Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

M.U truyền thống đã ... "chết" hoàn toàn

Thứ Bảy 13/09/2014 17:15(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Chủ ngoại, HLV ngoại và đa số trụ cột cũng là "hàng ngoại nhập", M.U chúng ta từng biết đã chết, và giờ đây một kỷ nguyên mới đang mở ra tại Old Trafford.

Cựu thủ quân “Quỷ đỏ” và nay là trợ lý của HLV Roy Hodgson tại ĐTQG, Gary Neville luôn cho rằng đội bóng cũ nên được dẫn dắt bởi một người thuộc Vương quốc Anh. Tâm sự riêng có, chỉ trích kịch liệt trên truyền thông cũng có, nhưng ý kiến của anh đã không được tiếp thu.

Neville thực lòng mong M.U sẽ tránh được sức cám dỗ từ những ông thầy ngoại tài năng. Anh từng muốn BLĐ đội chủ sân Old Trafford cho David Moyes nhiều thời gian hơn, nhưng ngay cả khi nhà cầm quân người Scotland đã bị sa thải, Neville vẫn một mực ủng hộ một tân “thuyền trưởng” nội. Anh nói, đó là điểm làm cho M.U trở nên đặc biệt. Đó là một phần của truyền thống. Chỉ một HLV người Anh mới trao nhiều cơ hội cho những tài năng trẻ Anh. Và đó là yếu tố cấu thành M.U.

Với Van Gaal, M.U đã biến thành một CLB quốc tế
Với Van Gaal, M.U đã biến thành một CLB quốc tế

Tất cả những răn đe ấy của Neville đã không thay đổi được quyết định của BLĐ đội bóng. Vào tối mai, người hâm mộ sẽ chứng kiến một M.U hoàn toàn mới. Trên sân Old Trafford, tiếp đón QPR sẽ là một HLV ngoại cùng đội hình 11 người gồm đa phần là những ngoại binh đắt giá.

Ngay cả khi những cái tên người Vương Quốc Anh như Jonny Evans hay Darren Fletcher có ra sân, họ cũng sẽ chỉ là những lựa chọn tạm thời cho đến khi danh sách chấn thương của “Quỷ đỏ” rút ngắn bớt, hoặc cho đến kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Tiêu chí của M.U hiện nay là mỗi năm mua 1 ngôi sao. Và mặc dù Ryan Giggs có tuyên bố CLB sẽ tiếp tục trao cơ hội cho những tài năng trẻ, nhưng giống như Neville, cách nghĩ của huyền thoại này đã quá lỗi thời ở Old Trafford.

Chiến lược đưa đội bóng từ vị trí thứ 7 trở lại top 4 chỉ trong vòng 1 mùa giải là quá gấp gáp, trong khi đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ như trong quá khứ sẽ cần nhiều thời gian, do đó không phải là phương án phù hợp. Trong quá trình cải tổ, Louis van Gaal đã đẩy đi một số cầu thủ tầm thường. Tuy nhiên, điều đó không giúp ích nhiều, trái lại còn hạn chế khả năng phát triển của những “viên ngọc thô”, điển hình là Adnan Januzaj. Từng là “sao mai” rực rỡ nhất của mùa giải năm ngoái, nhưng giờ đây anh chỉ còn là một cái bóng mờ. Quá ít cơ hội, quá ít thời gian cho anh thể hiện.

Nói như thế không có nghĩa việc M.U chi tiêu “thả phanh” là sai trái. Họ giàu có, vì thế chẳng ai cấm được họ phô bày tài sản kếch xù của mình. Với “Quỷ đỏ” lúc này, hầu hết người hâm mộ sẽ ủng hộ họ mua sắm rầm rộ. Thế hệ 1992 là một hình ảnh đẹp, nhưng đó lại chỉ là một cơn gió thoảng qua, kể từ đó họ không còn sản sinh ra những thế hệ tài năng mới nữa.

Ed Woodward, phó chủ tịch điều hành, đã đầu tư vào một canh bạc lớn nhưng cần thiết, sau nhiều năm nhà Glazer khiến M.U phải “thắt lưng buộc bụng”. Nhìn nhận một cách tích cực, đội hình xuất phát Van Gaal bố trí vào tối mai sẽ thu hút sự quan tâm cực lớn, là cú hích cho Premier League. Nhưng đó có còn là M.U mà chúng ta đã biết? Không. Không phải một M.U của Neville, Giggs và của người hâm mộ bóng đá Việt Nam những năm 1990. Không phải một M.U của Sir Alex hay Sir Matt Busby.

Đây là một M.U mới, giống như Man City, Chelsea, Real Madrid hay Inter, những CLB sở hữu cầu thủ từ nhiều quốc tịch khác nhau. Một cách vận hành của những CLB lớn hiện đại, họ thu hút những ngôi sao hàng đầu và trải qua từng trận đấu như thể đi lưu diễn.

Cristiano Ronaldo là một thiên tài đã trưởng thành ở M.U nhưng rốt cuộc anh lại gia nhập Real Madrid. Old Trafford từng là “bàn đạp” đưa anh lên nấc thang mới, sau những năm tháng ăn tập tại Sporting Lisbon, để rồi điểm dừng chân cuối là Santiago Bernabeu. Radamel Falcao bày tỏ mong muốn gắn bó với “Quỷ đỏ” trong nhiều năm tới, nhưng đừng tin những gì chân sút này nói. Anh cũng từng “háo hức với thử thách mới” và “vô cùng hạnh phúc” ở Monaco chỉ mới 1 năm trước thôi. “Tôi bị thuyết phục bởi chiến lược của CLB”, và giờ thì anh bị thuyết phục bởi một chiến lược khác.

