Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Năm thách thức của Arsenal trong mùa giải mới

Thứ Sáu 31/07/2009 11:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Tuy vẫn được coi là một đại gia của bóng đá Anh nhưng Arsenal nhiều khả năng sẽ không còn tồn tại ở nhóm "tứ đại gia" lâu nữa khi mà ngày càng tỏ ra yếu thế so với ba kình địch còn lại (MU, Chelsea, Liverpool). Đặc biệt sự lớn mạnh không ngừng của Man City đã đưa ra lời cảnh báo đanh thép cho vị trí của Arsenal ở Premier League mùa giải tới trừ phi "Pháo thủ" thành London có sự lột xác hoàn toàn trong mùa giải mới.

Nhưng để làm được điều đó, không phải là dễ dàng với Arsenal và bản thân HLV Arsene Wenger. Đã 4 mùa giải liên tiếp, Arsenal không giành nổi một danh hiệu lớn nào và mùa sau, nếu không cẩn thận, họ còn có thể mất nốt suất dự Champions League (vào tay ... Man City chăng). Xét một cách toàn diện, Arsenal đang là đội yếu nhất trong "bộ tứ" và nguy cơ bị phế truất là không nhỏ chút nào. Dưới đây là 5 thách thức mà thày trò Wenger phải đối mặt nếu muốn "vượt vũ môn" thành công

Tình hình tài chính

Tài "nhìn người" của Wenger đã được kiểm chứng sau hàng loạt bản hợp đồng thành công với tiêu chí hàng đầu "giá rẻ, chất lượng cao" nhưng ở thời buổi "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" như hiện nay thì một CLB có tiềm lực tài chính yếu sẽ không thể thành công. Dù ban lãnh đạo đội bóng vẫn luôn mồm khẳng định Arsenal có thừa tiền cho Wenger chi tiêu nhưng các động thái mới đây đã cho thấy, Wenger chỉ có thể trông chờ vào số tiền bán Adebayor và Toure (tổng cộng khoảng 40 triệu bảng) để chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng nhằm củng cố lực lượng và một lần nữa, vị "Giáo sư" người Pháp phải tận dụng tối đa đầu óc khôn ngoan của mình.

HLV Wenger sẽ phải đối mặt với không ít thử thách

Bởi thực chất, Arsenal không biết xoay đâu ra tiền cho Arsene Wenger khi mà vẫn đang phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ từ việc xây dựng sân Emirates. Ngoài ra, họ cũng phải chạy vạy khắp nơi để lo nguồn tài chính cho dự án đầu tư trên mảnh đất của sân Highbury cũ. Hàng năm chi phí lãi vay mà Arsenal phải trả rơi vào khoảng trên dưới 20 triệu bảng. Cũng còn may là doanh thu của Arsenal khá ổn định và quỹ lương của đội bóng cũng không phải là cao (dù đây chính là một yếu tố khiến họ khó giữ chân được các trụ cột). Nhưng tính ra, khoản thu của Arsenal chỉ đủ bù chi và không dôi ra được bao nhiêu. Thêm vào đó, mô hình hoạt động như một công ty cổ phần càng khiến cho áp lực về mặt tài chính thêm nặng nề (trong khi những đại gia khác, chủ yếu là từ tiền túi của những ông chủ). Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ nếu năm tới, Arsenal không bảo vệ được suất tham dự Champions League, mỏ vàng cả về tiền bạc và danh tiếng cho bất cứ đội bóng nào. Xem chừng, khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra.

Lực lượng

Wenger hình như đã lạc quan thái quá khi cho rằng, lực lượng cầu thủ hiện nay của Arsenal đủ sức trở thành một "thế hệ vàng son" giống như MU vào những năm cuối của thế kỷ trước (thời đỉnh cao của Beckham, G.Neville, Giggs, Scholes, Butt). Đúng là những Denilson, Nasri, Song, Diaby, Bendtner, Sagna, Van Persie và Walcott có thừa tài năng nhưng để vươn lên tầm cỡ những siêu sao hàng đầu thế giới thì họ vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Và minh chứng rõ ràng nhất không gì ngoài việc phải giúp đội bóng giành được danh hiệu nếu không, muôn đời, họ chỉ được đánh giá là những "tiềm năng không bao giờ trưởng thành".

Điểm yếu dễ nhận ra nhất của Arsenal mà cả những người ra đi và ở lại đều phải công nhận là một đội hình thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao và lý do một phần là ở tuổi đời trung bình quá trẻ. Chính chiến lược gia người Pháp đã từng tuyên bố sẽ bổ sung cái còn thiếu này cho Arsenal trong mùa hè năm nay nhưng rốt cục, người duy nhất mà ông đem về đến thời điểm này vẫn lại là một cầu thủ dưới 23 tuổi và còn khá vô danh ở châu Âu, trung vệ người Bỉ, Thomas Vermaelen từ Ajax (Hà Lan). Rất có thể, một lần nữa, Wenger lại tỏ ra đúng đắn tuy nhiên Vermaelen sẽ chẳng thể giúp Arsenal nâng cấp về mặt kinh nghiệm và thậm chí, còn phải cần học hỏi nhiều từ những đồng đội cùng trang lứa ở đội bóng mới. Chấn thương cũng là một nguy cơ hiện hữu khi ở Arsenal, có một vài cầu thủ được coi là trụ cột nhưng phải thường xuyên làm bạn với giường bệnh như Eduardo Da Silva hay Rosicky.

