàn toàn do năng lực hạn chế của các cầu thủ? Ông Mark Sheasby, 53 tuổi, một nhà thương thuyết các vụ bắt cóc nổi tiếng trước đây, nay là một bác sỹ tâm lý uy tín cho các ngôi sao bóng đá, cricket và rugby đã đưa ra một số lý giải về vấn đề này. Theo ông Sheasby, những thất bại của “Tam sư” hoàn toàn do các cầu thủ và nằm ở vấn đề tâm lý chứ không phải khả năng kỹ thuật. Chuyên gia này cho rằng có thể do tác động của những thất bại trước đây, các cầu thủ Anh luôn tỏ ra quá lo lắng mỗi khi đá phạt đền. Các cầu thủ có thể tự trấn tĩnh bản thân rằng mình sẽ thành công nhưng như vậy, thực tế cũng là đang suy nghĩ về vấn đề này, tức phải phân tán cả trí lực lẫn thể lực cho nó.
Sự lo lắng này cũng trợ giúp tích cực cho đối phương. Thứ nhất, thủ môn của đội bạn sẽ nhận thấy sự lo lắng hiện trên nét mặt các cầu thủ Anh nên dễ phán đoán hơn. Thứ hai, các cầu thủ sút phạt của đối phương sẽ tự tin hơn hẳn bởi tin sẽ nắm chắc phần thắng trong tay mỗi khi “đọ súng” với người Anh. Ngoài ra, các cầu thủ Anh còn mắc phải tâm lý chiến đấu là hay bỏ cuộc, vốn là một phản xạ tự nhiên thường xuất trong những tình huống căng thẳng. Phản xạ này giới hạn khả năng xử lý thông tin và giải quyết vấn đề. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, các VĐV phải có tâm lý "bách chiến bách thắng". Tại West Bromwich, ông Sheasby đã đánh thức được tâm lý này trong một cầu thủ bằng cách giúp anh ta hình dung chính xác hình ảnh và cảm giác của lần ghi bàn thành công trước đó.
Thực ra, những phân tích của ông Sheasby mới chỉ dựa trên lý thuyết còn để lý giải cặn kẽ trường hợp của “Tam sư”, phải tiến hành những nghiên cứu tâm lý học chuyên sâu với các cầu thủ của đội tuyển Anh trong một thời gian dài. Biện pháp khắc phục của ông Sheasby cũng mới chỉ thử nghiệm cho một cầu thủ của West Bromwich, đội chưa từng phải đối mặt với sức ép khủng khiếp, chứ chưa chắc sẽ hiệu quả với các ngôi sao hàng đầu trong các trận cầu sinh tử. Như vậy, muốn không phải nhận những thất bại trên chấm phạt đền nữa, LĐBĐ Anh có lẽ cần phải đầu tư cho nghiên cứu nhằm tìm ra câu trả lời chính xác nhất thay vì cứ đánh bạc vơi số phận của mình, và thường là thua, như hiện nay.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)