M.U có thể thành công, nhưng cách họ thành công không như trong quá khứ. Người ta sẽ không thấy, ngay cả trong 10 năm tới, những hành động kiểu như quyên góp cho Salford City (một CLB thuộc sở hữu của những cựu danh thủ thế hệ 1992 nhằm gây dựng lại một M.U đích thực) từ Falcao, Angel Di Maria hay Marcos Rojo. Ngược lại, với một đội hình đắt giá bậc nhất Premier League, họ sẽ không bao giờ chấp nhận việc phải tiếp tục sống thiếu Champions League ở mùa giải tiếp theo, đặc biệt khi mới chỉ trải qua 3 vòng đấu.

M.U đang đứng thứ 14 trên BXH, nhưng khoảng cách với đội đầu bảng chỉ là 7 điểm, và nếu so với top 4 thì chỉ là 5. Hiện đội xếp thứ 3 là Aston Villa, cái tên mà chẳng ai nghĩ sẽ đủ sức giữ vị trí đó tới cuối mùa. Còn tới… 105 điểm tối đa thầy trò Van Gaal có thể giành được, trong đó bao gồm tất cả những đối thủ của họ trong cuộc đua vào top 4. Vì thế, chưa thể kết luận một điều gì.

Với lực lượng hiện có, các ông chủ tại Old Trafford chẳng có lý do gì không yêu cầu một vị trí trong top 3 vào cuối mùa. Danh tiếng của Van Gaal là một sự đảm bảo, nhưng sẽ xuất hiện những vấn đề nếu ông không nhanh chóng thay đổi được tình hình. BLĐ M.U không bao giờ nhìn thấy những sự tiến bộ nhỏ qua từng trận của lối chơi, của dấu ấn chiến thuật, thay vào đó, họ đánh giá qua những con số, qua kết quả cuối cùng.

Tại Manchester sắp tới sẽ là một bầu không khí khác lạ. Đa số người hâm mộ M.U vẫn dành sự ủng hộ cho Moyes ngay cả ở thời điểm đen tối nhất, nhưng điều gì xảy ra một khi đội hình đắt giá hiện tại của Van Gaal khởi đầu chậm chạp? Không kể QPR, M.U sắp tới sẽ chỉ gặp một số đối thủ yếu trước khi chạm trán Everton (5/10), Chelsea (26/10), Man City (2/11) và Arsenal (23/11).

Đội bóng mà Neville, Giggs và chúng ta từng biết có mối liên hệ sâu sắc giữa những cầu thủ “cây nhà lá vườn” với các CĐV. Tuần trước, David Beckham chia sẻ: “Là một cầu thủ trẻ M.U, ăn tập từ nhỏ và trưởng thành tại đây, bạn sẽ cảm nhận được tình cảm từ người hâm mộ. Bạn là cầu thủ của họ. Khi chúng tôi thành công, giành các cúp châu Âu, giải VĐQG hay cúp FA, tình cảm của họ sẽ giống như người cha nhìn đứa con ghi bàn thắng. Bạn cảm thấy mình có 75.000 cha mẹ đang theo dõi bạn từ các khán đài. Đó là bầu không khí ở M.U”.

Có thể không phải bản hợp đồng nào cũng là những người xa lạ, ví như Ronaldo từng được các CĐV ủng hộ sau VCK World Cup 2006, nhưng chắc chắn họ không nhận được sự che chở tuyệt đối trong thời điểm khó khăn. Ronaldo là ngoại lệ, anh là một thiên tài, và là một phần quan trọng của những năm tháng thành công trong giai đoạn ấy. Điều gì sẽ xảy ra khi một tiền đạo nhận lương 300.000 bảng mỗi tuần thi đấu không tốt trong một đội bóng vốn đang rệu rã? Liệu anh ta có nhận được sự cảm thông từ các khán đài?

Ngay cả Tom Cleverley, chàng trai gắn bó với M.U từ năm 11 tuổi, cũng đã phải lên tiếng chỉ trích bầu không khí ở Old Trafford mùa trước. Nếu điều đó tiếp diễn thì sao? Liệu Falcao có cảm thấy như thể 75.000 khán giả ở Manchester giống như những người cha người mẹ? Trái lại, anh sẽ giống như Mesut Oezil ở Arsenal, Fernando Torres ở Chelsea, luôn bị liên hệ về giá chuyển nhượng, lương bổng nếu như thi đấu không tốt. Jack Wilshere luôn được “nuông chiều” hơn Oezil, cũng vì lý do mà Becks đã tâm sự.

Hãy chuẩn bị cho ngày đầu tiên của M.U của kỷ nguyên mới, vì “Bầy quỷ” mà Neville cho rằng anh hiểu như lòng bàn tay đã không còn tồn tại. M.U sẽ hướng tới tương lai, sẽ tiếp tục vận hành như thế này ngay cả khi Van Gaal đưa đội bóng vượt qua quãng thời gian tồi tệ hiện tại. Họ đang giống như mọi CLB hiện đại khác: giàu có hơn, lớn mạnh hơn, với những kỳ vọng khổng lồ.

Theo Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X