Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Muamba: Con đường tị nạn đến đội tuyển Anh?

Thứ Hai 14/01/2008 16:58(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ở tuổi 19, Fabrice Muamba đã khoác áo đội U21 Anh, là trụ cột của CLB Birmingham và cho dù xứng đáng hay không, đã có người gọi anh là Patrick Vieira mới.    
 
Đôi chân thoăn thoắt như hoẵng, giống Vieira, đem lại cho Muamba cả tốc độ lẫn sự mềm mại, dù anh tranh bóng rất mạnh mẽ ở vị trí tiền vệ trụ. Tóm lại, đấy là một cầu thủ giỏi, đáng để Fabio Capello quan tâm khi ông nhìn về tương lai của đội tuyển Anh. Điều đặc biệt về Muamba là ở chỗ: nếu được Capello cho một cơ hội, Muamba sẽ trở thành cầu thủ đầu tiên gia nhập đội tuyển Anh từ con đường tị nạn chính trị.

Fabrice Muamba (phải) trong màu áo Birmingham

Cha của Fabrice là Marcel Muamba, một chính khách thân cận với Mobotu Sese Soko, tức Mobutu - người giữ ghế Tổng thống Zaire (nay là CHDC Congo) suốt từ năm 1965 đến năm 1997. Khi các lực lượng chống Mobutu liên kết để thành lập Liên minh Dân chủ Giải phóng Zaire, Marcel Muamba là một trong những mục tiêu săn lùng, có thể bị sát hại bất cứ lúc nào. Fabrice và mẹ phải ẩn náu ở nhà của người chú ruột Ilunga, nơi an toàn duy nhất. Một ngày nọ, khi Fabrice mới 8 tuổi, Marcel đến thăm con trai và cho biết ông sẽ ra đi, không biết khi nào mới gặp lại. Marcel sang Anh tị nạn chính trị.

Không được may mắn như Marcel, Ilunga bị giết ở quê nhà. Muamba kể lại: "Chú đã cố gắng bảo vệ gia đình tôi bằng mọi cách, trong vòng 1 năm. Rồi ông bị giết. Tôi không biết chi tiết cụ thể, nhưng cũng không cần biết. Sau này, cha tôi nhiều lần muốn kể rõ chi tiết về cái chết của chú Ilunga, nhưng tôi không bao giờ muốn nghe, vì quá đau lòng". May mà sau đó, Muamba và mẹ cũng được sắp xếp để sang Anh tị nạn. Cậu không phải tận mắt chứng kiến cảnh người ta giết nhau trên đường phố hoặc nghe tiếng súng đạn trong giấc ngủ nữa. Tại London, ở tuổi 11, Muamba mừng rỡ gặp lại cha, và bắt đầu một chương mới trong cuộc sống. Muamba run lập cập ngay khi bước khỏi máy bay, và đấy, tất nhiên là lần đầu tiên trong đời cậu trông thấy tuyết. Nhưng sau 8 năm tị nạn rồi trở thành công dân trên đất khách quê người, cuộc sống của Muamba ngày càng đầm ấm chứ không lạnh lẽo như ngày đầu bước xuống sân bay Heathrow.

Muamba không nói được nửa chữ tiếng Anh và bỡ ngỡ khôn tả trong ngày đầu tiên đến trường. Nhưng giờ đây, anh phát âm chuẩn hơn người bản xứ, lại có bằng đại học về toán. Muamba dự định dùng vốn kiến thức để kinh doanh sau khi giải nghệ. Nhưng trước mắt, sự nghiệp của Muamba là bóng đá. Nhờ năng khiếu thể thao thiên bẩm, và cũng vì không thể tỏa sáng trong bất cứ lĩnh vực nào khác hơn là thể thao trong bước đầu hội nhập, Muamba nhanh chóng thành công trong các trận bóng đá học đường. "Thằng bé là ai thế?" - Mọi người đều thốt lên câu ấy mỗi khi bóng đến chân Muamba. Trong số đó, có cả chuyên gia săn lùng tài năng của CLB Arsenal. Thế là vận may mỉm cười với Muamba: cậu gia nhập lò năng khiếu của Arsenal khi chưa tròn 14 tuổi.

Chỉ 3 năm sau, Muamba đã chính thức khoác áo Arsenal ở Cúp Liên đoàn và được chọn vào đội U17 Anh. HLV Steve Bruce mượn Muamba về Birmingham, và cậu bé lập tức thi đấu thường xuyên, thay vì phải kiên nhẫn chờ đợi như lời khuyên của Arsene Wenger tại Arsenal. Ấn tượng về Muamba đủ mạnh để Birmingham ký hẳn hợp đồng 4 triệu bảng với "di dân" Muamba đầu mùa này. Trong màu áo Birmingham, Muamba đã trở lại sân Arsenal trong vai đối thủ ở vòng đấu cuối tuần qua tại Premier League.

Tỷ số hòa 1-1 trước 60.000 khán giả Emirates là kết quả không tồi. Với Muamba, được đá chính 21 trận trong 22 vòng đấu ở Premier League mùa này cũng là điều không tồi. Tương lai của cậu bé tị nạn Muamba hiện rất sáng sủa.

(Theo SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X