Những gì đã diễn ra cho thấy mọi nỗ lực cứu vãn của HLV Wenger lúc này đều là vô vọng. Arsenal không thể quay trở lại dáng hình cũ nữa. Người ta tưởng rằng Nasri và Fabregas là những viên gạch móng, rút mất thì kết cấu Arsenal sẽ chao đảo. Nhưng hóa ra họ là những viên đá đỉnh vòm, rút ra rồi thì chỉ có sụp đổ toàn bộ. Sụp lên đầu Arsene Wenger.
Trong kiến trúc cổ phương Tây, những cánh cổng vòm được xây bằng cách ghép những phiến đá lại theo đường cong, và để kết cấu kỳ lạ ấy đứng vững, phải có một viên đá đỉnh vòm, lèn chặt toàn bộ phần còn lại. Rút nó ra là sập.
Tình cảnh của Arsenal bây giờ dễ làm người ta liên tưởng đến Bayer Leverkusen của mùa giải 2002/03. Leverkusen thời ấy ngã xuống từ một tầm vóc cao hơn, nhưng cũng là sụp đổ một cách chóng vánh đến kinh ngạc. Tháng 5/2002, họ còn dự chung kết Champions League cùng Real Madrid, chỉ chịu mất chức vô địch sau một bàn thắng gần như không có thật của Zidane và những pha cứu bóng xuất thần của Casillas. Đến tháng 10 năm ấy, chiến dịch trụ hạng của Leverkusen ở Bundesliga đã chính thức bắt đầu.
Wenger có một ngày kỷ niệm buồn
Có một sự trùng hợp tình cờ là thời ấy, Leverkusen cũng bán mất 2 cầu thủ quan trọng nhất ở tuyến giữa: một tiền vệ cánh trái (Ze Roberto) và một tiền vệ trung tâm (Ballack). Vẫn còn Lucio, bổ sung thêm Franca và Simak (thời ấy vẫn còn mang danh “ngôi sao”), thế mà vẫn thê thảm. Ballack và Ze Roberto chính là “đá đỉnh vòm” của Leverkusen. Rất dễ dàng nhận ra ai đóng vai trò của Ballack và Ze Roberto ở Arsenal bây giờ. Đó chính là Fabregas và Nasri.
Những gì đã diễn ra cho thấy mọi nỗ lực cứu vãn của HLV Wenger lúc này đều là vô vọng. Arsenal không thể quay trở lại dáng hình cũ nữa. Cũng giống như Leverkusen, họ có thể sẽ không xuống hạng, cho dù bây giờ đã chỉ còn hơn nhóm xuống hạng có 2 điểm thôi. Họ có thể sẽ làm lại vào một lúc nào khác (Leverkusen giờ vẫn đang dự Champions League), nhưng không phải trong mùa giải này. Thậm chí, với việc Jack Wilshere sẽ điều trị chấn thương cho tới tận năm sau, không có lý do gì để đánh giá đội hình của Arsenal cao hơn đội hình của Newcastle hay Aston Villa. Họ chỉ còn mỗi Van Persie xứng danh “ngôi sao”. Đã đến lúc để tạm quên Arsenal với tư cách một đội bóng lớn.
Và những điều đó, trớ trêu nhất, đổ ập lên đầu HLV Arsene Wenger vào đúng lúc ông kỷ niệm 15 năm ngày dẫn dắt Arsenal. Ngày kỷ niệm ấy, ông đã từ chối tiệc tùng để tập trung đá với Tottenham. Nhưng tiếc rằng nỗ lực ấy chỉ càng khiến ngày kỷ niệm trông giống một đám tang. Bất chấp việc những người đồng nghiệp, từ Ferguson cho đến Redknapp, đã gạt qua những cạnh tranh xưa cũ và cùng đứng lên kiên quyết bảo vệ Wenger, các nhà cái vẫn rất lạnh lùng: họ đã xếp ông thứ 3 trên danh sách những HLV có khả năng bị sa thải cao nhất ở Premier League.
Lỗi có thể không thuộc về Wenger, khi những thống kê trong quá khứ chỉ ra rằng ông không phải kẻ cuồng tín với chính sách “trẻ nữa, trẻ mãi”. Nhưng khi CLB lâm vào khủng hoảng, cách giải quyết vấn đề dễ dàng nhất của các chủ tịch là sa thải HLV. Họ chẳng có lựa chọn nào khả dĩ hơn, bởi cầu thủ không thể thay, BLĐ càng không thể thay.
Sau trận thua Tottenham, lại một lần nữa người đàn ông tội nghiệp đứng lên nói rằng: “Chúng tôi vẫn có thể làm lại”. Ông đã nói điều đó quá nhiều lần trong 6 năm qua và kể từ đầu mùa giải này. Không ai tin ông nữa.
Không có lý do gì để tin. Nói đến Arsenal bây giờ nghĩa là nói về nỗi buồn. Đừng nói nữa thì hơn.
(Theo báo Bóng Đá)