Thủ lĩnh đội bóng

Cesc Fabregas chưa hội đủ mọi yếu tố của một thủ lĩnh tài ba

Theo Wenger, Arsenal có thừa những cầu thủ đủ tài và đức để đảm nhận vai trò đội trưởng nhưng thực tế đâu phải như vậy. Sau Tony Adams và Patrick Viera, "Pháo thủ" thành London vẫn chưa tìm nổi một cầu thủ thống lĩnh trên sân và làm chỗ dựa tinh thần cho đồng đội cũng như có thể vực dậy cả đội trong những thời điểm khó khăn nhất. Việc không có thủ lĩnh, đã khiến Arsenal bị đuối sức trong chặng quyết định của mùa giải 2007-2008. Mùa năm ngoái, trung vệ Gallas được giao trọng trách nặng nề này nhưng cầu thủ người Pháp không đủ tầm và đẳng cấp để dẫn dắt lớp trẻ của đội bóng. Nay, chiếc băng đội trưởng được chuyển sang cho Cesc Fabregas, ngôi sao lớn nhất đội bóng. Xét về tài hay tầm ảnh hưởng, Fabregas là cầu thủ xứng đáng nhất nhưng tuổi đời của anh vẫn còn trẻ và cái vinh dự đó nhiều lúc trở thành gánh nặng cho tiền vệ người Tây Ban Nha. Một bất lợi nữa của Cesc là ở cấp độ ĐTQG, anh chưa phải là cái tên quá quan trọng của ĐT xứ Bò tót nên tư duy lãnh đạo không có cơ hội để phát triển mạnh mẽ. Theo những thững tin tức mới nhất, Arsenal đang muốn chiêu mộ "người cũ" Patrick Viera, đủ để thấy "Pháo thủ" thèm khát một thủ lĩnh như thế nào.

Hậu trường

Tình hình tại thượng tầng của Arsenal không êm ả chút nào. Vài năm qua, lần lượt David Dein, Keith Edelman và Lady Bracewell-Smith, những quản lý cấp cao đã rời bỏ đội bóng vì nhiều lý do khác nhau, để lại những lổ hổng lớn ở ban lãnh đạo. Đặc biệt là David Dein, cựu phó chủ tịch của Arsenal, một người đã gắn bó với Arsenal hơn 15 năm và có tầm ảnh hưởng cực lớn ở CLB. Hiện nay, hầu như mọi quyết định đều do 2 cổ đông lớn, Stan Kroenke và Danny Fiszman đưa ra trong khi chủ tịch mới được bổ nhiệm, Ivan Gazidis thường xuyên bị lôi kéo vào các vụ tranh chấp quyền lực giữa những phe phái. Các cổ đông lớn của đội bóng thường xuyên mâu thuẫn với nhau về lợi ích, hướng phát triển đội bóng cũng như quyền lợi. Như là việc tỷ phú Alisher Usmanov dù chiếm hơn 20% cổ phần nhưng lại không được bầu vào ban điều hành do không được lòng các cổ đông khác. Một khi hậu trường vẫn còn rối ren thì khó hy vọng Arsenal sẽ vùng lên mạnh mẽ và ổn định được.

Cổ động viên

Người hâm mộ Arsenal đang ngày một nóng ruột với kết quả không mấy tốt đẹp của Arsenal trong mấy năm trở lại đây khi trắng tay trên mọi mặt trận. Sự chán nản của các CĐV, thậm chí là trung thành nhất là thực tế khó tránh khỏi. Sân Emirates đã bắt đầu xuất hiện tiếng la ó sau những màn trình diễn kém thuyết phục của đội nhà. HLV Arsene Wenger đã từng phải lên tiếng kêu gọi CĐV ủng hộ và sát cánh hơn nữa với Arsenal trong tình thế khó khăn. Dĩ nhiên, khi đã trót yêu đội bóng nào thì người hâm mộ khó lòng dứt bỏ ngay cả khi đội bóng ấy có rơi vào hoàn cảnh nào đi nữa nhưng một sự khởi đầu hoàn hảo trong mùa giải mới sẽ giúp Arsenal tạo ra sự phấn khích nơi các CĐV và như thế, đội bóng mới được tiếp thêm động lực nhờ sự cổ vũ hết mình của người hâm mộ.

  • Đức Tuấn (Theo Telegraph)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X