Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Ngày tàn của đế chế Fergie?

Thứ Tư 20/10/2010 13:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cảm giác những ngày cuối cùng của một đế chế đang bao phủ sân Old Trafford sau những tin tức về Wayne Rooney. Thời điểm đó có lẽ không xa bởi tiền đạo người Anh chắc chắn ra đi và Alex Ferguson cũng sẽ rời Old Trafford trong nay mai.

Thời thế đổi thay

Ferguson từng hoạch định tương lai tươi sáng cho M.U xung quanh hai cầu thủ trẻ đẳng cấp thế giới, Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo, nhưng giờ đây kế hoạch đó đang đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Hơn thế nữa, chính Ferguson sẽ 69 tuổi khi mùa giải này kết thúc. Sự mệt mỏi đã bắt đầu xuất hiện, cả về mặt thể chất, tinh thần lẫn động lực. Ngay cả nếu ông vẫn còn những điều đó, ngân quỹ của Old Trafford giờ không còn sẵn sàng cho các cuộc chiến trên thị trường chuyển nhượng nữa.

Các CĐV áo đỏ lạc quan có thể tranh cãi rằng HLV của họ đã giải tán, tái thiết rồi xây dựng lại biết bao đội bóng thành công, nhưng có một điều không thể tranh cãi là hai hòn đá tảng cho kế hoạch hiện giờ là Rooney và Ronaldo, bên cạnh những lão tướng dày dạn của quá khứ, Ryan Giggs và Paul Scholes, hay những cầu thủ đang ở độ chín như Darren Fletcher và Nemanja Vidic.

Đã đến lúc Ferguson nên tính chuyện về hưu ?

Bộ đôi đó là xương sống trong mọi kế hoạch ở Old Trafford. Trước kia, Ferguson bán đi David Beckham vì ông đã tìm được một người thay thế còn xuất sắc hơn. Ông cũng chia tay đầy giận dữ với Ruud van Nistelrooy, nhưng chỉ khi đã biết chắc Rooney sẽ trưởng thành với vị thế tiền đạo xuất sắc nhất nước Anh. Tóm lại, trong những trường hợp đó, tương lai đã được bảo đảm, nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác.

Ronaldo đã sang Real Madrid, danh hiệu mất vào tay Chelsea, Rooney sắp ra đi, có thể là với giá rẻ mạt và Manchester City đang nổi lên mạnh mẽ, Ferguson còn có thể làm gì? Ông vẫn có trong tay một đội hình mạnh với nhiều cầu thủ giỏi, nhưng giờ đã có những két sắt lớn hơn đặt ở Manchester và cả ở châu Âu lục địa nữa. Lúc này đây, có thể sẽ mất nhiều năm để Fergie đưa M.U trở lại vị trí của họ 2 năm trước, trước khi vụ chuyển nhượng Ronaldo, vốn không thể tránh khỏi, xảy ra.

Không giữ được người cũ, M.U cũng không còn đủ sức mạnh tài chính để thu hút những cái tên mới. Hầu hết các ngôi sao tỏa sáng ở World Cup 2010 đều đổi CLB vào mùa hè năm nay, nhưng không ai đến Old Trafford. David Villa sang Barcelona, Real Madrid có Mesut Ozil. Khi Rooney ra đi, M.U chắc chắn không còn ở đẳng cấp xứng đáng với họ nữa.

Mất Rooney còn tệ hơn mất Ronaldo

Đội bóng áo đỏ đã tổn thất rất nhiều sau khi mất Ronaldo, nhưng buộc phải bán Rooney là điều còn tồi tệ hơn. Ferguson ít ra có thể đổ lỗi cho thái độ của Ronaldo và khoản tiền 80 triệu bảng mà Real Madrid sẵn sàng bỏ ra vào năm 2009, nhưng với trường hợp Rooney, khó có lời giải thích nào khác ngoài sự bất lực của ông và ban lãnh đạo CLB. Đời tư của tuyển thủ Anh khiến tình hình thêm phức tạp. Rất có thể Rooney đã hiểu lầm cố gắng của Ferguson khi ông tìm cách thiết lập lại kỷ luật và phần nào bảo vệ anh bằng cách loại tiền đạo này khỏi đội hình xuất phát trong vài trận gần đây của M.U.

Có thể thông cảm đôi chút với Ferguson trong vấn đề này. Giàu kinh nghiệm và thông thái, ông hiểu cách để giúp các cầu thủ vượt qua những trở ngại cả trên sân lẫn ngoài đời. Trên thực tế, HLV người Scotland đã tạo cho cả Ronaldo và Rooney nền tảng tốt nhất để phát triển. Ông là người có vai trò quan trọng nhất trong việc biến Ronaldo thành cầu thủ như bây giờ và đưa Rooney vượt qua những thời điểm khó khăn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, quá khứ có lẽ không phải là điều tuyển thủ Anh nghĩ đến lúc này.

Xét trên phương diện nào đó, Ferguson đã may mắn với thế hệ thứ hai ông xây dựng ở Old Trafford, thế hệ vàng của những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo M.U, những người giành cú ăn ba lịch sử. Khi đó, Neville Neville, cha của Gary và Phil, là người đứng ra thương lượng hợp đồng cho các con với đội bóng và cuộc thương lượng thường chỉ mất 15 phút. Những trường hợp của Scholes và Giggs lại càng dễ dàng: họ đặt bút ký tiếp hợp đồng gần như ngay khi được đề nghị. Nhờ thế, các cuộc thương lượng hợp đồng trước kia ở Old Trafford diễn ra êm ả hơn nhiều.

Hoàn toàn trái ngược, Rooney, ngay từ khi còn trẻ, đã chịu rất nhiều ảnh hưởng từ người đại diện Paul Stretford. Stretford có vai trò không nhỏ trong vụ chuyển nhượng 25,6 triệu bảng đưa Rooney từ Everton tới M.U khi anh 18 tuổi. Mối bận tâm của ông và Ferguson rõ ràng là hoàn toàn khác nhau. HLV người Scotland từng nói ông chưa bao giờ nhận được bất cứ đề nghị nào liên quan tới Scholes, vì các CLB khác hiểu rõ rằng không thể mua được anh. Điều tương tự sẽ không đúng với Rooney.

Từ trước đến giờ, Ferguson luôn đối xử với các cầu thủ của mình như nhau, dù đó là các siêu sao, như Beckham hay van Nistelrooy. Nhưng giờ đây, có vẻ như phong cách “máy sấy tóc” không còn hiệu quả nữa. Có thể M.U sẽ điều chỉnh để thích nghi được trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, việc để mất Rooney sẽ là một đòn trí mạng. Juventus bán Zinedine Zidane cho Real Madrid năm 2001 và không bao giờ hồi phục kể từ đó, còn M.U đứng trước nguy cơ mất hai cầu thủ giỏi nhất của mình trong hai năm liên tiếp mà không có người thay thế.

Tệ hại hơn, việc Ronaldo và Rooney ra đi còn khiến M.U trở nên kém hấp dẫn với các tài năng lớn, như Wesley Sneijder của Inter Milan, người thẳng thừng từ chối Old Trafford vào mùa hè này. Những người ở lại, các tài năng mới nổi như Rafael hay Javier Hernandez, cũng sẽ không khỏi có một cảm giác tương tự, và nhiều khả năng sẽ coi Ronaldo và Rooney như các ví dụ khi họ phải cân nhắc giữa lòng trung thành và tiền bạc.
 
(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X